Bài 158: Mong đền Bạch Mã sớm gắn biển quy tắc ứng xử
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 157: Giữ gìn văn hóa gia đình thời hiện đại
Ông Nguyễn Hải Đường cho biết, khách thập phương là người Việt đến đây đa phần đều ăn mặc trang nghiêm nhưng cũng có cá biệt những trường hợp không chỉn chu và còn hở hang. Ngay cả khách du lịch phương Tây, nhiều người cũng ý tứ mang theo chiếc khăn để quấn tạm. Các trường hợp mặc phản cảm và có những hành vi không đúng mực đều được nhà đền nhắc nhở kịp thời. Nhiều năm trông coi đền Bạch Mã, ông Đường bức xúc nhất là tình trạng khách nước ngoài đến tham quan đền nhưng không tôn trọng đền.
Họ đến từng tốp, từng đoàn, đa phần là ăn mặc thoải mái theo lối du lịch “bụi”, đứng ngồi lố nhố, có khi còn ngồi “chổng mông” vào ban thờ, rất khó chịu, phản cảm. Dù vậy ông Đường không trách khách. Lỗi của họ một thì lỗi ở hướng dẫn viên du lịch mười. “Họ chỉ biết làm theo lợi nhuận thôi, chẳng nghiêm trang, giữ gìn nét văn hóa của Việt Nam chút nào”, ông Đường cho hay. Theo đó, dù khách có làm bất cứ hành động gì không đúng, không đẹp mắt thì hướng dẫn viên cũng không hề nhắc nhở, nhưng ông Đường và nhà đền thấy khó chịu quá phải tham gia. Quy định của đền 11h đóng cửa nghỉ trưa, nhưng nhiều khi hướng dẫn viên dẫn đoàn đến muộn, họ cứ nài nỉ xin vào. “Là quy định thì mình càng phải thực hiện cho đúng. Tôi bảo họ lần sau quay lại, như thế khách du lịch sẽ tôn trọng mình hơn, nhưng họ vẫn cứ nằng nặc xin vào. Đền không bán vé, chỉ mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan, lễ bái nên đành phải mở cửa”, ông Đường nói.
Kể từ khi bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai, trong đó có quy định du khách không mặc trang phục hở hang, phản cảm vào nơi linh thiêng, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo. Những ngày qua, tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, ban quản lý đã cho du khách mặc trang phục không phù hợp được mượn áo choàng trước khi vào thăm di tích. Ngoài việc cho mượn áo choàng, nhân viên ở ban quản lý di tích sẽ nhắc nhở, phổ biến bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cũng như nội quy của di tích cho du khách để lần sau họ không vi phạm.
Ông Nguyễn Hải Đường bày tỏ mong muốn Ban quản lý đền Bạch Mã cũng sớm có cách làm tương tự như vậy.
Đền Bạch Mã - trấn Đông kinh thành Thăng Long xưa, nơi thờ thần Long Đỗ - Thành hoàng của kinh thành
Trải qua hơn 1.000 năm tồn tại, đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Nằm trong khu phố cổ, đền càng làm tăng thêm vẻ đẹp và những giá trị kiến trúc, nghệ thuật cho 36 phố phường. “Nhà đền chưa nghe thấy có quy định, quy tắc ứng xử nhưng rất mong làm sao bố trí được một tấm bảng trong không gian chật hẹp này để người dân dễ đọc, dễ làm theo mà lại không ảnh hưởng gì đến kiến trúc, tổng thể của đền”, ông Nguyễn Hải Đường bày tỏ.
Không chỉ có ý nghĩa là một trong tứ trấn bảo vệ sự yên bình của Thăng Long xưa, đền Bạch Mã còn đặc biệt hơn vì đây là nơi thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng), là vị thần gốc của Hà Nội cổ, đồng thời cũng là Thành hoàng của kinh thành suốt hơn 1.000 năm qua. Theo các tài liệu, đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ. Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, cho đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
Đền thờ Thành hoàng là một nơi trang trọng, giữ vị trí tâm linh đặc biệt với mỗi ngôi làng của nước Việt. Với ý nghĩa đó, đền Bạch Mã xứng đáng được chính quyền và người dân Hà Nội cũng như cả nước và du khách quốc tế tôn kính, trân trọng và bảo vệ sự trang nghiêm vốn có.
Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng do UBND thành phố Hà Nội ban hành có nêu rõ: Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; không nên thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm. |
(còn nữa)