7 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam
Ủy ban Kinh tế nhất trí bổ sung gần 20.700 tỷ đồng cho Vietcombank |
Trong phiên thảo luận tổ sáng 26/10, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ đồng tình với đánh giá về kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu ra 7 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội thời gian qua.
Thứ nhất, ước đạt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao, dự kiến từ nay đến cuối năm nếu đạt chỉ tiêu GDP sẽ đạt 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thứ hai, sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng ta đã thực hiện tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) |
Thứ ba, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá, đưa vào khai thác sử dụng mới 109 km đường cao tốc; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối chỉ sau hơn 6 tháng thi công.
Thứ tư, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
Thứ năm, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số được coi là điểm nhấn tích cực, tăng 15 bậc theo xếp hạng thế giới.
Thứ sáu, thành tựu đối ngoại, nổi bật là các chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm; việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp; đến nay Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ cao nhất với 8 quốc gia lớn trên thế giới.
Thứ bảy, tinh thần đại đoàn kết dân tộc nhất là qua cơn bão Yagi vừa rồi cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào ngày càng tỏa sáng.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bão Yagi mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết với hàng loạt giải pháp trọng tâm, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhưng cần tiếp tục có giải pháp căn cơ trong dự báo từ sớm từ xa, phòng ngừa nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời cần có cơ chế đặc thù, đặc cách mạnh mẽ hơn trong thực hiện các dự án di dân, tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà, mất đất sản xuất.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét tiếp tục miễn giảm một số loại thuế phí, như giảm 2% thuế giá trị gia tăng; có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách Nhà nước cao hơn trong giai đoạn này để hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; nghiên cứu kéo dài thời gian miễn giảm thuế đến hết năm 2025.
Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá, đi cùng, tiến kịp, vượt lên để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Trong đó cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách để không bị động; phối hợp chặt chẽ, hài hòa các chính sách kinh tế và xã hội; cập nhật, tháo gỡ, giải quyết cùng một lúc những vướng mắc về các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, tín dụng, nhà ở.