Xương cá nằm ngoài cổ sau hóc 1 tháng tạo thành ổ mủ lớn
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (53 tuổi, ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vào BV Tai Mũi Họng Trung ương khám vì sưng đau vùng cổ trái.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách vào viện một tháng, bệnh nhân bị hóc xương cá. Sau hóc, bệnh nhân nuốt đau nhói liên tục, ăn uống kém trong một tuần rồi hết đau. Bệnh nhân đi khám ở phòng khám không phát hiện thấy có dị vật.
Mảnh xương cá dài khoảng 2cm được các bác sĩ lấy ra thành công. |
Cách vào viện 10 ngày, bệnh nhân thấy sưng đau vùng cổ trái kèm sốt, không nuốt đau, ăn uống được nên mới đến BV Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ thấy có một khối sưng đau vùng cổ trước bên trái, đường kính khoảng 3-4 cm, nằm trong máng cảnh, không di động theo nhịp nuốt.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định có khối áp xe cạnh cổ trái do dị vật là xương cá hóc một tháng trước gây ra.
BS. Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rạch qua da vùng cổ ngang nếp lằn cổ trên dài khoảng 5 cm, bóc tách đến bờ trước cơ ức đòn chũm, vén cơ ra ngoài thấy một khối xơ viêm khoảng 2cm, bóc tách khối xơ viêm, kiểm soát bó mạch cảnh vì nghi ngờ khối xơ dính với bó mạch lớn.
Khi kíp phẫu thuật đã kiểm soát được mạch máu và thần kinh thì quyết định mở khối xơ tìm dị vật. Trong khối xơ có một ít mủ và tổ chức hoại tử, bóc tách dần từng lớp thì cuối cùng thấy một xương cá mảnh, dài khoảng 2cm. Tiếp đó, làm sạch hốc mổ và đóng lại, đặt dẫn lưu.
Cũng theo bác sĩ Thắng, khi chụp phim cắt lớp để xác định dị vật thì thấy dị vật nằm ở trong khối xơ viêm, dị vật đã đâm xuyên qua thực quản và ra nằm ở cơ ức đòn chũm, sát vào bó mạch cảnh trái. Vì thế khi phẫu thuật cần hết sức cẩn thận, phải kiểm soát được các mạch máu lớn, tránh gây biến chứng nghiêm trọng.
Tại khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương đã xử trí rất nhiều trường hợp hóc xương cá, xương gà… thường bị mắc ở thành họng hoặc xuống dưới thực quản của bệnh nhân. Những trường hợp hóc xương cần được nội soi và gặp dị vật ra càng sớm càng tốt bởi xương động vật sẽ gây hoại tử, nhiễm trùng sau 24 giờ.
Ngoài ra, có thể gây viêm họng, viêm tấy một bên cổ, áp xe cổ bên, thủng thực quản, áp xe trung thất, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường.
Để phòng tránh hóc xương cá, bác sĩ khuyến cáo người dân: Hạn chế chặt xương nhỏ khi nấu, nhất là xương gà vì mảnh xương gà thường xuyên là thủ phạm gây hóc xương và đâm thủng thực quản khi hóc.
Nếu nấu cho trẻ, phải chú ý gỡ từng mảnh xương nhỏ hoặc xay nhuyễn thịt cá bằng máy để tránh xương còn sót lại bên trong. Khi ăn uống không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa; Chú ý ăn chậm, nhai kỹ, tránh các trường hợp phải ăn vội vàng.
Nếu chẳng may bị hóc xương, không nên dùng biện pháp nuốt cơm nguội hay nuốt thức ăn cứng để cố nuốt xương trôi đi. Bởi lẽ cách làm này có thể khiến xương đâm sâu hơn trong họng, gây cản trở cho việc lấy xương sau này. Người dân nên đến cơ sở y tế để được xử lý càng sớm càng tốt.