Xây dựng "lá chắn" phòng, chống dịch Covid-19 tại khu, cụm công nghiệp Hà Nội
Kích hoạt phòng, chống dịch ở mức cao nhất
Cụm công nghiệp (CCN) Ngọc Liệp và Yên Sơn (huyện Quốc Oai) có 30 doanh nghiệp (DN) với hơn 2.000 lao động. Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở đây vẫn diễn ra bình thường. Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, các DN hoạt động tại CCN đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn xe ô tô chở hàng tới khu vực sản xuất; Công nhân được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tại cổng. Bên cạnh việc phát khẩu trang cho người lao động, nhiều công ty còn phát vitamin C miễn phí cho công nhân để nâng cao sức đề kháng trước dịch bệnh.
Tại CCN Thanh Oai (huyện Thanh Oai), những công ty đóng trên địa bàn cũng thực hiện nghiêm túc các biện pháp chòng chống dịch bên cạnh việc duy trì sản xuất. Công ty TNHH B.Braun Việt Nam chuyên sản xuất dịch truyền tĩnh mạch và các sản phẩm y tế sử dụng một lần, với hơn 1.500 cán bộ, công nhân. Công ty cũng đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch Covid-19 ở mức cao nhất ngay từ những ngày đầu khởi phát dịch. Công ty đã thành lập ủy ban kiểm soát rủi ro, hoạt động 24 giờ mỗi ngày với sự tham gia của ban lãnh đạo để chỉ đạo nhanh chóng, sâu sát công tác phòng, chống dịch.
Hà Nội nỗ lực cao nhất bảo đảm an toàn trong sản xuất tại khu, cụm công nghiệp |
Đại diện Công ty TNHH B.Braun cho biết, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch trong công ty đã được kích hoạt ở mức cao nhất. Công nhân đến làm việc đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, bảo đảm giữ đúng khoảng cách. Bếp ăn được bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn… Đơn vị cũng thường xuyên khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, những vị trí như tay vịn cầu thang, bề mặt tiếp xúc đều được lau rửa bằng cồn 6 lần/ca làm việc. Đơn vị cũng lên phương án nếu xảy ra trường hợp dịch bệnh thì sẽ tiến hành cách ly toàn bộ người lao động tại chỗ để duy trì sản xuất, không làm gián đoạn việc cung ứng.
Cũng như vậy, tại 11 CCN huyện Thường Tín, các DN đã tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch. Ban quản lý CCN Quất Động 2 thường xuyên cập nhật tình hình DN trong cụm để nắm bắt kịp thời, báo cáo diễn biến dịch Covid-19 đến UBND huyện Thường Tín và có biện pháp xử lý. Công tác phòng, chống dịch tại các DN đã được triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Hiểu rõ nếu để xảy ra lây lan dịch Covid-19 thì sẽ chịu tổn thất nặng nề, chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp tại các CCN, khu chế xuất Hà Nội đều ý thức và tuân thủ chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.
Bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 250 nghìn doanh nghiệp với 2,5 triệu người lao động. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến 50 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 488 doanh nghiệp bị ảnh hưởng; 7.268 công nhân lao động mất việc làm; 14.760 công nhân lao động thiếu việc làm. Nếu để tình trạng lây lan dịch bệnh tại các CCN, khu chế xuất thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn. Do đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng như các địa phương đều vào cuộc một cách quyết liệt, tránh Covid-19 “gõ cửa” và “bùng phát” như tại các tỉnh, đặc biệt là ở Bắc Giang trong thời gian qua.
Tại địa bàn huyện Gia Lâm, lãnh đạo huyện đã liên tiếp có nhiều văn bản đề nghị các DN SXKD tại CCN Phú Thị, Bát Tràng, Kiêu Ky lập danh sách người lao động, chuyên gia đang cư trú trên địa bàn thường xuyên chủ động giám sát phòng chống dịch. Do các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch nên đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Ngay khi dịch diễn biến phức tạp, UBND huyện Quốc Oai cũng đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai, DN kinh doanh hạ tầng CCN... quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Theo đó, DN phải tăng cường cảnh giác, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Nói đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho hay, Ban Quản lý đã yêu cầu các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN nắm chắc thông tin và yếu tố dịch tễ của người lao động; Tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dương tính với Covid-19.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một doanh nghiệp |
Cũng rốt ráo triển khai thực hiện Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND ngày 12/5 của UBND thành phố, góp phần chặn đứng và từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, Sở Công thương Hà Nội đề nghị UBND các huyện, CCN và cộng đồng DN quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh để duy trì ổn định SXKD.
Mới đây nhất, ngày 3/6, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1718/UBND-KT về bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN, CCN trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội có trách nhiệm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Sở Công thương Hà Nội chủ trì bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các CCN.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của các khu, CCN trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay; Thống kê số lượng, nơi cư trú của người lao động (chuyên gia nước ngoài, người lao động trong nước) tại các khu, CCN; Phương án phòng, chống dịch; Đồng thời, duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp khắc phục cụ thể; Đặc biệt xây dựng phương án, kịch bản phòng ngừa và chủ động xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngoài mục tiêu bảo vệ con người, chuỗi dây chuyền sản xuất, việc chủ động siết chặt phòng, chống dịch Covid-19 tại mỗi doanh nghiệp trong các KCN, CCN còn đóng góp cho nỗ lực và thành công chung trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 lần thứ 4 của toàn TP Hà Nội.