Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh: Tiền đề để Thủ đô giành thắng lợi mới
Đoàn Công tác của thành phố Hà Nội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp, tinh gọn bộ máy của thành phố với các địa phương
Bài liên quan
Đảng bộ thành phố Hà Nội: 90 năm một chặng đường vẻ vang
Đổi mới công tác tổ chức, xây dựng Đảng: Đòn bẩy thúc đẩy thực thi nhiệm vụ
Thành ủy Hà Nội tổng kết 3 chương trình công tác toàn khóa
Củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự
Sắp xếp và kiện toàn bộ máy
Ngay sau hợp nhất năm 2008, thành phố đã bắt tay vào công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, ban, ngành một cách khẩn trương, bài bản, công tâm, khách quan. Sau hợp nhất, đội ngũ cán bộ rất hùng hậu, nhưng sau 10 năm, Hà Nội đã giảm số cán bộ còn tương đương như những tỉnh thành khác, bộ máy vẫn hoạt động đồng bộ, hiệu quả.
Đến nay, Đảng bộ Hà Nội lớn nhất cả nước với 59 Đảng bộ trực thuộc, 2.709 tổ chức cơ sở Đảng và 429.119 đảng viên. Nhiệm vụ nhiều và nặng nề, độ phức tạp lớn hơn nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở luôn đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Sau bước chuyển mình to lớn ấy, Hà Nội cũng bắt tay vào kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị bằng việc ban hành và triển khai Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Sau 5 năm đầu, kết quả thống kê cho thấy thành phố giảm 2.018 thôn, tổ dân phố và 402 chi bộ, giảm gần 1 vạn người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ chi bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách. Điều quan trọng hơn cả, thành phố đã thống nhất mô hình tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.
Không dừng lại ở kết quả đó, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đề ra các giải pháp củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngày 16/9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, kết quả thực hiện tại nhiều địa phương rất khả quan. Tính chung toàn thành phố, hoàn thành đề án này sẽ giúp giảm hơn 33.000 người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách tới hơn 236 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, Thành ủy Hà Nội còn chủ động triển khai thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đồng bộ từ khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đến khối chính quyền. Qua đó, từng con người trong hệ thống chính trị đã được bố trí gắn với vị trí việc làm có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của thành phố phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố từ ngày 1/7/2021.
Củng cố các cơ sở Đảng yếu kém
Củng cố tổ chức cơ sở Đảng là một trong những nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Xuất phát từ ý nghĩa đó, ngày 4/7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Thực hiện Nghị quyết, lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, các cơ quan chức năng đã lập “bản đồ” được những “mắt xích” yếu kém. Nhờ đó, đến nay toàn thành phố đã củng cố xong 162/220 (đạt 73,6%) tổ chức cơ sở Đảng.
Cùng với việc củng cố cơ sở Đảng yếu kém, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng. Ban Thường vụ Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 58 tập thể trực thuộc, tập trung chủ yếu vào những hạn chế, khuyết điểm chính, những vấn đề nổi cộm thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Đánh giá về sự chủ động, quyết liệt trong xây dựng hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, PGS. TS Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận xét: “Hà Nội đã bứt phá lên so với chính mình, là “cái nôi” phát minh, thử nghiệm hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc và làm gương cho cả nước trong thực hiện những ý tưởng đổi mới, sáng tạo”.
Thẳng thắn nhìn nhận, Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục được củng cố, chủ yếu ở các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ xã, phường, thị trấn và trong các chi bộ doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác quản lý đảng viên có nơi thiếu chặt chẽ, cá biệt để cán bộ chủ chốt vi phạm pháp luật phải xử lý.
Bước vào năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Song song với củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, toàn Đảng bộ phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của HĐND các cấp; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...