Bài 123: Chuẩn bị nghiêm túc để trở thành công dân toàn cầu
![]() |
>> Thanh niên với vấn đề hội nhập:
Bài 122: Mở rộng kiến thức, thay đổi tư duy chọn nghề
Phải có hiểu biết về ASEAN
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, mở ra cho Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng những cơ hội và thách thức lớn. Nhận thức rõ điều này, nhiều sinh viên đã không ngừng tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, tự rèn luyện và đặt ra cho mình những mục tiêu nghề nghiệp để tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Nguyễn Thị Yến, sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chính ngân hàng, trường Đại học Kinh Tế Quốc dân Hà Nôi cho rằng, gia nhập cộng đồng chung ASEAN, cho phép người lao động di chuyển tự do trong khu vực, điều này đồng nghĩa lao động trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh việc làm từ lao động các nước. Vì vậy, mỗi sinh viên phải có những hiểu biết nhất định về ASEAN và tiến trình phát triển của cộng đồng chung để có những chuẩn bị cần thiết.
![]() |
“Việc tìm học bổng thực tập tại Thái Lan hay Singapore cũng như làm việc tại nước ngoài là mục tiêu mà em đang phấn đấu. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, em cần phải chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt”, Yến chia sẻ.
Theo Yến, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh, sinh viên cần phải trau dồi vốn kiến thức ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm. Đó mới là điểm mạnh cho người trẻ hội nhập. Ngoài ra, kiến thức, trình độ chuyên môn cần phải đáp ứng tối thiểu, bằng tốt nghiệp từ loại khá trở lên mới có thể cạnh tranh với sinh viên nước ngoài.
Còn với Nguyễn Trung Thành, sinh viên ngành song ngữ Nga - Anh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng, tìm hiểu văn hóa các nước trong khu vực là điều cần thiết: “Trong quá trình học, em cố gắng trang bị cho mình vốn tiếng Anh và các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tìm hiểu về văn hóa các nước bạn… Tuy nhiên, điều em cảm thấy khó nhất là khi tìm hiểu văn hóa nước bạn nhưng không thể hòa nhập nhanh được. Nguyên nhân là do văn hóa giữa mình và họ khác biệt nhau. Vì vậy, em mong muốn các trường đại học, cao đẳng mở thêm các lớp cho sinh viên học về văn hóa các nước ASEAN nói chung”.
Mặc dù mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ Việt có điều kiện tiếp xúc với thị trường lao động quốc tế nhưng chính môi trường ASEAN lại đặt ra cho họ những thách thức. Theo các chuyên gia, nếu không khắc phục những điểm yếu của mình ngay từ bây giờ, nguồn nhân lực trẻ nước ta sẽ dễ dàng bị các nước khác qua mặt ngay chính ở môi trường làm việc trong nước.
Mở rộng kiến thức nghề nghiệp
Thực tế, những kỹ năng yếu kém của thanh niên Việt Nam luôn là đề tài xuất hiện trong nhiều hội thảo, từng được các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích, mổ xẻ. Cụ thể là các kĩ năng như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và ngoại ngữ… được đánh giá là thiếu và yếu.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM nhận xét: “Bản lĩnh và sự tự tin của sinh viên Việt Nam hiện nay chưa cao. Các em chỉ dám đặt câu hỏi chứ chưa dám nói lên ý kiến của mình. Có thể là do phong cách giảng dạy của các thầy cô, cấu tạo của lớp học khiến các em trở thành đối tượng chỉ ngồi hướng lên nghe thầy nói, chứ không phải cấu trúc mà trong đó sinh viên có thể trao đổi ý kiến với thầy cô giáo. Hơn nữa, điều kiện để các em tiếp xúc với doanh nghiệp, với xã hội chưa sớm và chưa nhiều. Sinh viên từ năm thứ nhất phải tham gia sinh hoạt cộng đồng, tham quan thực hành tại các xí nghiệp nhiều hơn”.
Theo TS Nghĩa, nếu không trang bị những kỹ năng nói trên, các bạn trẻ khó có thể chinh phục các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn một năm làm việc ở môi trường quốc tế với nhiều lao động đến từ các nước khác nhau, Vũ Diệu Hương, hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông của Hàn Quốc nhận xét: “Em nghĩ người Việt trẻ rất thông minh, thích ứng công việc nhanh nhưng khi làm việc ở một tập đoàn kinh tế lớn, yêu cầu khả năng làm việc nhóm thì chưa đáp ứng được. Ngoài ra, khả năng sáng tạo và vốn tiếng Anh của các bạn trẻ cũng chưa bằng các nước khác. Trong các công ty Hàn quốc, người ta đánh giá năng lực cao nhưng thái độ làm việc được đánh giá cao hơn. Họ quan tâm mình làm được gì, có đóng góp được gì cho công ty hay không”.
Có thể nói, ngoài yếu tố ngoại ngữ, các kĩ năng mềm, ý thức lao động được coi là công cụ không thể thiếu trong quá trình hội nhập, bởi theo TS Nguyễn Tấn Bình, Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến, có ngoại ngữ và các kĩ năng mềm nhưng ý thức lao động kém, lao động nước ta sẽ lép vế hơn ở thị trường lao động quốc tế lẫn tại sân nhà. “Ai cũng thừa nhận người Việt Nam có tố chất chăm chỉ, gần gũi thế nhưng lại thua lao động Philippines ở ý thức lao động”, TS Bình cho biết.
Việc hội nhập quốc tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ rất sớm, nhằm chuẩn hóa trình độ đào tạo của sinh viên cũng như các lực lượng lao động ở Việt Nam. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng khung trình độ quốc gia ban hành vào năm 2014. Việc công nhận các bằng cấp của nước ta tương thích với bằng cấp các nước ASEAN sẽ giúp cho sinh viên tốt nghiệp ra trường dễ dàng cạnh tranh với lao động trong khu vực.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Điều quan trọng không phải dừng lại ở cấp đại học mà chúng tôi muốn tất cả các cấp từ đào tạo nghề, đến trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH đều phải có khung trình độ, tương thích với khung trình độ của quốc tế và trong khu vực ASEAN. Làm sao để khi sinh viên tốt nghiệp trung cấp ở Thái Lan, Singapore hay Việt Nam đều cùng một trình độ giúp họ có thể đi tới các quốc gia này làm việc và cùng được trả một mức lương. Sinh viên tốt nghiệp ĐH của nước ta phải tương thích với ĐH các nước”.
Như vậy, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, bên cạnh sự thay đổi hệ thống đào tạo từ các trường ĐH, CĐ, bản thân người học và những lao động trẻ cũng cần có sự chuẩn bị nghiêm túc về văn hóa, chuyên môn, kĩ năng hội nhập và ý thức lao động. Ngay từ bây giờ, các bạn cần phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập quốc tế, góp phần mang trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam sánh cùng với bạn bè quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới không thua trên sân nhà.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cán bộ trẻ và trách nhiệm trước mô hình chính quyền mới

Nhân dân Thủ đô tin tưởng vào mô hình chính quyền 2 cấp

Tạo động lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên Thủ đô

Chiến sĩ trẻ ra quân gỡ “nút thắt” trong thủ tục hành chính

Làm đẹp phố phường, sẵn sàng chào đón ngày hội lớn

TP Hồ Chí Minh "xuất quân" chiến dịch Mùa Hè xanh

Kỳ vọng trước thềm chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp

102 "chiến sĩ nhí" Phú Yên hoàn thành "Học kỳ trong quân đội" 2025

Người trẻ thay avatar - lan tỏa tinh thần chính quyền hai cấp
