AFC hỗ trợ Việt Nam thiết lập phòng VAR
Vào ngày 14/7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã xác nhận việc được phép tổ chức các trận đấu sân nhà tại vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á của đội tuyển Việt Nam trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).
Đây thực sự là một tin vui với thầy trò HLV Park Hang Seo cũng như với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Song song với việc đảm bảo tốt việc tổ chức trận đấu, VFF cũng đang tích cực triển khai việc thiết lập phòng VAR tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng trong các trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 – khu vực châu Á.
Khán giả Việt Nam đã từng được theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các trận đấu có VAR |
Do hiện tại, bóng đá Việt Nam chưa có phòng VAR nên mọi trang thiết bị sẽ được VFF mượn từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) theo dạng tạm nhập để đưa vào sử dụng ở các trận đấu.
Nhằm hỗ trợ VFF, AFC cũng sẽ bố trí riêng một đội ngũ VAR cùng máy móc, thiết bị để triển khai lắp đặt, vận hành tại Việt Nam trong quá trình các trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 – khu vực châu Á diễn ra.
Về phía VFF, đơn vị này sẽ giữ vai trò hỗ trợ đối tác này cũng như AFC trong việc thiết lập hệ thống, đảm bảo công tác tổ chức trước trận đấu diễn ra suôn sẻ.
Được biết, một số lượng lớn máy quay, thiết bị hỗ trợ sẽ được đơn vị do VFF thuê mang đến sân Mỹ Đình trong thời gian tới.
Sơ đồ bố trí VAR tiêu chuẩn |
Dự kiến, có tổng cộng 33 camera được sử dụng trong một trận đấu, trong đó có 8 camera Super Slow Motion (siêu quay chậm) và 4 camera Ultra Slow Motion (quay chậm cực đại) với tốc độ lên tới 120 khung hình trên giây, ngoài ra còn có các camera tốc độ thường với độ phân giải Ultra HD.
Các camera này được đặt tại nhiều góc quan sát trên sân cũng như trên khán đài và cả 2 cầu môn để có đầy đủ và đa dạng góc nhìn cho các tình huống gây tranh cãi. VAR cũng sử dụng các camera chuyên dụng 2 bên biên để quan sát các tình huống việt vị.