Bài 1: Ngôi nhà di dộng và những bài học lớn
Các bạn trẻ tham gia ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức
Với những người quen thuộc với xe buýt, dùng phương tiện này để di chuyển hàng ngày thì xe buýt đã trở thành ngôi nhà nhỏ thứ hai của mình. Nơi đây mọi người vừa được giao lưu, trò chuyện thân tình trên những đoạn đường vừa được học những bài học lớn về lối ứng xử văn hóa.
Nguyễn Bách hiện là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhà Bách ở đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội). Dù được bố mẹ đầu tư cho chiếc xe máy ngay từ năm đầu đỗ đại học nhưng Bách lại lựa chọn đi xe buýt. Ngày nào cũng vậy, Bách lên xe số 32, đi từ nhà đến trường chỉ khoảng 45 phút. “Đi xe máy riêng thì có thể chủ động “tạt té” chỗ nọ chỗ kia và có vẻ “oai” hơn nhưng xe buýt lại tiết kiệm hơn rất nhiều”, Bách tâm sự.
Không phải là người chi li về tiền nong nhưng Bách nghĩ rằng bây giờ mình còn đang là sinh viên, chưa làm ra tiền, mọi chi phí học hành, sinh hoạt đều do bố mẹ vất vả mới kiếm được nên tiết kiệm được chút nào hay chút nấy. Số tiền phải đổ xăng để đi xe máy sẽ lớn hơn rất nhiều so với đi xe buýt vé tháng. Tiền dư ra Bách có thể dùng để mua sách vở, giáo trình tiếng Anh hoặc đỡ phải xin bố mẹ tiền chi tiêu vặt khác.
Cùng ý kiến với Bách, bạn Thảo Ly sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Đi xe buýt chẳng những tiết kiệm mà còn rất thuận tiện nữa”. Là người ngoại tỉnh xuống Hà Nội trọ học, bố mẹ làm nông nghiệp nên Ly tính mọi cách để giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng. Trong khi đó, cô chưa thông thạo đường phố Hà Nội, chưa quen với tình trạng giao thông đông đúc và nhiều khi lộn xộn ở đây.
Đi đến chỗ nào lạ, Thảo Ly chỉ việc tra tuyến xe buýt rồi cứ thế nhảy lên. Cần xuống chỗ nào, đến đâu để bắt chuyến khác cứ hỏi bác tài xe và phụ xe là được tư vấn tận tình. Ngồi trên xe buýt lại còn được ngắm đường ngắm phố để làm quen dần với Hà Nội, đó là điều Thảo Ly rất thích thú.
Còn chị Mỹ Vân, nhân viên một công ty ở phố Thái Hà thì trung thành với xe buýt từ ba năm nay. Ngày trước chị vẫn đi làm bằng xe máy nhưng sau lần bị xe tải đằng sau tông lúc đang chờ đèn đỏ phải vào bệnh viện bó bột chân thì chị sợ hẳn. “Xe buýt rất an toàn, thuận tiện. Giờ phải đi đâu bằng xe máy, tôi rất ngại. Hôm thì nắng nóng cháy da, hôm thì mưa xối xả ướt hết người, lúc nào cũng phải nhớ mang theo áo chống nắng hoặc áo mưa, rất lích kích. Đi xe buýt chỉ cần mang theo một chiếc ô thế là xong”, chị Vân chia sẻ.
Chị Minh Nguyệt nhà ở huyện Mê Linh, sáng nào chị cũng đi xe buýt vào nội thành Hà Nội thì vô cùng tâm đắc với phương tiện di chuyển công cộng này. Sáng lên xe sớm chị có thể tranh thủ chợp mắt một giấc, bác lái xe và anh phụ xe đã quen điểm xuống của chị nên đến nơi là gọi chị dậy. Cũng có khi chị tranh thủ xem lại các tài liệu, giấy tờ cần phải nắm rõ cho ngày làm việc của mình. So với việc đi xe máy vừa xa vừa mệt, bụi bặm, nguy hiểm, hại sức khỏe và ảnh hưởng nhan sắc thì rõ ràng xe buýt thuận tiện, tiết kiệm, an toàn hơn rất nhiều.
Những sinh viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ở Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc thì rất yêu chuyến xe số 95 của mình. Những năm trước, muốn về quê, xuống Hà Nội mua giáo trình, sách tham khảo, các bạn đều phải đi xe khách xuống bến xe Mỹ Đình hoặc bắt xe ôm, taxi ra ngoài quốc lộ 2 rồi bắt xe khách đi tiếp. Từ khi có tuyến buýt 95, sinh viên có thể bắt xe tại điểm gần trường, về tận bến Nam Thăng Long hoặc xuống ngang đường bắt xe chuyến khác, thuận lợi vô cùng.
Bác Ngô Văn Bảo, cán bộ hưu trí ở phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại rất tâm đắc với phương tiện di chuyển công cộng này. Mỗi chuyến xe như một xã hội thu nhỏ. Ở trên đó mọi người đều học được những bài học về lễ phép, về lối ứng xử văn hóa. Chẳng hạn mọi người lên xe được yêu cầu tác phong nhanh nhẹn, gọn gàng, nói năng nhỏ nhẹ để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Lên xe buýt ai cũng phải giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi, càng không thể không chấp hành các quy định chung.
Bác Bảo cũng rất thích cách mọi người được yêu cầu nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Đó là cách mỗi người nâng cao tính tự giác, ý thức sẻ chia, giúp đỡ người khác một cách vô tư và dần dần sẽ trở thành thói quen, thành hành xử văn hóa từ trong tâm thức. Những điều đó nói ở nơi khác có khi còn bị phản ứng lại. Còn trên xe buýt, trong không gian chật hẹp, nếu không chấp hành bản thân người đó sẽ trở nên lạc lõng trong cộng đồng.
Các chuyên gia còn chỉ ra rằng, đi xe buýt là cách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hữu hiệu nhất. Cùng với đó, những nguy cơ về ùn tắc giao thông cũng sẽ giảm mạnh. Thay vì mấy chục chiếc xe máy cùng tràn ra đường, mấy chục người đó cùng lên một chiếc xe buýt là thành phố không bị quá tải giờ cao điểm. Khi các phương tiện giao thông được hạn chế thì đương nhiên nguy cơ tai nạn giao thông sẽ giảm đi. Người trên xe buýt an toàn đã đành mà những người khác đi lại trên đường cũng không phải nơm nớp lo sợ tai nạn do người khác gây ra cho mình.
Khi không khí của các thành phố lớn ô nhiễm đến mức các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe người dân thì việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chuyển sang phương tiện giao thông công cộng như xe buýt cũng là một cách để mỗi người tự cứu lấy lá phổi của mình. Ai cũng thấy rõ vào những giờ cao điểm, tắc đường; tại các ngã tư, ngã năm chờ đèn đỏ, chỉ vài chục giây nhưng hàng trăm chiếc xe máy, tô tô cùng phả khói xăng ra đường khiến bầu không khí trở nên khó thở, ngột ngạt.
Có những người chọn hình thức tắt máy khi dừng xe chờ đèn đỏ, các hãng cũng sản xuất loại xe tự động ngắt máy khi dừng nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Hạn chế các phương tiện cá nhân là cách tốt nhất để giảm khí thải có hại với môi trường. Khi đó, người dân thành phố được hít thở không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe, cuộc sống xanh hơn, bền vững hơn.
Việc chen lấn trong đám đông cũng ảnh hưởng lớn tới cảm xúc, sức khỏe, tâm trạng của mọi người. Chưa kể những va chạm, tai nạn, nhẹ thì thành cãi cọ, gây gổ tranh luận căng thẳng; nặng thì sinh ra xô xát đánh nhau; nặng nữa thì cấp cứu hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, ngồi trên xe buýt, mọi người được trò chuyện giao lưu kết nối với nhau, được thực hành và học hỏi những hành vi văn minh, lối ứng xử thân thiện hòa nhã… Giữa những lợi và hại đó, hẳn là mỗi người đều tự rút ra được lựa chọn phù hợp với mình.
(Còn nữa)