70% nhân viên y tế lo lắng và trầm cảm do đại dịch COVID-19
Sáng 18/12, tại Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ y tế phối hợp tổ chức Hội thảo “Tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế”.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã công bố nghiên cứu “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19”. Nghiên cứu được thực hiện ở 2.000 nhân viên y tế các cấp từ tháng 9 đến tháng 11/2021.
PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chuyên gia Kinh tế Y tế, trưởng nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu |
Nghiên cứu cho thấy khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y, bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người bệnh mắc COVID-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu.
Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Hà Nội |
PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ".
Nghiên cứu này là một trong ba nội dung rất quan trọng được giới thiệu trong phần dẫn đề của thảo luận chính sách về “Ảnh hưởng của COVID-19 đến điều kiện lao động, kinh tế và xã hội của các nhân viên y tế Việt Nam” do Trung ương Hội Thầy Thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Việt Nam, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế đồng tổ chức.
Hội thảo được kết nối trực tuyến đến 3 điểm cầu khác |
Từ các đầu cầu trực tuyến tại Bệnh viện COVID Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cũng đã trao đổi về nhu cầu, khuyến nghị chính sách hỗ trợ cán bộ y tế, tuyến đầu phòng, chống dịch và người dân trong, sau đại dịch.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam rất thành công trong kiềm chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe người dân. Trong thành công đó, có sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao cả của những nhân viên y tế ở khắp các địa phương. Các báo cáo tại hội thảo cho thấy sự cần thiết, cấp thiết về cải cách tiền lương cho các y, bác sĩ”.
Các báo cáo trình bày tại hội thảo dựa trên các số liệu điều tra công phu về tình trạng thay đổi yêu cầu công việc, thực trạng lương của các nhân viên y tế ở khu vực công, các rào cản.