"Xin cho tôi được khóc vì một vĩ nhân đã mãi mãi đi xa..."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một vĩ nhân trong lòng Nhân dân |
Khoảng trống không thể lấp đầy
Ông Nguyễn Mạnh Công đã dậy từ sớm, cùng đồng đội tìm về dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Ông Nguyễn Mạnh Công (Hội Thương binh nặng huyện Đông Anh,Hà Nội) là cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2 từng chiến đấu tại Campuchia. Từ 5h sáng, ông và đồng đội đã xuất phát để kịp tới làng Lại Đà, hi vọng được dâng lên anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những nén nhang thơm và gửi lời từ tận đáy lòng tới vị lãnh đạo tài ba.
Đồng đội của ông Nguyễn Mạnh Công |
“Chẳng có lời nào mà tôi có thể dành ra để nói về công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một con người chính trực, thanh liêm và đặc biệt luôn hết lòng yêu thương, quan tâm đến đời sống Nhân dân như ông quả thật rất hiếm có xưa nay.
Tổng Bí thư ra đi để lại trong lòng những người lính chúng tôi khoảng trống không thể lấp đầy. Tôi coi ông như một người đồng chí, đồng đội luôn tận hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tôi và đồng đội luôn khắc ghi những lời dạy của ông, nguyện cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho đến tận hơi thở cuối cùng, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Công xúc động chia sẻ.
Cựu chiến binh Phạm Tuấn Thành |
Cùng tâm trạng, cựu chiến binh Phạm Tuấn Thành (Quân đoàn 269, Bộ Tư lệnh Công binh), ngay sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đã rất buồn bã.
Đối với ông Thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là hình tượng tiêu biểu về ý chí và tinh thần Việt Nam cho mọi thế hệ noi theo.
Bài thơ giản dị ông Thành đã viết từ tận đáy lòng gửi tới anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Ông Thành bày tỏ: “Thấy di ảnh Tổng Bí thư, hai hàng nước mắt của tôi lại tuôn rơi. Làm lính chiến đấu bao năm khói lửa tôi không khóc nhưng ngày hôm nay xin cho tôi được khóc vì một vĩ nhân đã mãi mãi đi xa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống cả đời vì nước vì dân. 80 năm tại thế, Tổng Bí thư chưa ngừng một giây phút nào để cống hiến cho đất nước bằng cái tâm, cái tầm của mình.
Tôi luôn nhớ về Tổng Bí thư là một người lãnh đạo nhưng rất giản dị, không hào nhoáng phô trương. Nhân dân chúng tôi đời đời nhớ ơn ông. Đất nước Việt Nam chắc chắn còn có rất nhiều nhân tài sẽ tiếp bước di sản vĩ đại của ông để tiếp tục đưa Tổ quốc được “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ dạy”.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh Nguyễn Văn Đức. |
Có mặt tại lễ viếng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh Nguyễn Văn Đức với đôi mắt đỏ hoe. Đối với ông, việc đất nước mất đi một người chiến sĩ Cộng sản ưu tú như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự thiếu vắng không thể thay thế.
Lực lượng vũ trang các ngành về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Ông Đức chia sẻ: “Chúng tôi lúc nào cũng mong Tổng Bí thư được khỏe mạnh, bình an để tiếp tục dìu dắt các thế hệ Nhân dân Việt Nam đi lên trong thời đại đổi mới. Cả một đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Cái gì ông cũng nghĩ cho đất nước, cho dân trước mà chẳng nghĩ cho mình”.
Làng Lại Đà tiếc thương một vĩ nhân giản dị
Trong ấn tượng của người dân làng Lại Đà, người ta nể phục một vị lãnh đạo cấp cao gần gũi, thanh bạch như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Về Lại Đà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong người dân đừng coi ông là lãnh đạo mà hãy đơn giản xem ông là một người con của làng. Người dân Lại Đà thi thoảng vẫn bắt gặp khoảnh khắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi bộ tập thể dục buổi sáng quanh làng, vui đùa với các cháu nhỏ và đến chơi nhà người quen.
Nhiều thế hệ Việt Nam buồn đau trước sự ra đi đột ngột của vị lãnh đạo yêu quý |
Giữa dòng người u buồn, ông Vương Khắc Duy, bạn thân thời tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bần thần ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn trông vào nơi đặt di ảnh của người bạn cũ.
Ông đã khóc suốt mấy đêm liền khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Thao thức suốt đêm qua, sáng hôm nay, ông Duy đã có mặt từ sớm để kịp viếng bạn cho trọn lòng thương nhớ.
Ông Vương Khắc Duy và gia đình đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Ông Vương Khắc Duy xúc động chia sẻ: “Từ ngày đi học, anh Trọng đã rất điềm đạm, giản dị, đó chính là phẩm chất và cốt cách bẩm sinh của anh.
Tôi nhớ mãi những ngày mưa lội bùn non, nắng cháy mái đầu mà hai chúng tôi vẫn miệt mài băng đồng, vượt sông để đi học cùng nhau. Mùa hè, anh Trọng mặc bộ áo nâu, mùa đông cũng chỉ độn thêm lớp quần áo rách bên trong để đỡ rét. Củ khoai, miếng sắn chia nhau mà qua thời gian khó. Đến khi thành danh, anh Trọng vẫn rất quan tâm đến tôi.
Vào những ngày lễ, Tết, giỗ chạp, anh luôn chu đáo gửi thiệp, gửi quà để lễ các cụ nhà tôi. Bạn bè ai ốm đau anh biết hết, hỏi thăm động viên từng trường hợp, không sót ai.
Cả một đời, dù anh có ngồi ở vị trí nào, được trọng vọng ra sao, anh vẫn luôn là anh Trọng mà tôi quen biết từ bé. Tôi nể anh, thương anh thật nhiều”.
Bà Đỗ Thị Anh Đức sẽ không bao giờ quên kỷ niệm đáng nhớ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Bà Đỗ Thị Anh Đức (thôn Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh) bày tỏ, bà luôn xem Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người bác đáng kính của làng Lại Đà. Về làm dâu tại làng từ năm 1997, bà Đức đã có đôi lần may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với Tổng Bí thư khi ông có dịp về nghỉ ngơi tại quê nhà.
“Bác thương dân làng Lại Đà lắm. Chúng tôi cũng thương bác rất nhiều, không phải vì bác là Tổng Bí thư mà thương từ cái tâm của chúng tôi. Lúc nào bác cũng nhớ đến quê hương, đến người dân trong làng. Lâu ngày không gặp, trăm công nghìn việc mà bác vẫn nhớ mặt, nhớ tên và gia cảnh của từng người.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên gặp bác từ khi về làm dâu. Lúc ấy tôi đang đẩy xe lúa từ đồng về một mình dưới nắng và gặp bác đi bộ qua. Bác đã dừng lại hỏi han và cùng tôi đẩy lúa suốt từ ngoài đồng về tới nhà dưới cái nắng chiều nóng nực. Mồ hôi hai bác cháu toát ra ròng ròng, tôi thì run vì sợ làm lãnh đạo mệt nhưng bác lại hiền từ nói với tôi: “Cháu là phụ nữ phải biết sức của mình, đừng cố quá rồi mệt sinh ốm ra không tốt”. Tấm lòng của bác thật ấm áp và thân tình đến mức chẳng ai nghĩ được đấy là một vị lãnh đạo cấp cao của đất nước. Tôi sẽ nhớ mãi không quên giây phút ấy, nhớ cho đến tận cuối đời”, bà Đỗ Thị Anh Đức chia sẻ.
Hàng dài người chờ được thắp nén nhang thơm cho vị Tổng Bí thư tận tuỵ của Tổ quốc. |
Cũng trong dòng người đến viếng, bà Nguyễn Thị Xuân cùng con dâu Đặng Thị Thu Phương đã dậy chuẩn bị từ sáng sớm để ra xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Xuân tâm nguyện, bà nhất định phải đến viếng Tổng Bí thư trước khi ông về với đất mẹ quê hương. Đối với bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị “minh quân” trăm năm có một, việc bày tỏ sự cảm phục và tiếc thương trước sự ra đi của ông là điều mà tất cả người dân Việt Nam muốn làm.
Bà Xuân (phải) và con dâu Thu Phương (trái) rất đau lòng trước sự ra đi của người con ưu tú của làng Lại Đà. |
Bà Xuân chia sẻ: “Bác Trọng ra đi, dân làng chúng tôi đã khóc cùng gia đình bác Ngô Thị Mận (vợ của Tổng Bí thư) suốt mấy ngày qua. Đất nước mất một vĩ nhân, làng tôi mất đi một người con ưu tú và chúng tôi mất đi một người bác, người ông hiền từ.
Bác đã gắn kết dân làng Lại Đà thành một gia đình, ai cũng là chú bác, anh em. Vậy là từ giờ, chúng tôi không được đón Tổng Bí thư về thăm quê, không được trò chuyện, được bác hỏi han ân cần như xưa nữa”.