Ai thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong lúc khốn khó?
Báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì sự phát triển bền vững Một số doanh nghiệp phá sản do triển khai quá nhiều dự án cùng lúc |
Sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV kết thúc thành công tốt đẹp, một số đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ, nhận định của mình với báo chí.
Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Đây là những lĩnh vực đang có những điểm nghẽn, vướng mắc trong mọi mặt từ cuộc sống của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo các báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng của nước ta giảm với tốc độ lao dốc từ 13,7% vào quý III, xuống còn 5,9% vào quý IV/2022 và chỉ còn 3,3% vào quý I/2023. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô, ngành nghề khác nhau đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, đình hoãn sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập.
Không ít doanh nghiệp đã phải sử dụng những đồng tiền cuối cùng để trang trải và trả lãi suất cao. Nhiều công nhân đã phải "trải chiếu, mắc màn" chờ suốt đêm để xin được rút những đồng tiền quý giá cuối cùng tại bảo hiểm xã hội hoặc liều mình vay nặng lãi, tín dụng đen để trang trải cuộc sống.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) |
Theo ông Khải, các chuyên gia nói, vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp 2 cú sốc. Đầu tiên là cú sốc về dịch bệnh COVID-19, thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài.
Nhưng theo đại biểu Trần Văn Khải, có thêm một cú sốc khác được tạo nên bởi chính nội tại của chúng ta, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.
"Câu hỏi lớn đặt ra là ai đang thực sự đồng hành cùng người dân và các doanh nghiệp trong lúc khốn khó này?", ông Khải nêu.
Trong bối cảnh đó, tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ; Trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay để chỉ ra các tồn tại hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan, cái nào thuộc về quy định của pháp luật, cái nào thuộc về khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào.
Từ việc giám sát sẽ đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp cũng như cho Nhân dân.
Theo ông Khải, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 5, ông và các đại biểu Quốc hội sẽ về các địa phương và thực hiện ngay việc tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp; Thực hiện vai trò giám sát đối với các vấn đề cấp bách đang có trong thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội và trong đời sống dân sinh tại địa phương.
"Đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri", ông Khải chia sẻ.
Cũng chia sẻ với báo chí, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đánh giá, kỳ họp lần này Quốc hội đã xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng những tháng đầu năm 2023 và công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án...
Theo đại biểu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn.
Nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh...
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, kết quả của kỳ họp đặc biệt là những quyết sách kịp thời được ban hành là một trong những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Vì vậy, đại biểu tin rằng Quốc hội, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế, tạo nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023.