Ấn tượng của vị Chánh án TANDTC đối với đại biểu Quốc hội
Kết quả là lời khen và cả sự nhắc nhở
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm này là hình thức giám sát tối cao có ý nghĩa rất quan trọng. Với những người nhận số phiếu tín nhiệm thấp, các ĐBQH muốn chỉ ra cho họ hiểu được những khó khăn của ngành đó, những thiếu sót tồn tại chưa giải quyết dứt điểm thì các tư lệnh ngành, Bộ trưởng phải tập trung để xử lý.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, có những vị khi bỏ phiếu lần đầu thấp, nhưng sau đó đối với những khó khăn của ngành họ xử lý tốt, thì lần sau bỏ phiếu cao. Do đó không nên đánh giá quá mức về phiếu tín nhiệm này, đồng thời cũng không nên xem nhẹ, vì đây là vấn đề đáng quan tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu bên hành lang Quốc hội. |
“Đây là hình thức giám sát rất có tác dụng, các Bộ trưởng khi có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn có thể buồn, nhưng cá nhân tôi cho rằng các vị hãy coi đây là trọng trách giao lên vai Bộ trưởng để cố gắng nhiều hơn nữa. Và nếu như có sự chuyển biến mạnh mẽ, chắc chắn cuối năm các tư lệnh này có phiếu tín nhiệm rất cao".
"Đối với Chánh án TANDTC là người có số phiếu tín nhiệm cao là khá cao. Có thể thấy, hình ảnh Chánh án TANDTC khá đậm nét trong lòng đại biểu, là người rất quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc và đơn thư khiếu nại cũng như những công việc của ngành. Tôi cũng thấy đây là vị Chánh án rất hay xuất hiện trên nghị trường Quốc hội, đó là một điểm cộng đáng lưu ý.
Thứ hai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình là người rất lắng nghe những đơn thư phản ánh của công dân, đại biểu và cử tri mà các ĐBQH chuyển sang Chánh án đều đọc, xem xét và trả lời. Tôi cho rằng với cách thức của một Chánh án ngồi xử lý những việc cầm cân nảy mực của đất nước như vậy cũng dễ lấy được sự tín nhiệm của đại biểu. Với cách thức, phong thái làm việc như vậy, công việc của ngành Tòa án đã có những chuyển biến tích cực như vừa qua. Từ kết quả đó các ĐBQH cũng dành cho đồng chí Chánh án những lá phiếu rất xứng đáng".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng đánh giá: Kết quả lấy phiếu khá sát và thẳng thắn, đánh giá được khách quan từng chức danh. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình có số phiếu tín nhiệm cao đạt tỷ lệ cao như vậy cũng là rất xứng đáng. Thời gian qua, Chánh án đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình và đưa ngành mình vươn lên.
Vừa qua, Chánh án TANDTC đã ban hành một số văn bản mang tính chất nội bộ để tổ chức lại ngành của mình và tăng cường kiểm tra, kiểm soát được mạnh mẽ hơn và một số việc như ban hành án lệ, công khai các bản án, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tố tụng để nhân dân dễ dàng tiếp xúc. Những việc làm này của Chánh án cũng như Ban lãnh đạo TANDTC được các đại biểu đánh giá cao về năng lực và sự nhiệt thành, trách nhiệm.
Sự chênh lệch cũng không đáng ngại
Bình luận về sự chênh lệch khá lớn số phiếu tín nhiệm cao của các tư lệnh ngành, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, so với cơ quan lập pháp thì cơ quan hành pháp vốn dĩ có va chạm và đụng chạm nhiều hơn đến nên số phiếu thấp hơn cũng là điều dễ hiểu.
Theo ĐB, không có trường hợp nào thấp đến mức phải bỏ phiếu tín nhiệm tuy nhiên, phiếu tín nhiệm thấp đối với một số chức danh trong Chính phủ cho là hết sức quan trọng, phản ánh nhận thức của đại biểu Quốc hội và đánh giá của cử tri thông qua đại biểu đối với lĩnh vực đó.
“Tôi chắc chắc chắn rằng những vị mà số phiếu thấp đó phải rút ra bài học, kinh nghiệm để làm công việc được tốt hơn. Vì chúng ta đánh giá chung, nếu chúng ta lấy tín nhiệm riêng các ĐBQH với nhau thì lúc đó có khi tỷ lệ sẽ khác (hành pháp lập pháp riêng). Còn đây giống như chúng ta gộp lại hết và so sánh các vị với nhau sẽ có một tình trạng là các vị làm ở cơ quan hành pháp họ phải xử lý rất nhiều vấn đề trực diện, thường xuyên, liên tục do đó cũng có trường hợp cử tri phản ánh tương đối nhiều và đại biểu họ cũng mang sự phản ánh đó vào lá phiếu của mình", ĐB nhận định.
Đại biểu Nguyễn Chiến |
Với tư cách là người trong giới chuyên môn, ĐB Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng cho rằng, ông đánh giá rất cao Chánh án Nguyễn Hòa Bình. “Là luật sư nên cũng có dịp cọ sát nhiều hơn đến công việc, đến những chỉ đạo, lãnh đạo đối với hệ thống Tòa án, từ đó thấy rằng, ngoài lĩnh vực chuyên môn, Chánh án là người lắng nghe, quyết liệt để thực hiện các công việc, chỉ đạo đối với ngành, những hoạt động nghiệp vụ để làm sao có sự chuyển biến trong ngành Tòa án”, ĐB cho hay.
"Tôi vẫn nhớ, từ những ngày đầu nhậm chức Chánh án cũng đã thể hiện tâm huyết,mong muốn phấn đấu làm sao để Tòa án sẽ trở thành biểu tượng của công lý. Trong suốt quá trình vừa qua cũng như trong công việc hàng ngày, tôi thấy rằng Chánh án luôn quan tâm nhiều đến các vấn đề mà ông ấy đã cam kết, có sự chuyển biến đáng kể thông qua hoạt động của các Tòa án cũng như thông qua từng vụ án mà Chánh án chỉ đạo để làm sao cho những hoạt động, xét xử, xem xét đơn khiếu nại đúng quy định của pháp luật, tạo niềm tin của người dân. Đó cũng là chia sẻ và mong muốn, Chánh án sẽ lắng nghe hơn nữa để xem xét giải quyết những vấn đề mà người dân đang mong chờ thông qua những lá đơn khiếu nại, hay những vấn đề còn đang tồn tại, còn oan sai chưa phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng đã và đang xem xét một cách thấu đáo hơn", ĐB Chiến cho biết.
Dù không công tác trong lĩnh vực tư pháp, nhưng ĐB Phạm Khánh Phong Lan, (Đoàn TP HCM) lại có cái nhìn khá sâu sắc về hệ thống Tòa án và Chánh án. Bà cho biết, một trong những điểm nổi bật thời gian qua là Tòa án đã xét xử nhiều vụ án điểm về phòng chống tham nhũng. Trong công cuộc này, vai trò của Chánh án TANDTC vô cùng quan trọng và một khi đã đặt ra quyết tâm đó thì phải duy trì để không “đánh trống bỏ dùi”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan |
Theo ĐB, hệ thống Tòa án đang phải giải quyết vấn đề quá tải bao nhiêu năm nay và nhân sự thiếu thốn, khó khăn, cả về mặt đãi ngộ… Tuy nhiên, nền pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, thì hy vọng Tòa án sẽ vượt qua. Tòa án cũng cần phát huy tính khách quan của hệ thống Tòa án tránh tình trạng ở địa phương nào cũng có những vụ việc khó xử và các công việc lại dồn lên Tòa án cấp cao.
"Qua theo dõi tôi có cảm giác đang hình thành tâm lý, khi xử xong, người thắng kiện thì im lặng, người thua kiện lại có tâm lý khiếu nại lên tòa cấp cao hơn. Cho nên chúng ta phải làm thế nào để người dân tin tưởng vào các bản án hơn nữa", ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, Tòa án cần tăng cường lực lượng nhân sự cả về chất lượng, số lượng, chế độ đãi ngộ và các quy chế hoạt động để làm sao có kết quả cao nhất. Đồng thời cần nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở để đồng đều hơn về chất lượng, tránh đẩy các vụ việc lên Tòa án tối cao.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng đánh giá, nhìn lại quá trình công tác của Chánh án Nguyễn Hòa Bình từ khi nhận nhiệm vụ tại TANDTC đến nay đã để lại khá nhiều dấu ấn, kết quả và sự thay đổi đáng kể của hệ thống Tòa án. Công tác Tòa án năm 2017 và 2018 có nhiều khởi sắc với những sự kiện quan trọng đã diễn ra, đánh dấu thành quả từ sự điều hành của Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC trong công tác chuyên môn nghiệp vụ có nhiều chuyển biến tích cực.
Với tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách quan trọng như công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử, ban hành án lệ, ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND…nhằm củng cố xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh, vì công lý.