Bài 1: Khó khăn khi đi tìm con chữ?
Cần có chính sách đặc thù cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn |
Phụ huynh, nhà trường lo ngại sẽ khó "giữ chân" trò nghèo khi xã lên Nông thôn mới (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Hộ thoát nghèo, học sinh không còn được hỗ trợ
Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong đóng chân trên địa bàn biên giới xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Năm học 2024 - 2025, toàn trường có 1.138 học sinh, gồm 37 lớp, từ khối 1 đến khối 9.
Đặc biệt, toàn trường có đến 90% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khoảng 300 em hiện đang sinh sống tại 2 thôn đặc biệt khó khăn là Bun Ngai và Giang Lố 2.
Thôn Bun Ngai là một trong 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã Sa Loong, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%, chủ yếu là: Kadong, Xê Đăng, Ba Na, Mường, Kinh, Thái, Ê Đê... Trong đó, thôn có 11 hộ khá, 116 hộ trung bình, 15 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Thầy Nguyễn Hữu Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong cho biết, năm 2022, xã Sa Loong được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Tuy nhiên, xã vẫn còn 2 thôn Bun Ngai và Giang Lố 2 đặc biệt khó khăn do chưa đảm bảo các tiêu chí đã đề ra.
Học sinh 2 thôn này đều được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/học sinh/tháng (tối đa 9 tháng) theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, học sinh thuộc hộ nghèo cũng được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; học sinh hộ cận nghèo được miễn 50% tiền học phí.
Thầy Nguyễn Hữu Phượng lý giải: “Hằng năm, UBND xã sẽ yêu cầu các thôn bình xét những đối tượng, hộ gia đình nào có điều kiện kinh tế khá hơn thì xã sẽ đưa ra khỏi diện hộ nghèo, thoát nghèo.
Chính vì vậy, khi các hộ đã thoát khỏi diện hộ nghèo của xã thì đương nhiên học sinh không được hưởng các hỗ trợ chi phí học tập.
Trong năm học này, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong có khoảng 10 học sinh do gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, nên không được miễn giảm tiền học phí. Bên cạnh đó, các em cũng không được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định”.
Em A Đỗ Khang, học sinh lớp 8A, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong, cho biết: Do nhà trường không tổ chức ăn, ở bán trú nên hết buổi học phải tự đi bộ về nhà ăn cơm rồi chiều lại đến trường học.
Khang, chia sẻ: “Gia đình có 3 anh em, Khang là anh cả, em thứ 2 học lớp 5 và em nhỏ chưa đi học. Đầu năm học, để có tiền mua quần áo, sách vở, bố mẹ phải đi mượn hàng xóm rồi đi làm trả công cho họ".
Là hộ nghèo của thôn Đăk Vang, năm học này em A Đỗ Khang là học sinh đủ điều kiện được miễn giảm học phí và được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng/học sinh (9 tháng) theo quy định của Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Cần đảm bảo các điều kiện để giúp các em hõc sinh vùng đặc thù (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Lo ngại một số chế độ bị cắt khi xã lên Nông thôn mới
Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đăk Dục, thuộc xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) nằm tại khu vực III, thuộc xã biên giới Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi).
Năm 2020, xã Đăk Dục được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chính vì vậy, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đăk Dục đóng chân tại khu vực I.
Khác với xã Sa Loong khi vẫn còn 2 thôn đặc biệt khó khăn, xã Đăk Dục đã hoàn thành các chỉ tiêu và không còn thôn đặc biệt khó khăn.
Do đó, 1.124 học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đăk Dục không được miễn giảm tiền học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Thầy Trần Đức Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đăk Dục, cho biết: “Đối với nhà trường, do đóng chân tại xã đã lên Nông thôn mới, thuộc khu vực I nên các học sinh không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Do đó, các em không được hưởng chế độ theo quy định”.
Về việc tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, thầy Trần Đức Thư, lý giải: “Đối với học sinh được hỗ trợ bán trú thì phải đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 116 của Chính phủ, như: Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi...".
Bên cạnh đó, nhà ở xa trường khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn như: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Áp dụng quy định của Nghị định thì các học sinh không đủ điều kiện để được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú.
Trên thực tế, hiện nay, các trường cũng khó khăn trong việc tổ chức bếp ăn vì cơ sở vật chất không đồng bộ. Cùng với đó, nhà trường hiện không có phòng nghỉ ngơi cho học sinh sau khi ăn bán trú.
Khi xã lên Nông thôn mới, một số chế độ của học sinh sẽ bị cắt giảm (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Thầy Trần Đức Thư cho biết thêm, đối với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các học sinh dân tộc Kinh sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50%; còn học sinh dân tộc đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 90%. Do vậy, các em chỉ đóng 126.000 đồng/năm.
Phụ huynh, nhà trường phân vân khi xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, một số chế độ hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn sẽ bị cắt giảm; kéo theo đó là khó duy trì tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục vùng đặc thù này... do vậy, cần có chính sách quy định phù hợp với những học sinh yếu thế để các em có cơ hội đến trường thuận lợi hơn...
(Còn nữa)