Xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước
Theo Bí thư Thành ủy, trả lời câu hỏi này vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ và mỗi người dân Hà Nội. Cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền phải nghe được, thấu hiểu được và giải quyết được những tâm tư, nguyện vọng của người dân, DN, nhất là những băn khoăn, lo lắng, bức xúc.
Như trong thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, thực tế cho thấy, không phải những nơi có trình độ dân trí cao là thực hiện tốt nhất. Quận, huyện, xã, phường nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia sẽ đạt tỷ lệ cao. “TP đã đầu tư nhiều tiền cho công nghệ thông tin, nếu không phát huy được các ứng dụng thì sẽ lãng phí lớn” – Bí thư Thành ủy nói. Dù đã nỗ lực, nhưng đầu năm 2017, khi đánh giá về quản trị hành chính công, Hà Nội nằm trong top... thấp nhất. Điều này thể hiện rõ khi làm việc tại các quận, Bí thư Thành ủy đã mời một số cán bộ lãnh đạo phường để hỏi về tình hình triển khai dịch vụ công điện tử. Có người nắm khá chắc, nhưng có người chỉ trả lời chung chung “vòng ngoài”, thậm chí còn cán bộ chưa rõ phường mình có bao nhiêu thủ tục đã sử dụng dịch vụ công mức độ 3. Do đó, Bí thư Thành ủy cho rằng các cơ quan, đơn vị phải xem xét, “bóc” từng nội dung xem thực hiện đến đâu và có biện pháp chấn chỉnh. Chỉ tiêu năm 2017 TP đưa ra là 40% thủ tục thực hiện dịch vụ công mức độ 3, nhưng đồng chí yêu cầu phải phấn đấu đạt cao hơn. Muốn vậy, các cơ quan phải tăng cường kiểm tra, xuống cơ sở để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Nhờ đó, Hà Nội đã đứng đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng.
Tương tự là các giải pháp tháo gỡ cho DN, Bí thư yêu cầu mỗi cấp, ngành rà soát lại các khâu, bởi vẫn còn tình trạng gây khó dễ, còn “lời ong tiếng ve”, không coi DN là thành công của mình. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Chúng ta luôn phải nghĩ xem đã giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho DN chưa. Ai cũng nói thiếu nguồn lực, nếu cải thiện được môi trường kinh doanh, đầu tư, nguồn lực ở đây chứ ở đâu”.
Hay trong công tác quản lý đô thị, sau một thời gian nền nếp, không ít nơi đã bộc lộ sự buông lỏng, để vi phạm xảy ra tràn lan. Vấn đề này đã được Bí thư Thành ủy chỉ rõ tại Hội nghị tổng kết của CATP. “Các đồng chí có 5 đoàn công tác, nhưng trong một năm qua không xử lý được hoặc kiến nghị xử lý được một ai” - Bí thư nói và yêu cầu thời gian tới, CATP phải kiên quyết hơn với vi phạm, tránh tình trạng chung chung rồi lại như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Đối với các địa phương, “chúng ta không làm rầm rộ, nhưng phải bền vững. Mỗi xã, phường chỉ có một vài tuyến phố, nếu không thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm là trách nhiệm của Chủ tịch, Trưởng công an”.
Một vấn đề cũng được Bí thư Thành ủy quan tâm, chỉ đạo là tìm người tài, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận. “Tìm được người tài, sau này về hưu ngắm cũng thấy thích” - đồng chí đã từng nói vui như vậy, nhưng cũng chính là yêu cầu đối với công tác cán bộ. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị phải đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ và “đốt đuốc” tìm người tài từ cơ sở. Với cương vị người đứng đầu Đảng, Bí thư Thành ủy nhiều lần đặt hàng các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức đóng góp bằng việc làm, giải pháp cụ thể vào công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô.
Năm 2018, TP chọn chủ đề là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh trọng tâm là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Tất cả những hạn chế phải quy được về trách nhiệm của cá nhân để khắc phục, không có tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Đồng chí nói: “Từ lãnh đạo TP, đến Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu các xã, phường không khắc phục được những hạn chế ngay tại địa bàn mình quản lý, không huy động được sự đồng thuận cùng vào cuộc của người dân thì rất khó giải quyết được việc chung”. Đây vừa là yêu cầu, cũng chính là giải pháp để Hà Nội hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018.