Xét xử vụ án tại SAGRI: Ông Trần Trọng Tuấn khẳng định đã làm đầy đủ trách nhiệm
Xét xử vụ án sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra liên quan sai phạm tại Vinafood 2 và nhiều vụ “nóng” khác |
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại SAGRI liên quan đến việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu đất diện tích hơn 36.000m2 tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức), TP HCM.
Cụ thể, với vai trò là Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chuyển nhượng dự án của thành phố, ông Tuấn biết rõ các quy định của pháp luật về việc SAGRI xin chuyển nhượng dự án bất động sản.
Tuy chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng dự án, ông Tuấn vẫn ký tờ trình kèm theo dự thảo của Quyết định số 6077/QĐ-UBND, gửi UBND TP HCM đề xuất chấp thuận cho chuyển nhượng dự án trên.
Trong phiên tòa ngày 9/12, trả lời thẩm vấn của đại diện Viện kiểm sát, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn không đồng ý với việc bị quy kết tội.
Về dự án SAGRI xin chuyển nhượng, ông Tuấn cho rằng khi thẩm định hồ sơ SAGRI đã rất cẩn trọng, vì đây là doanh nghiệp Nhà nước, việc làm văn bản hỏi ý kiến Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính là thể hiện sự chặt chẽ của Hội đồng thẩm định.
"Hồ sơ đủ điều kiện chuyển nhượng, tuy nhiên, đây là dự án liên quan đến việc quản lý vốn Nhà nước nên trước khi tham mưu cho UBND TP HCM thì đề nghị Sở Tài chính có ý kiến để đảm bảo chặt chẽ không sai sót", ông Tuấn nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM |
Ông Tuấn khẳng định trong vụ chuyển nhượng dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình.
"Việc làm công văn hỏi Chi cục Tài chính doanh nghiệp thể hiện sự cẩn trọng trong việc quản lý chuyển nhượng vốn đầu tư doanh nghiệp Nhà nước ra ngoài doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc trong điều kiện, thủ tục sẽ dừng hồ sơ", ông Tuấn nói và khẳng định mình đã làm đầy đủ trách nhiệm.
Về quá trình thực hiện công vụ, ông Tuấn cho rằng, vụ án nếu nói áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trước hay Luật Quản lý vốn tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trước thực ra không có quy định. Với trách nhiệm, ông đã áp dụng đúng Luật Kinh doanh bất động sản và tờ trình không có điểm nào trái với Luật Quản lý vốn tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng phản bác kết luận giám định của Bộ Xây dựng cho rằng trường hợp SAGRI chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng theo điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, kết luận giám định của Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá để xác định giá thị trường là không tuân thủ theo Điều 29, Điều 38 Nghị định số 91/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp và điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Điều này ông Tuấn cũng khẳng định không đúng.
"Lúc đó, tôi nhận được kết luận giám định của Bộ Xây dựng. Tôi chắc chắn kết luận này là sai, tôi trình bày yêu cầu trưng cầu giám định lại nhưng không được chấp nhận, nên phải nhận sai và lấy lý do là nể nang. Tôi rất mong Hội đồng xét xử xem xét lại kết luận giám định", ông Tuấn nói.
Trong phiên tòa trước đó, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng kết luận giám định của Bộ Xây dựng không phù hợp với quy định pháp luật và nếu sử dụng kết luận giám định này để giải quyết vụ án thì không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, về vấn đề đấu giá dự án, ông Tuấn cho rằng tại Điều 29 Nghị định 91/2015 quy định về việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp Nhà nước. Còn Điều 38 quy định về việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều 29 và Điều 38 nằm trong mục quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Nghĩa là nếu SAGRI đầu tư dự án này mà thành lập pháp nhân mới là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn thì khi chuyển nhượng vốn ra khỏi doanh nghiệp phải đấu giá cổ phần hoặc cổ phiếu, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.
Phiên tòa xét xử vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) |
Theo ông Tuấn, trong vụ án này, SAGRI thực hiện dự án bằng hình thức hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư, không thành lập pháp nhân mới. Do đó, việc chuyển nhượng dự án bất động sản phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, xem xét dự án này có đủ điều kiện chuyển nhượng không. Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng tức là cho phép thay đổi chủ đầu tư, sau đó các bên mới thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Về chủ trương chuyển nhượng dự án, SAGRI đã được UBND TP HCM phê duyệt dự án tái cơ cấu. Đề án tái cơ cấu này xác định SAGRI chỉ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, không kinh doanh bất động sản nên SAGRI phải chuyển nhượng vốn.
"Bản chất là SAGRI phải chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp nhưng dự án này không phải đầu tư cho một pháp nhân mới, mà thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư. Để chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển nhượng dự án trước, chấm dứt quyền và nghĩa vụ lúc đó mới có địa chỉ để chuyển nhượng vốn. Vốn này là giá trị quyền sử dụng đất và vốn đầu tư trên đất", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, theo Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Đồng thời, điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.
Trước đó, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đã có đơn kiến nghị đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ thân chủ không thực hiện các hành vi vi phạm mà theo bản cáo trạng xác định là sai phạm chính của vụ án.
Cụ thể, ba sai phạm chính nêu là SAGRI chưa có đề án tái cơ cấu, chưa trình phương án thoái vốn cho UBND TP HCM; Việc chuyển nhượng này phải đấu giá theo quy định pháp luật và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến tăng diện tích đất ở biệt thự.
Tuy nhiên, các luật sư cho rằng không có chứng cứ để kết luận bị cáo Tuấn có các hành vi vi phạm như cáo buộc. Thứ nhất, việc SAGRI nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản này là đúng đắn, phù hợp quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo các luật sư, Khu nhà ở tại phường Phước Long B đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Việc tham mưu cho phép chuyển nhượng dự án không vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Mặt khác, SAGRI đã góp vốn đầu tư dự án bất động sản theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, không thành lập pháp nhân mới. Do đó, việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư này không phải thực hiện theo phương thức đấu giá công khai mà SAGRI phải thực hiện theo các nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, để xác định giá chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng.