Tag
Kon Tum

Cần có chính sách đặc thù cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Giáo dục 20/09/2024 16:05
aa
TTTĐ - Nhiều trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) lo ngại nếu xã lên Nông thôn mới thì các chế độ hỗ trợ cho học sinh sẽ bị cắt giảm, khiến việc lên lớp của học sinh sẽ gặp khó khăn.
Kon Tum: Hơn 170 nghìn học sinh nô nức khai giảng năm học mới Kon Tum: Giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo bền vững Tuổi trẻ Kon Tum hướng về đồng bào vùng bão lũ
Cần có chính sách đặc thù cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Nhiều em học sinh tại Trường Tiểu học Đăk Ang không được hưởng chế độ bán trú do khoảng cách từ nhà đến trường chưa đủ 4km trở lên (Ảnh: Trần Nghĩa)

Khó khăn để "giữ chân" trò nghèo

Xã Đăk Ang là một xã vùng sâu, vùng xa và cách trung tâm huyện Ngọc Hồi khoảng 22km. Đặc biệt, xã Đăk Ang là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (khoảng 120 hộ/1.159 hộ, chiếm 10,35%). Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu Xơ Đăng) chiếm 96%.

Năm 2023, xã Đăk Ang được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Tuy nhiên, xã Đăk Ang có 6 thôn thì cả 6 thôn đều đặc biệt khó khăn.

Trường Tiểu học Đăk Ang là đơn vị đóng chân trên địa bàn xã Đăk Ang. Năm học 2024 - 2025, toàn trường có 399 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5; học sinh chủ yếu sống tại 4 thôn gồm: Đăk Giá 1, Đăk Giá 2, Long Dôn và Đăk Blái.

Theo thầy Phan Đăng Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Ang, căn cứ Nghị định 116/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn thì nhà trường có 182 em học sinh đủ điều kiện hưởng chế độ bán trú; còn lại các em phải tự về nhà ăn cơm trưa, nghỉ ngơi rồi chiều lại đến trường học.

Lý giải về việc 217 học sinh không được hưởng chế độ bán trú, thầy Phan Đăng Việt cho biết, trước đây xã Đăk Ang chưa hoàn thành xây dựng Nông thôn mới thì trường đóng chân tại khu vực III. Tuy nhiên, năm 2023, khi xã lên Nông thôn mới thì trường lại thuộc khu vực I.

Cùng với đó, để được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú thì nhà cách trường phải đảm bảo khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và 7km đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn.

Xét những điều kiện trên, toàn trường chỉ có 182 học sinh đủ điều kiện ăn bán trú. Đối với học sinh còn lại, các em sẽ phải tự về nhà hoặc có bố mẹ đón về.

Cần có chính sách đặc thù cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Nhà trường lo ngại nếu các em học sinh không được hưởng chế độ bán trú sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo sĩ số học sinh trên lớp và gây ra khó khăn về chất lượng giáo dục (Ảnh: Trần Nghĩa)

Thầy Phan Đăng Việt, trăn trở: “Đối với học sinh không được hưởng bán trú do không đủ điều kiện theo Nghị định 116 thì các em có nguy cơ bỏ học rất cao. Bởi hiện nay, nhà trường tổ chức dạy học cả ngày, khi các em về nửa buổi thì sẽ ở nhà và không đến lớp buổi chiều. Việc không duy trì được sĩ số học sinh trên lớp kéo theo chất lượng giáo dục cũng khó đảm bảo”.

Hiện nay, nhiều em học sinh cũng mang cơm đến lớp nhưng nhà trường cũng lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Chính vì vậy, nhà trường cũng hỗ trợ một số em có điều kiện khó khăn, nhà ở xa trường (gần 4km) được ăn, nghỉ trưa tại trường.

Cô Bùi Thị Hiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Đăk Ang chia sẻ: “Lớp 1B có 22 học sinh và đều thuộc thôn đặc biệt khó khăn. Năm học này, 17 học sinh của lớp được hưởng chế độ ăn bán trú, còn lại các em phải tự về nhà ăn. Do bố mẹ các em đi làm nương rẫy đến chiều tối mới trở về nhà, nên khi các em về giữa buổi thì chiều lại không lên lớp học”.

Cũng theo thầy Phan Đăng Việt, đầu năm học nhà trường đã phải kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ 30 chiếc xe đạp cho học sinh của nhà trường. Trước mắt, nhà trường đã trao số xe đạp này cho các học sinh nhà nằm cách xa trường, có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Trong thời gian tới, nhà trường vẫn phải kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp cho học sinh để giúp các em có thể được đến trường thuận lợi, đảm bảo sĩ số lớp học.

Cần có chính sách đặc thù cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Chính phủ cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn (Ảnh: Trần Nghĩa)

Xã lên Nông thôn mới một số chế độ của học sinh sẽ bị cắt giảm

Nằm cách xa trung tâm xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi), trường Tiểu học Kim Đồng gặp vô cùng khó khăn bởi 259 học sinh của trường đều là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và nằm tại thôn đặc biệt khó khăn.

Thầy Phan Đình Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, năm học 2024 - 2025 toàn trường có 259 học sinh; trong đó chỉ có 164 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Hiện nay, nhà trường đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Khi hết giờ học buổi sáng, các học sinh không được hưởng chế độ bán trú (dưới 4km) thì phải về nhà tự ăn, nghỉ ngơi rồi buổi chiều lại lên lớp.

Tuy nhiên, do các gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số nên họ đi làm từ khoảng 7 giờ sáng và đến chiều mới trở về nhà.

Chính vì vậy, số học sinh không được hưởng chế độ bán trú khi về nhà không được ăn uống đảm bảo, không có bố mẹ đưa đón nên các em thường nghỉ học buổi chiều.

Cần có chính sách đặc thù đối với học sinh vùng sâu, khó khăn
Nhằm hỗ trợ các học sinh nhà xa trường, có điều kiện khó khăn, trường Tiểu học Đăk Ang đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, trao tặng xe đạp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án tạm thời và khó "giữ chân" học sinh đến lớp (Ảnh: Trần Nghĩa)

Bên cạnh đó, nhà trường cũng lo ngại nếu xã lên Nông thôn mới thì một số chế độ của học sinh sẽ bị cắt giảm. Đây là nỗi lo của ngành Giáo dục, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo sĩ số học sinh trên lớp và chất lượng giáo dục.

“Trong trường hợp các em không còn được hưởng chế độ ăn bán trú thì nhà trường sẽ phải thực hiện “cặp lồng cơm đến lớp”. Tuy nhiên, đây là vấn đề nan giải, bởi trên thực tế các hộ gia đình đều rất khó khăn, không đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh khi mang cơm đến lớp”, thầy Phan Đình Phong bày tỏ.

Trước những khó khăn hiện tại và lo ngại các chế độ của học sinh sẽ bị cắt giảm, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ, Nhà nước cần có các chính sách đặc thù để hỗ trợ các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập được tốt hơn.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, với những khó khăn của học sinh và nhà trường, trước mắt ngành Giáo dục tỉnh phát động nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi, huy động sự chung tay của cha mẹ học sinh và cộng đồng trong việc chăm sóc và đưa trẻ đến trường.

Đồng thời, ngành cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vận động tài trợ đối với học sinh như hỗ trợ ăn trưa, thiết bị dạy học và các điều kiện bán trú.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục duy trì bền vững các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như hỗ trợ kinh phí tổ chức ăn trưa cho học sinh; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bán trú hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc thù này.

Đọc thêm

Thầy trò THPT Việt Đức chia sẻ yêu thương với đồng bào vùng lũ Giáo dục

Thầy trò THPT Việt Đức chia sẻ yêu thương với đồng bào vùng lũ

TTTĐ - Sáng 25/9, Đoàn công tác của trường THPT Việt Đức bao gồm đại diện BGH nhà trường, đại diện Hội Phụ huynh học sinh đã trao quà hỗ trợ bà con vùng lũ ở 2 huyện Bát Xát, Bắc Hà thuộc tỉnh Lào Cai.
Tuyên truyền ứng phó bạo lực học đường cho gần 2.000 học sinh Giáo dục

Tuyên truyền ứng phó bạo lực học đường cho gần 2.000 học sinh

TTTĐ - Ngày 24/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường - Xây dựng trường học an toàn, thân thiện” cho gần 2.000 học sinh.
Tiếp nối hành trình Mở - Kết nối và lan tỏa Giáo dục

Tiếp nối hành trình Mở - Kết nối và lan tỏa

TTTĐ - "Bước vào năm học mới 2024-2025, với triết lý đào tạo: “Mở cơ hội - Mở trái tim - Mở trí tuệ - Mở tầm nhìn - Mở tương lai”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung khẳng định: Trường ĐH Mở Hà Nội cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân trong một môi trường giáo dục tiên tiến, đa dạng và toàn diện.
"Rộng cửa"du học Giáo dục

"Rộng cửa"du học

TTTĐ - Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) phối hợp cùng Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán New Zealand tổ chức Ngày hội Giáo dục New Zealand 2024 tại TP Hồ Chí Minh (19/10) và Hà Nội (20/10).
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục Nhịp sống phương Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục

TTTĐ - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh trong năm học 2024 - 2025.
Trường Quốc tế Nhật Bản Hải Dương dự kiến tuyển sinh vào tháng 4/2025 Giáo dục

Trường Quốc tế Nhật Bản Hải Dương dự kiến tuyển sinh vào tháng 4/2025

TTTĐ - Trường Quốc tế Nhật Bản Hải Dương được xây dựng trong khu đô thị Ecorivers - Ecopark Hải Dương trên diện tích hơn 2ha, hứa hẹn mang đến môi trường giáo dục nền nếp, nhân văn, hạnh phúc cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Đại học Kinh tế Đà Nẵng khai giảng năm học mới Giáo dục

Đại học Kinh tế Đà Nẵng khai giảng năm học mới

TTTĐ - Ngày 23/9, trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025, tiếp tục phát huy thành tích, thực thi sứ mệnh của một trường đại học hàng đầu theo định hướng nghiên cứu để kiến tạo, hoàn thiện môi trường học thuật tiên tiến, nhân văn.
Quận Ba Đình tặng quà 123 học sinh có hoàn cảnh khó khăn Giáo dục

Quận Ba Đình tặng quà 123 học sinh có hoàn cảnh khó khăn

TTTĐ - Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình, Hà Nội, vừa tổ chức tặng quà cho 123 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn phường Phúc Xá.
Tập huấn phòng tránh tai nạn thương tích cho giáo viên, phụ huynh Giáo dục

Tập huấn phòng tránh tai nạn thương tích cho giáo viên, phụ huynh

TTTĐ - Với nỗ lực nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã tổ chức tập huấn chuyên sâu dành cho toàn bộ phụ huynh học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường.
Sôi nổi chung kết cuộc thi Robotics quận Cầu Giấy năm 2024 Giáo dục

Sôi nổi chung kết cuộc thi Robotics quận Cầu Giấy năm 2024

TTTĐ - Sáng 21/9, tại trường THCS Trương Công Giai, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã tổ chức vòng chung kết Cuộc thi Robotics dành cho học sinh Tiểu học và THCS năm 2024 với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”.
Xem thêm