Airbus xây dựng nhà máy lắp ráp trực thăng đầu tiên tại Trung Quốc
Trung Quốc hiện đang thiếu máy bay trực thăng dân dụng vì các mục đích y tế khẩn cấp và một số mục đích khác do sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội đối với không phận của quốc gia.
Hãng máy bay Airbus dự kiến hoàn thành nhà máy tại thành phố cảng phía đông Thanh Đảo vào cuối năm tới (2018).
Theo kế hoạch, chiếc máy bay trực thăng đầu tiên sẽ được bàn giao vào giữa năm 2019 - Tổng giám đốc Airbus Guillaume Faury trả lời các phóng viên tại lễ khởi công nhà máy vào hôm thứ Bảy vừa qua (27/5).
Nhà máy này của Airbus sẽ là nhà máy sản xuất trực thăng nước ngoài đầu tiên trên lãnh thổ Trung Quốc. Nó sẽ được vận hành bởi hãng Airbus Helicopters và Công ty Hàng không dân dụng Liên hợp Thanh Đảo.
Trước đó, Airbus cũng đã mở một nhà máy lắp ráp dòng phi cơ ở thành phố Đông Bắc Thiên Tân. Nó được khai trương vào năm 2008.
Bản hợp đồng trị giá 750 triệu Euro (tương đương 800 triệu USD), liên quan đến việc bán 100 trực thăng H135 cho Trung Quốc và xây dựng nhà máy lắp ráp tại đây đã được ký kết vào năm 2015, trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong năm ngoái, doanh thu của Airbus Helicopters giảm 2%, vì vậy hãng đang kỳ vọng rất nhiều vào thị trường Trung Quốc để tăng doanh thu.
Năm ngoái, quốc gia này trở thành thị trường trực thăng dân dụng lớn nhất của Airbus Helicopters khi Trung Quốc đặt mua đến 48 trong số 100 máy bay trực thăng mà hãng này sản xuất.
Theo Vincent Dufour - giám đốc bán hàng của Airbus Helicopters tại nước này cho biết Trung Quốc mới chỉ có 800 máy bay trực thăng, so với 8.000 chiếc ở châu Âu và 12.000 chiếc ở Mỹ, vì vậy tiềm năng tăng trưởng tại đây còn rất lớn.
Thị trường Trung Quốc vẫn bị cản trở bởi sự kiểm soát của quân đội đối với không phận. Airbus hy vọng điều này sẽ dần được nới lỏng như đã được thực hiện một phần vào cuối những năm 1990 cho các máy bay thương mại.
Các máy bay H135 linh hoạt hai động cơ thường được triển khai cho các dịch vụ y tế khẩn cấp nhưng Airbus Helicopters cho biết đây chỉ là thị trường ban đầu.
Nhà sản xuất máy bay cũng đã lên kế hoạch bán cho các đơn vị cảnh sát Trung Quốc vì mục đích giám sát.