Xây dựng “lá chắn thép” bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy
Lập tổ công tác đặc biệt ngăn chặn ma tuý, "bóng cười" Nam thanh niên nhập viện do sử dụng thuốc lá tẩm ma túy |
Những hiểm họa khôn lường
Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho thấy, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Học sinh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội tham gia chuyên đề Phòng chống ma túy học đường |
Năm 2021, cả nước ghi nhận 2.492 người nghiện và sử dụng ma túy độ tuổi từ 12 - 18 (trong đó, 1.227 người tập trung vào nhóm học sinh, sinh viên). Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2023, con số này đã là 3.832 người - tăng hơn 50% (trong đó, 2.270 người thuộc nhóm học sinh, sinh viên). Đây là những con số đáng báo động về thực trạng tội phạm ma túy đang trẻ hóa.
Thời gian gần đây, tệ nạn ma túy có nguy cơ cao quay trở lại thẩm lậu vào trường học với sự "biến hóa" khôn lường của nhiều loại ma túy mà thầy cô, gia đình học sinh khó phát hiện và đặc biệt là phát hiện sớm. Không quá khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên tụ tập hút sisha, thuốc lá điện tử tại các nơi công cộng. Nhiều loại ma túy tổng hợp núp dưới những cái tên như "cỏ mỹ", "nước vui", "nước xoài", "tem giấy"... được lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tìm kiếm, sử dụng.
Trong chuyên đề, báo cáo viên đã chỉ ra cách nhận biết về các thể loại ma túy cho học sinh |
Trên những nền tảng mạng xã hội, có thể thấy không ít hình ảnh những đối tượng nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy nhưng vẫn được khá đông đảo người dùng theo dõi. Thậm chí, nhiều "giang hồ mạng" trở thành chủ nhân của những kênh YouTube, TikTok "triệu view", được giới trẻ tung hô, cổ súy, thần tượng.
Những video của "giang hồ mạng" đa phần mang nội dung xấu, nhảm nhí, thậm chí là vi phạm đạo đức xã hội, cổ súy lệnh chuẩn. Việc thường xuyên truy cập vào các nội dung xấu trên mạng xã hội vô hình sẽ gây ra nguy cơ tác động không nhỏ đến tư duy của giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng và khiến nhận thức của các em bị méo mó, lệch lạc.
Học sinh được hướng dẫn nhận biết về hình thức của ma túy để biết cách phòng tránh |
Đây là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để đẩy lùi, tiết tới triệt phá hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.
Bà Đinh Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa chia sẻ: “Ma túy xâm nhập học đường là chủ đề nóng mà các nhà trường đều quan tâm. Trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh chủ động tránh xa ma túy trở thành việc làm cần kíp hơn bao giờ hết với các nhà trường. Đó cũng là lý do để trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức chuyên đề Phòng chống ma túy học đường”.
Chuyên đề được thực hiện dưới sự tư vấn của Báo Giáo dục và Thời đại. Tại buổi chuyên đề, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn - Đội phó Đội Tổng hợp, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, ma túy đã và đang tìm cách xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường.
Học sinh là những đối tượng mới lớn, trong độ tuổi hình thành nhân cách nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, nhanh chóng trở thành mục tiêu tội phạm ma túy hướng tới.
Báo cáo viên chỉ ra các loại ma tuý trong đó có thuốc lắc dưới dạng hình ảnh trực quan để học sinh dễ dàng nhận diện |
Các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để bào chế rất nhiều dạng chế phẩm ma túy thế hệ mới và được đánh giá là cực độc so với ma túy truyền thống. Các dạng ma túy mới có hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá của giới trẻ, vừa che mắt cơ quan chức năng khi khám phá, phát hiện.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử hay là thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng xâm nhập vào các trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh. Thời gian gần đây, số học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử được bán trôi nổi và tràn lan trên mạng, có em còn bị ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Trung tá Ngô Tuấn Đạt - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Chương Mỹ lắng nghe các em học sinh chia sẻ hiểu biết của mình về phòng, chống ma túy |
Trang bị “thuốc đề kháng”
“Đừng thử ma túy dù chỉ một lần, đừng theo rủ rê đi tìm cảm giác lạ. Khi dính vào ma túy dù chỉ một lần là tự hủy hoại đời mình. Hãy đồng lòng cùng tránh xa ma túy, quyết tâm nói không với ma túy” là thông điệp buổi chuyên đề gửi gắm đến các em học sinh.
Thông qua buổi tuyên truyền, cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Đống Đa đã có thêm những kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, các em học sinh có sự chuyển biến về nhận thức khi luôn "Nói không với ma túy" và có hành động tự giác đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy.
Nhiều nội dung kiến thức được thực hiện dưới dạng trò chơi trả lời câu hỏi giúp học sinh hứng thú |
Không chỉ có trường THCS Đống Đa, mới đây, vào ngày 24/10, trường THCS Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhà trường cũng tổ chức chuyên đề về phòng chống ma túy trong học sinh.
Trường THCS Đại Yên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.
Chuyên đề Phòng chống ma túy học đường tại Trường THCS Đống Đa thu hút sự quan tâm của các em học sinh |
Tại đây, học sinh được thông tin về một số quy định trong Luật Phòng chống ma túy như: Các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, của MTTQ và các tổ chức thành viên trong phòng, chống ma túy; các loại ma túy, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy; thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện trong thuốc lá điện tử; ảnh hưởng của ma túy và các chất gây nghiện đối với sức khỏe con người.
Qua buổi tuyên truyền, các học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về ma túy, thuốc lá điện tử, bạo lực học đường để từ đó tránh xa các tệ nạn này.
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, trường sẽ phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh, các ban, ngành đoàn thể của xã, lực lượng công an quan tâm, kiểm tra kịp thời phát hiện những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn và giáo dục các em...
Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa Đinh Thị Vân Hồng tặng hoa báo cáo viên |
Ngành Giáo dục có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho người học, Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho người học cũng như phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoài giờ lên lớp và y tế trường học.
Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học và nhà giáo, cán bộ, viên chức toàn ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội.