Bài 163: Hướng dẫn viên du lịch phải là cầu nối văn hóa
Nói cách khác, HDV chính là cầu nối văn hóa. Tuy nhiên, nhiều khi họ không ý thức được điều này. Việc khách nước ngoài đến Việt Nam và có nhiều hành động khiếm nhã nơi đền chùa, lỗi một phần chính là ở HDV không hướng dẫn, kiểm soát một cách chu đáo.
HDV du lịch là một nghề được đi đến nhiều nơi, thăm thú nhiều cảnh đẹp, thưởng thức mọi món ăn ngon nhưng HDV du lịch không phải là… khách du lịch. Chính xác hơn, họ là người phục vụ khách du lịch, đảm bảo nơi ăn, chốn ở an toàn, sắp xếp lịch trình, kiêm phiên dịch trong khi phải giới thiệu được với khách về những địa điểm mà khách đặt chân đến. Có nghĩa là họ có quá nhiều công việc trong mỗi chuyến đi, tuy vậy không phải vì nhiều việc mà đổ thừa cho hoàn cảnh. Đến nhiều đền, chùa và những công trình văn hóa, di tích lịch sử của Hà Nội, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh, câu chuyện phiền lòng, nhưng người đáng trách đầu tiên không phải những vị khách gây ra điều ấy mà chính là những HDV du lịch.
Tại đền Quán Thánh, ngôi đền cổ kính thiêng liêng nằm cạnh hồ Tây bát ngát, rất nhiều đoàn khách nước ngoài dừng chân tham quan. Mỗi đoàn vào đền chỉ chừng năm, mười phút. Bao giờ cũng vậy, đi đầu luôn là những HDV, họ vừa mua vé, vừa dẫn khách vào, vừa phải luôn mồm giới thiệu cho khách về lịch sử, kiến trúc, ý nghĩa của ngôi đền. Đến và đi đều vội, ào ào như cơn gió, dạo một vòng đúng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Khách có nhu cầu nghe, xem hay không không biết. Ai hứng thú thì dạo bước cùng, ai mệt mỏi có thể tùy nghi ngồi nghỉ bất cứ chỗ nào thấy thuận tiện. Tất nhiên, trang phục của đoàn lố nhố không đồng đều. Bản thân HDV cũng có khi “diễu” quần “ngố” khoe những cẳng chân… đầy lông lá như những vị khách Tây.
Vẫn những đoàn khách đó, HDV lại kéo sang chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên ở mạn hồ Tây và không biết bao nhiêu ngôi đền, chùa khác ở Hà Nội. Tại Phủ Tây Hồ, nhiều người rất khó chịu khi có những đoàn khách Tây toàn là trai gái trẻ, mặc trang phục rất mát mẻ lại vừa đi vừa biểu lộ tình cảm rất hồn nhiên. Họ lúc thì nắm tay ôm ấp, lúc lại hôn nhau như thể cả thế giới chỉ có mỗi mình. Vẫn biết văn hóa phương Tây khác xa phương Đông. Là khách đến một lần rồi đi nhưng họ đã vô tình để lại nơi đó những hình ảnh rất xấu, không phù hợp hoàn cảnh và còn ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, linh thiêng của đền chùa.
Nếu HDV du lịch “có tâm” và thực sự vì nghề, việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được bởi lịch trình mỗi ngày như thế nào, đến đâu… HDV đều nắm rõ. Thời tiết Hà Nội nửa năm là nắng nóng. Mùa đông lạnh của nước ta với người phương Tây cũng “chẳng nhằm nhò gì” khiến họ mặc mát mẻ cho dễ di chuyển. HDV chỉ cần nhắc nhở trước hoặc chuẩn bị một vài tấm khăn, áo dự phòng. “Nhập gia tùy tục”, những người phương Tây văn minh và vốn tôn trọng văn hóa, bản sắc không có lí do gì mà phiền lòng hay từ chối nếu HDV - cũng chính là “chủ nhà” yêu cầu lịch sự, kín đáo khi đến những nơi thờ cúng.
Điều tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng lưu tâm, để ý. Có thể vì ngại, có thể vì họ coi đó không phải việc của mình. Cũng có thể lịch trình quá sít sao nên họ không muốn mất thời gian, chẳng muốn làm khó dễ để khách còn “bo” hậu hĩnh. Vì thế mà tình trạng khách nước ngoài đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng với những hình ảnh phản cảm vẫn tiếp diễn. “Họ chỉ làm vì lợi nhuận chứ đâu vì lương tâm, trách nhiệm của một HDV du lịch đích thực”, ông Nguyễn Hải Đường, thủ từ của đền Bạch Mã bức xúc.
Du lịch đến một nơi nào đó, khách không chỉ muốn khám phá cảnh quan mà còn muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Nhắc nhở khách ăn mặc nghiêm chỉnh, hành vi đứng đắn khi vào đền, chùa cũng là một phần làm cho khách hiểu về văn hóa của người Việt Nam. Họ sẽ tôn trọng văn hóa nước mình hơn khi bản thân những người Việt mà cụ thể là HDV - người cận kề họ nhất cũng tôn trọng văn hóa của đất nước mình. Chúng tôi chợt chạnh lòng khi biết ở Bhutan, HDV du lịch vừa hướng dẫn khách, vừa là người ngăn chặn các hành vi xâm hại thiên nhiên, văn hóa của Bhutan và còn kiêm luôn nhiệm vụ quan trọng là thu dọn rác nếu khách cố tình xả ra bừa bãi. Quy định nghiêm ngặt và trọng trách lớn lao cho HDV như vậy càng khiến du lịch phát triển. Bởi suy cho cùng, dù là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh hay khám phá miền đất mới thì cái đọng lại trong lòng du khách vẫn là ấn tượng gì để họ còn muốn quay trở lại lần thứ hai hay nhiều lần nữa. Nếu không thu được chút giá trị nào về văn hóa thì con số 70% khách tới Việt Nam trong đó có Hà Nội “một đi không trở lại” là điều rất dễ hiểu.
Tất nhiên, điều đó là phụ thuộc vào cả ngành công nghiệp du lịch nhưng trong đó HDV cũng đóng góp một phần không nhỏ.
(còn nữa)