4.300 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 8 tháng: Cần xử phạt quyết liệt hơn!
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết ở Hà Nội ngày 4/8 |
Nghị định 100 đang "nguội" đi?
Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt. Tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) vẫn còn ở mức cao, liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây lo lắng cho Nhân dân. Nhiều vấn đề bức xúc như lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn tái diễn, trong khi đó việc ứng dụng khoa học vào giám sát, xử phạt còn kém...
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2020 được lựa chọn là năm an toàn giao thông với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an cùng các Bộ, ngành trong thời gian ngắn xây dựng và ban hành Nghị định 100.
Nghị định được ký ngày 30/12/2019 nhưng làm theo quy trình rút gọn và có hiệu lực ngay vào ngày Luật có hiệu lực vào 1/1/2020. Đây là quy định pháp luật được triển khai nhanh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó chủ đạo là lực lượng CSGT. Kết quả đã thấy rõ, giảm tai nạn giao thông, ý thức người tham gia giao thông tốt hơn...
Trong quá trình triển khai, tình hình trật tự giao thông mặc dù tốt nhưng vẫn có thời điểm phức tạp, đặc biệt số vụ tai nạn do xe vận tải tăng; Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiệm trọng ở Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Bình, Hà Nội... Tai nạn đường thủy cũng diễn biến phức tạp (Bến Tre, Quảng Nam), chủ yếu rơi vào những phương tiện thủy thô sơ do không đảm bảo quy định.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia |
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin, đối với việc triển khai Nghị định 100/NĐ-CP, lực lượng CSGT đã có sự chuẩn bị cả về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhanh chóng và quyết liệt ngay khi Nghị định có hiệu lực. Tính sơ bộ trong 8 tháng đầu năm, đã có hơn 110 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 746 trường hợp dương tính với ma túy bị xử lý.
"Đầu tháng 8, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch xuyên suốt trong năm 2020 là tập trung kiểm soát cồn, ma túy. Trong vòng 3 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày xử lý 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, gần 100 trường hợp vi phạm về ma túy đã bị lực lượng CSGT phát hiện. So với những năm trước, kết quả tăng không cao nhưng ý thức người dân có sự chuyển biến do mức xử phạt tăng cao và diện mở rộng. Ví dụ, trước đây điều khiển mô tô còn có thể có lượng cồn tối thiểu dưới 0,25 miligam/l khí thở nhưng bây giờ đã điều khiển phương tiện là không được sử dụng", ông Nhật cho hay.
Công tác tuyên truyền có tính chất then chốt
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện cao điểm Nghị định 100, tại các hàng quán bia lượng khách ít hơn và người dân cũng chấp hành rất nghiêm chỉnh. Song thời gian gần đây, việc thực hiện Nghị định 100 dường như đang "nguội" đi.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để đảm bảo an toàn giao thông” mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, trước tháng 4 khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, chúng ta vẫn kiểm soát rất chặt chẽ, các quán vẫn còn khách nhưng số lượng người tham gia giao thông uống rượu, bia không còn nhiều như trước.
Thời gian gần đây, chúng ta đang tập trung phòng, chống dịch như chống giặc nên lượng người uống rượu, bia tại các hàng quán giảm chứ không phải đông lên. Tuy nhiên một số người còn lơ là vẫn tham gia uống bia, rượu đông người, thậm chí còn có hiện tượng hò la...
Dù ảnh hưởng Covid-19, áp lực giao thông nhiều khi không lớn nhưng lại xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng với số thương vong lớn.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, những ngày đầu thực hiện Nghị định 100, chúng ta làm quyết liệt thì có một số yếu tố bất ngờ. Sau đó, do có sự điều chỉnh về phương thức đi lại, người dân hiểu rằng đã uống rượu, bia thì không lái xe. Từ đó hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông (chuyển phương tiện giao thông thành đi xe taxi, xe ôm... tạo phần thị trường mới cho hoạt động GTVT, tạo sự điều chỉnh về cơ cấu kinh tế).
Về một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, những vụ này có diễn biến khá phức tạp, diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn (từ tháng 6 đến tháng 8) nhưng nguyên nhân thì không bất thường. Do đường vắng dẫn đến chạy nhanh, ngủ gật. Ví dụ: Vụ ở Quảng Bình, uống rượu bia nhiều, sáng hôm sau đo nồng độ cồn cao, giấy phép lái xe không phù hợp; Vụ ở Bình Thuận, phụ xe lái thay lái chính. Đây là những nguyên nhân gây tai nạn thường thấy.
Ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, có rất nhiều giải pháp để giúp đạt được kết quả về đảm bảo an toàn giao thông. Trước tiên, chúng ta cần làm tốt các chính sách pháp luật và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật có tính chất then chốt.