Bạc Liêu đặt mục tiêu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào top 20 cả nước
Năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu được 60,36 điểm, xếp hạng thứ 61/63 tỉnh, thành cả nước; giảm 0,89 điểm và giảm 6 bậc so với năm 2021; xếp hạng điều hành ở nhóm tương đối thấp so với cả nước và đứng thứ 13/13 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân giảm điểm và giảm thứ hạng của tỉnh Bạc Liêu do việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần chưa đồng bộ, nhất là đơn vị phụ trách chưa thật sự chủ động đề xuất và quyết liệt triển khai thực hiện chỉ số PCI; đồng thời, chưa có sự phối hợp, chung tay giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022; giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nhật Hồ) |
Tại hội nghị, đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh đã có những chia sẻ về những nguyên nhân khiến cho chỉ số PCI của tỉnh thấp như: hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện song vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp như thuế, đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường, các thủ tục liên quan đến kinh doanh có điều kiện, các thủ tục tiếp cận vốn.
Cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Doanh nghiệp chưa đánh giá cao việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí. Tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trên 3 lần/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều phát biểu. (Ảnh: Nhật Hồ) |
Ngoài các khó khăn do yếu tố khách quan như kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa cao, nguồn nhân lực và công tác đào tạo lao động của tỉnh còn nhiều khó khăn. Song nguyên nhân chính xuất phát từ các yếu tố chủ quan trong công tác tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Trước thực trạng dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện, nhưng chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu những năm gần đây vẫn liên tục sụt giảm cả về điểm số lẫn về thứ hạng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn đó là: Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề cập đến các giải pháp dài hạn gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; tiếp tục triển khai xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; phấn đấu năm 2023, Chỉ số PCI của Bạc Liêu đứng vào tốp 20 hoặc 30 của cả nước.