Cảm hóa học trò về nẻo thiện bằng trái tim yêu thương
Sáng tạo, đổi mới vì học trò thân yêu Người mẹ hiền của những học trò nghèo Nhà giáo trẻ mang văn hóa dân tộc Nùng đến học trò |
Đại uý Lê Hồng Lụa, giáo viên trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đã chia sẻ như vậy khi nói về nghề của mình.
Nối dài truyền thống gia đình
Đại uý Lụa chia sẻ: “Sư phạm với tôi như một điều tất yếu để nối dài truyền thống gia đình. Hơn nữa, ngay từ những ngày học THPT, được lên trường Giáo dưỡng số 2 nơi các anh, chị của mình công tác, tôi đã mơ ước được làm cô giáo trong ngành Công an để giảng dạy các em học sinh từng có hành vi phạm pháp luật”.
Thế rồi, mỗi ngày trôi qua, nghe các anh, chị kể về những mảnh đời đặc biệt, cô gái trẻ lại càng mong muốn được dạy học trong môi trường đó, để giúp những học sinh từng một thời lầm lỗi quay lại với cuộc sống bình thường. Chị muốn thấy niềm tin hiện lên trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của học sinh, muốn là một bậc thang trên bước đường tìm về nẻo thiện của các em.
Đại uý Lê Hồng Lụa được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 vào dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam |
Từ những cơ duyên đó, năm 2012 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chị Lụa đã được tuyển dụng vào công tác tại đội Giáo viên văn hóa - trường Giáo dưỡng số 2 - Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở bắt buộc, trường giáo dưỡng, với chuyên môn chính là giảng dạy văn hóa cho các em học sinh và trở thành một chiến sĩ công an.
Hơn 10 năm nay chị gắn bó với nghề, với các em học sinh mà trong đó thậm chí có em chưa quen mặt chữ, chưa học ghép vần nhưng đa số đều có chung đặc điểm: Đã bỏ học lâu, kiến thức không cơ bản, ý thức học tập kém, lười học; không có động lực, mục đích học tập. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm pháp luật của các em cũng rất phức tạp như: Trộm cắp, cướp, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, giết người...
Do vậy, làm sao để việc giảng dạy văn hóa không chỉ giúp các em nâng cao trình độ nhận thức mà còn phải gắn với giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống... để hình thành cho các em lối sống lành mạnh, trách nhiệm với bản thân, có ích cho gia đình và xã hội luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của chị Lụa và các thầy cô giáo nơi đây.
Đại uý Lê Hồng Lụa giảng bài cho các em học sinh tại trường Giáo dưỡng số 2 |
Người mẹ hiền thứ hai
Để đáp ứng tốt yêu cầu công tác, chị luôn tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, có những bài giảng trực quan sinh động, giúp các em hiểu, yêu thích môn học; tiết dạy đạt hiệu quả cao.
Nữ giáo viên công an cùng với tập thể thầy cô giáo ở trường nỗ lực, tìm hiểu kỹ những hạn chế của học sinh trong việc tiếp thu kiến thức, đưa ra cách tháo gỡ khó khăn; nghiên cứu phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách hào hứng, tích cực.
Trong những “chuyến đò”, chị Lụa được tiếp xúc với nhiều học sinh khác nhau, có em nhiệt tình, tự tin thể hiện khả năng của mình, có em rụt rè, nhút nhát, hay có những em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều em đã bỏ học từ lâu, ngại học, lười học, rồi có em dù 16 tuổi mà vẫn chưa biết chữ.
Bằng trái tim yêu nghề, thương người, chị nhận thấy bản thân không chỉ là giáo viên truyền thụ kiến thức, mà còn là người mẹ thứ hai, người đồng hành, lắng nghe chia sẻ, giúp đỡ các em vượt qua mọi khó khăn, mặc cả; giúp các em có cách sống, cách đối diện với khó khăn. Từ những điều cô giáo dạy bảo, các em học sinh ở đây đã biết sống một cách kỷ luật, biết lao động, yêu quý giá trị của thời gian...
Học sinh của nữ công an có rất nhiều đối tượng: Nhiều em đã bỏ học từ lâu, ngại học, lười học, có em dù 16 tuổi mà vẫn chưa biết chữ |
Gắn bó, giảng dạy các em học sinh trường giáo dưỡng - những mảnh đời lầm lỡ, chính vì thế, chị Lụa luôn dành tình yêu thương, gần gũi, động viên, chia sẻ với các em. Qua quá trình công tác của mình, chị nhận thấy: Dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa những đứa trẻ có quá khứ không tốt càng khó gấp bội nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, nữ công an đã, đang và sẽ luôn học hỏi, cố gắng dùng tình yêu thương để cảm hoá những đứa trẻ đang chông chênh giữa cuộc đời, trở thành người lương thiện, biết yêu thương, chia sẻ; tránh xa thói hư, tật xấu.
Đại uý Lê Hồng Lụa là một trong những giáo viên tiêu biểu được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 vào dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. |