Bài 1: Hạn mặn đến sớm và xâm nhập sâu hơn
Năm nay hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm hơn gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân
Bài liên quan
Nhanh chóng đề xuất giải pháp ứng phó với hạn mặn tại khu vực ĐBSCL
Cà Mau chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn mặn
Chủ động ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt
Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhân đạo ứng phó với hạn, mặn lịch sử
12/13 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi hạn mặn
Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn, mặn. So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000ha đất nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng, thì tình hình năm nay được cho là sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho thấy, hiện tại, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao theo kỳ triều cường. Đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4g/l tại các cửa sông đạt cao nhất.
Cụ thể, tại vùng hai sông Vàm Cỏ, phạm vi xâm nhập mặn từ 100 - 110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6km, thấp hơn 15 - 17km so với mức sâu nhất năm 2016.
Vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn tại Cổ Chiên 68km, Hàm Luông 75km và sông Hậu 66km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3 - 10km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016.
Vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn hạn mặn xâm nhập sâu 61km, sâu hơn trung bình nhiều năm khoảng 12km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5km, thấp hơn khoảng 7km so với mức sâu nhất năm 2016.
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Cụ thể, từ ngày 7 - 15/3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít ở mức 80km, sâu hơn 5km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020.
Từ cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường |
Tại một số địa phương, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng trầm trọng. Đơn cử như tại tỉnh Bến Tre, những ngày qua, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh vô cùng khốc liệt. Nước mặn đã bao trùm toàn tỉnh khiến nhiều vùng bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng, làm đe dọa đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Tại hồ Kênh Lấp (xã Phú Nghĩa, huyện Ba Tri) - hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long có sức chứa gần 1 triệu m3 nước cũng bị nhiễm mặn trên 2‰.
Trong khi đó, huyện Chợ Lách là địa phương nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 - 6‰.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Không riêng tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng diễn biến phức tạp và khó lường. Mực nước sông, rạch giảm nhanh. Trong tháng 1/2020, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận chỉ đạt 1.57m, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 0.20m, thấp hơn mức lịch sử năm 2019 là 0.55m.
Về xâm nhập mặn, ngay từ đầu tháng 12/2019, tình trạng hạn mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã bắt đầu xuất hiện, sớm hơn mọi năm, độ mặn đo được tại các sông, kênh, rạch đã trên 6‰. Tỉnh Vĩnh Long cũng bị ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục (vào đầu tháng 12/2019 và vào đầu tháng 1/2020).
Riêng đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 1/2020 (từ ngày 6 - 14/1) lên cao kỷ lục. Đỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh lịch sử năm 2016 từ 0,4 - 2‰. Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm đạt từ 6,2 - 10‰; trên sông Hậu, tại huyện Trà Ôn đạt từ 2 - 6,9‰.
Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu |
Tại tỉnh Bạc Liêu, nếu mặn tiếp tục xâm nhập, việc nuôi trồng thủy sản tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung. Độ mặn trên các ao nuôi tôm có khả năng tăng cao hơn 25‰, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm mùa khô.
Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô năm 2020 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm gây bất lợi cho tôm nuôi, khả năng có khoảng 5.000ha tôm nuôi của người dân bị thiệt hại do thiếu nước và độ mặn quá cao…
Hạn, mặn không dừng lại ở các tỉnh nêu trên, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vùng bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập gồm các huyện Long Phú, Kế Sách và Cù Lao Dung. Mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh, rạch với chiều dài hơn 50km tính từ cửa biển. Độ mặn đo được trên các tuyến kênh thuộc xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) ngày 5/2 là 4‰, còn tại thị trấn Kế Sách là 9‰…
Còn tại tỉnh Hậu Giang, trong những ngày qua, mặn đã xâm nhập mạnh từ biển Tây vào các địa bàn huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Kết quả đo nồng độ mặn từ triều biển Tây luôn duy trì ở mức cao tại các địa phương này. Cụ thể, trên địa bàn TP Vị Thanh, độ mặn đo vào sáng ngày 4/2 ở Kênh Lầu đạt mức 5,6‰, Kênh Năm là 2‰; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô là 3,1‰, cống Hóc Pó 2,7‰, kênh Mười Thước là 4,2‰...
Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Do vậy các địa phương cần nhanh chóng lên phương án chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nhân dân.
(Còn nữa)