138 thầy thuốc tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen
Hơn 5 tháng qua, Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4 nguy hiểm với biến thể Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ vi rút trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ. Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 17/10/2021, cả nước đã ghi nhận 859.372 ca mắc, trong đó hơn 789.027 người đã khỏi bệnh, 20.915 bệnh nhân tử vong.
Hơn 20 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt |
Phát biểu tại buổi gặp mặt biểu dương tôn vinh các thầy thuốc tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trải qua 4 đợt dịch, ngành y tế đã hết sức khẩn trương, tham mưu kịp thời nhiều giải pháp, huy động và chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư này. Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Người thầy thuốc đã khẳng định và phát huy được các đức tính “Nhân, Trí, Dũng” trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo số liệu thống kê, trong đợt dịch thứ 4 cả nước đã huy động tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là gần 24 nghìn người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi.
Cùng với đó là hàng trăm nghìn lực lượng y tế tại các tỉnh thành có dịch bùng phát và hàng triệu chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên tại các điểm nóng dịch Covid-19… để kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch |
Thủ tướng cho rằng, hơn 24 nghìn người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Chúng ta tự hào, qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ y tế của chúng ta càng trưởng thành, cả về bản lĩnh, ý chí, cả về lòng quả cảm, cả về kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc.
Qua đây, chúng ta tự tin khẳng định: Dù khó khăn, gian khổ chừng nào, chúng ta cũng vượt qua được nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, đùm bọc, thương yêu, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tất cả vì nhân dân, góp phần đưa đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, khó khăn, thử thách cũng làm bộc lộ ra những hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại, có giải pháp khắc phục, như về năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở.
Như câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch...
Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như "bác sĩ 91” Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh…
“Nhân dịp này, tôi cũng chia sẻ, đánh giá cao và cảm ơn người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình”, Thủ tướng bày tỏ.
Để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.
Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã rất biết ơn và quan tâm đến đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, dù chưa được trọn vẹn, mong các đồng chí chia sẻ, cảm thông.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và động viên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.
Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, đề cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu; tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Với ngành y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đảm bảo hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vắc xin cho người dân.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân”.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn kỷ lục Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 14 trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; phối hợp với lực lượng quân y triển khai hơn 500 trạm y tế lưu động để kịp thời chăm sóc và cấp cứu các ca nhiễm trong cộng đồng, cung cấp các gói thuốc và dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như các gói an sinh cho người dân trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội.
Một số y bác sĩ tiêu biểu, đại diện cho lực lượng y tế chống dịch đã phát biểu, chia sẻ những khó khăn, gian khổ mà đội ngũ y tế phải đối mặt trong đợt dịch thứ 4, những động lực đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để họ vượt qua những thử thách, trụ vững tại tâm dịch, thực hiện tốt trách nhiệm cao cả chữa bệnh cứu người.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Vì vậy, hơn bao giờ hết chúng ta cần quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ chiến thắng dịch bệnh.
Các bệnh viện tuyến trung ương đã tích cực triển khai tập huấn, nâng cao kỹ năng hồi sức cho các bệnh viện tuyến quận, huyện để lực lượng y tế các địa phương có dịch tiếp quản, vận hành các trung tâm hồi sức tích cực.
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục duy trì hoạt động của các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh để trợ giúp công tác điều trị đến cuối năm 2021, sẵn sàng đối phó với những diễn biến mới của dịch Covid-19.
138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành Y tế, Quân đội và Công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Nhân dịp này, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành Y tế, Quân đội và Công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.