100% các vi phạm mới về đất đai được xử lý dứt điểm
Chiều 1/11, tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí TP tháng 11/2024 do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà đã thông tin về công tác quản lý đất đai 10 tháng năm 2024 trên địa bàn huyện.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà thông tin tại Hội nghị |
Theo đó, 10 tháng năm 2024, Huyện uỷ Sóc Sơn đã thường xuyên làm việc với xã, phường thị trấn quán triệt về nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, quản lý chặt chẽ diện tích đất, đặc biệt là đất rừng…
Huyện đã tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô; lập, trình TP thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, phê duyệt 7/7 nhiệm vụ và 4/7 đồ án quy hoạch phân khu; 16 đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn, dự kiến năm 2024 phê duyệt 3/7 phân khu và các xã còn lại; phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đấu giá quyền sử dụng đất, khu tái định cư... và các tổng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định.
Huyện cũng đã hoàn thành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, phục vụ thiết lập quản lý bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích rừng hiện có và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; phối hợp với các sở, ngành, TP tập trung rà soát, tham gia ý kiến điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2066 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Do đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã đạt được nhiều kết quả so với các năm về trước.
Cụ thể như: Cơ bản đã khắc phục hoàn thiện sổ quản lý đất đai; tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; ban hành quyết định phê duyệt đề án chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được giao của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ.
Công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về đất đai được thực hiện định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định…
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng được tăng cường, phát huy hiệu quả của Tổ trực đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về trật tự xây dựng, vi phạm đất đai của công dân trên địa bàn huyện: 100% các vi phạm mới phát sinh được thiết lập hồ sơ và cơ bản xử lý dứt điểm.
Các vi phạm tồn đọng, vi phạm được chỉ ra tại các kết luận thanh tra của TP, của huyện được rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch để từng bước xử lý theo quy định; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác đất trái phép; tăng cường kiểm tra, thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất công; tổ chức đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ quản lý các loại đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp.
Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản được tăng cường, không có trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng theo ông Nguyễn Nam Hà, hồ sơ quản lý đất đai tại các xã, thị trấn còn thiếu; công tác lưu trữ hồ sơ quản lý đất đai chưa được đầy đủ, chất lượng hồ sơ quản lý đất đai sau khi các xã, thị trấn hoàn thiện chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm tiến độ.
Nguyên nhân được cho là do việc triển khai thực hiện Luật đất đai 2024 còn nhiều khó khăn; hồ sơ quản lý đất đai (sổ sách, bản đồ) thiếu, chưa cập nhật, thiếu bàn giao đây đủ qua các năm; bản đồ tổng thể năm 2017 chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu để phục vụ công tác quản lý; hồ sơ dồn điền đổi thửa quản lý chưa tốt.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ địa chính thiếu, thường xuyên điều động, luân chuyển; một số chủ đầu tư dự án chưa chủ động báo cáo khó khăn, vướng mắc để nắm bắt, đôn đốc tiến độ đảm bảo kế hoạch đề ra.