Bài 1: Luôn háo hức, hồ hởi khi viết về Hà Nội
Nhà văn Nguyễn Trương Quý vẫn miệt mài với những cái gì làm nên một “style’’ không lẫn vào đâu được của người Hà Nội
Bài liên quan
Hà Nội dự kiến ngày 3/8 công bố điểm chuẩn thi vào lớp 10
Hà Nội thử nghiệm tuyển sinh trực tuyến
Hà Nội phấn đấu có thêm 7 huyện, thị xã được công nhận hoàn thành xây dựng Nông thôn mới
Công an Hà Nội tăng cường tấn công, truy quét nạn cát tặc trên sông Hồng
“Nếu chưa làm đã chán, nếu chưa viết đã nản thì làm sao khiến người khác đọc sách của mình? Tôi luôn luôn háo hức, hồ hởi với những cuốn sách mình viết ra bởi mỗi tác phẩm là một khám phá, một hướng đi mới trong cái kho mênh mông và vô tận đề tài về Hà Nội mà tôi thấy cần phải viết” - nhà văn Nguyễn Trương Quý bộc bạch về những “đứa con tinh thần’’ của mình như vậy.
Mỗi cuốn sách như một khám phá bản thân
Nguyễn Trương Quý hẹn tôi tại một quán cà phê trên con phố nhỏ Bùi Thị Xuân. Quán cà phê này anh đã ngồi quen thuộc từ nhiều năm trước, lúc ấy ngôi nhà cổ còn có sân, có hè chứ chưa lên tầng, đua ra sát mặt đường như bây giờ. Trời Hà Nội bất chợt sầm sì với một cơn mưa mát lạnh khiến câu chuyện lan man hết từ thời tiết, kiến trúc, văn hóa ứng xử Hà Nội xưa và nay rồi vẫn vòng về những cuốn sách.
Nguyễn Trương Quý nói về cuốn sách thứ 9 của mình với cái tên thực sự gây tò mò khi mang trong nó một giai thoại về nhà văn Nguyễn Tuân và nhà phê bình văn học người Nga Marian Tkachev. “Hà Nội bảo thế là thường’’ hứa hẹn sắp tới đây ra mắt sẽ rất thời thượng và dễ tiếp cận giới độc giả trẻ.
Những cuốn sách "đặc" Hà Nội của nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Những bài tản văn này sẽ như những cái “khuôn đè” cắt nghĩa những “vân vi”, những lời nói hàm ngôn về văn hóa, lối sống, về ăn mặc và những cái gì làm nên một “style’’ không lẫn vào đâu được của người Hà Nội.
Từ “Tự nhiên như người Hà Nội’’, “Ăn phở rất khó thấy ngon’’… cho đến cuốn thứ 9 này, mỗi cuốn sách có thể ví như một nấc thang tạo thành “sách tour’’ khám phá văn hóa Hà Nội. Đó dường như cũng chính là hành trình khám phá chính bản thân người viết.
Từ những bài tản văn ban đầu mang tính phản biện để xây dựng, để “gạn đục khơi trong’’, đưa ra cái xấu nhằm làm cho hiện thực thay đổi, hoàn thiện hơn, nay anh tự nhận mình đã “có tuổi’’, nhìn mọi thứ một cách chín chắn hơn, sâu sắc hơn, chiêm nghiệm hơn, đằm lặng hơn.
Bắt đầu từ những cuốn như “Một góc phố một người đang sống” hay “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca’’, tính du khảo của chúng đã cho thấy người viết không chỉ lấy hôm nay so sánh với hôm qua mà còn đào xới sâu hơn, xa hơn, soi rọi lại vẻ đẹp lấp lánh của những vàng son xưa cũ để đối chiếu, để minh chứng cho nét văn hóa tinh thần duyên dáng và lịch lãm của người Hà Nội
Bởi như Nguyễn Trương Quý bộc bạch, có lẽ chính vì lẽ ấy, đến năm 2019 anh mới được trao giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội’’ ở hạng mục “Tác phẩm” cho cuốn “Một thời Hà Nội hát’’. Có lẽ đến lúc ấy những điều đọng lại và đóng góp cho Hà Nội trong tác phẩm của anh mới thành một mốc để người chấm giải nhận ra sự kết tụ.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận giải "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" |
Tôi cảm nhận được một niềm vui hết sức hồn nhiên, vui từ tận trong trái tim của Nguyễn Trương Quý khi anh nói về giải thưởng này của mình. Anh bảo mình thực sự hạnh phúc vì những điều mình viết ra đã có sức lay động và lan tỏa. Đây chính là một động lực, một điều truyền năng lượng để anh tiếp tục hành trình mà mình đang theo đuổi.
Anh nhận thấy những tác phẩm về Hà Nội trước đây thường thấy gì ghi nấy, tản mạn, biên khảo, rất ít tính khảo cứu một cách khoa học có luận điểm, theo đuổi từng vấn đề và chưa thể hình hành một hệ thống tra cứu dọc về Hà Nội bền lâu và có giá trị.
Từ đấy, Nguyễn Trương Quý cảm thấy chính bản thân mình cũng phải thay đổi. “Mình có đóng góp bởi mình đã bỏ công nghiên cứu về những lớp lang văn hóa một thời và tạo thành một giá trị để mọi người nhìn thấy được, thu nhận được những gì từ một cuốn sách. Chính vì thế, mình đã mở ra hướng đi mới với những cuốn thứ hai, thứ ba và có thể nhiều cuốn nữa. Rất nhiều điều còn phải làm’’, Nguyễn Trương Quý tâm niệm.
Như vậy, luôn tìm tòi và đổi mới cũng chính là một nhu cầu nội tại thôi thúc người viết để tránh không đi vào lối mòn hay vùng an toàn. Chính bởi điều đó, những tác phẩm mà Nguyễn Trương Quý viết ra càng thực sự sống trong lòng bạn đọc khi tạo được giá trị của riêng mình.
Trách nhiệm với Hà Nội
Cuộc trò chuyện đôi khi bị gián đoạn giây lát, khi Nguyễn Trương Quý thoáng chạy ra nhặt từng mẩu giấy ăn nhỏ rớt trên sàn quán bỏ vào thùng rác. Tôi cho rằng đó không phải chỉ là sự cẩn thận, giữ gìn cho không gian quán cà phê quen thuộc mà chính là lối ứng xử rất Hà Nội của anh, một người sinh ra và lớn lên tại khu phố Vọng và dành phần lớn cuộc đời của mình để sống, trải nghiệm và viết về Hà Nội.
Đó cũng chính là lí do tại sao anh không còn theo đuổi nghề kiến trúc sư, chuyên môn mình được đào tạo nữa mà chuyển hẳn sang viết và vẽ tranh. Đối với anh, làm gì không quan trọng, mà điều quan trọng là mình gặt hái được gì, để lại gì từ những công việc ấy.
Bây giờ, sau khi được giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, đối với anh viết cũng có phần trách nhiệm. Trách nhiệm bởi đã được tin tưởng, yêu mến, trao giải, để đền đáp lại tình cảm đó. Trách nhiệm cũng là để kéo dài sức sống của công việc anh đang làm. Công việc ấy chỉ có ý nghĩa khi được tiếp sức để thấy mình không bị kiệt sức.
Trên hành trình ấy, Nguyễn Trương Quý bắt đầu cảm thấy hơi… cô độc. Yêu Hà Nội và cảm thấy cái vùng trời mênh mông này còn vô số điều cần phải khai thác mà sức mình có hạn, anh rất cầu mong có người đồng hành. Có “mối nối’’ những người cùng đam mê chia sẻ với nhau sẽ tạo nên âm vang tốt hơn. Điều đó sẽ giúp cho người đọc không nghĩ rằng những tác giả này đang “đánh bóng’’ Hà Nội mà thực chất đây là khoa học khảo cứu, địa dư về Hà Nội.
Tuy vậy, trong giới trẻ hiện nay chưa có nhiều nhân tố lấp lánh niềm hi vọng. Đó đây vẫn có những người trẻ viết về Hà Nội nhưng thực chất nhiều mà chưa phải là tinh túy. Phải có nhãn quan của thời đại làm thước đo thì mới có thể bật lên, xuất sắc và tạo thành những công trình, tác phẩm có tính ứng dụng cao, ra đến với quần chúng và để đời.
Sự hào hứng viết về Hà Nội cần phải được khơi dậy. Chúng ta phải nhìn Hà Nội theo một kiểu khác, một Hà Nội tiêu dùng, một Hà Nội thành thị. Chứ còn cứ cảm xúc nhàn nhạt, đèm đẹp thì không thể đọng lại điều gì. Ai sẽ đọc, ai sẽ chia sẻ điều đó?
Những tác phẩm làm nên "thương hiệu" Nguyễn Trương Quý |
Là người viết lâu năm, cộng với kinh nghiệm 11 năm từng là biên tập viên tại Nhà xuất bản Trẻ, Nguyễn Trương Quý cũng đưa ra gợi ý cho những người trẻ muốn ra sách về Hà Nội hiện nay. Đó là phải cấu tứ một cuốn sách như một hành trình từ điểm A đến điểm B, bắt buộc phải đi qua điểm nào. Cả cuốn sách nhìn vào sẽ như một bộ comple hoàn chỉnh thay vì chỉ toàn là những mảnh vải vụn rời.
“Đã qua rồi thời của những cuốn tuyển tập hay những mảnh ghép, bây giờ là thời của sách khảo cứu và lịch sử, nhìn nhận lại những giá trị, có tính định giá của bản thân người viết về văn hóa của một thời. Tất nhiên sẽ rất mệt và kì công nhưng chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng bởi cả người đọc và lịch sử sau này sẽ không quên mình”, Nguyễn Trương Quý “tổng kết’’ về nghiệp viết như vậy.
(Còn nữa)