Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Bài liên quan
Làng nghề quất cảnh Tứ Liên nhận danh hiệu làng nghề truyền thống
Năm 2018: Nông, lâm, ngư nghiệp của TP HCM tăng trưởng khá cao
Thí điểm xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội
- Năm 2018, ngành Nông nghiệp đã hoàn thành vượt nhiều mục tiêu kế hoạch. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn nổi bật của ngành trong năm qua?
Năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hoàn thành vượt 5/5 mục tiêu chủ yếu kế hoạch nhiệm vụ đề ra. Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành năm 2018 đạt khoảng 3,6% (mục tiêu đề ra tăng 3,05%); Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 tăng khoảng 3,8% (mục tiêu đề ra tăng 3,25 %); Kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2018 đạt khoảng trên 40 tỷ USD (mục tiêu Chính phủ giao là 36 - 37 tỷ USD); Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới hết năm 2018 đạt trên 42% (mục tiêu đề ra 39,8%).
Trong đó, điểm sáng khiến chúng tôi tâm đắc nhất là tốc độ tăng trưởng GDP ngành năm 2018. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, GDP nông lâm thủy sản năm 2018 có bước tăng trưởng vượt bậc để lấy lại đà tăng trưởng phát triển cho ngành, đạt khoảng 3,6%, đạt mức tăng cao nhất so với trung bình 10 năm lại đây.
- Năm 2018, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được coi là khâu đột phá giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một năm vượt đến 3,5 - 4 tỷ USD cho thấy, những định hướng và sự tập trung chỉ đạo cơ cấu đã và đang đi đúng hướng.
Thời gian qua, công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong giai đoạn năm 2017 - 2018, có khoảng 17 nhà máy chế biến lớn được khởi công và khánh thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.040 tỷ đồng, có những doanh nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao ngang tầm khu vực và quốc tế.
- Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ NN&PTNT có những định hướng cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tiếp nối kết quả đạt được của năm 2018, dự báo năm 2019 ngành nông nghiệp vừa có những thuận lợi, cơ hội để giữ đà tăng trưởng nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay nguy cơ dịch tả lợn châu Phi đang hiện hữu. Cùng với đó, hầu hết các nhà khoa học dự báo là trạng thái En-so đang từ trạng thái khí tượng trung bình chuyển sang Elnino trong năm 2019. Chính vì thế, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh và diễn biến thời tiết để phối hợp chỉ đạo sản xuất.
Bên cạnh đó, dự báo của FAO cho thấy, giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 và 2019 do nhu cầu tăng mạnh. Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và nền kinh tế, chuẩn bị tham gia CPTPP, EVFTA, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN… bên cạnh thuận lợi cơ bản là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng cũng gặp khó khăn về khả năng cạnh tranh, các rào cản kỹ thuật ở các nước nhập khẩu.
Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong đó, mục tiêu chủ yếu của ngành năm 2019 là tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt khoảng 42 - 43 tỷ USD; có khoảng 48 - 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, từng ngành hàng và xây dựng nông thôn mới hiệu quả, trong đó phải tập trung vào việc đẩy mạnh chế biến sâu để gia tăng giá trị; xây dựng thương hiệu cho từng loại nông sản và mở rộng thị trường.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!