Xây dựng định mức lao động giáo viên phổ thông
Hội đồng đã cho ý kiến triển khai, đánh giá về mục tiêu, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông”. Đề tài do nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì và tổ chức nghiên cứu.
Mục tiêu đặt ra cho đề tài là: Xây dựng cơ sở khoa học để xác định định mức kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Xây dựng căn cứ khoa học để đề xuất thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, góp phần hoàn thiện các văn bản luật có liên quan; đề xuất được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về định mức kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông (theo từng cấp học); Đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các trường phổ thông.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thông qua kết quả quyết định của hội đồng cho triển khai đề tài nghiên cứu. Đồng thời khẳng định, đề tài là một sản phẩm cần phải nghiên cứu, góp phần mang lại sự hài lòng cho người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, yên tâm công tác với định mức phản ánh đúng năng lực của mình;
Do vậy phải tính định mức làm sao để giáo viên vừa được lên lớp dạy theo số tiết quy định, vừa có thời gian để làm các công việc khác như điểm, tư vấn tâm lý cho học sinh, phối hợp với phụ huynh trong công tác cùng nhà trường giáo dục học sinh…
Thứ trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu phải tính ra được định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông ở từng vị trí việc làm, gắn với môi trường đặc thù của nghề giáo; tính lô gic giữa định mức lao động kinh tế, kỹ thuật và cơ chế quản lý nhân sự trong các trường học, phải thể hiện rõ nét mối quan hệ chặt chẽ này.
Đánh giá rõ định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông, kèm theo lương và các điều kiện khác trong vị trí việc làm cụ thể. Định mức phải được tính theo cách tiếp cận mới: lao động trong môi trường, điều kiện giảng dạy gắn với các loại hình trường, cơ sở giáo dục hiện nay trong hệ thống giáo dục quốc dân, phân tích đặc điểm lao động của người giáo viên.
Đặc biệt đề tài nghiên cứu phải gắn với những mục tiêu, yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI.