Bài 166: “Văn hóa phong bì”, nói tục… làm hỏng văn hóa học đường
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 165: Bảo tàng Hà Nội triển khai đồng bộ quy tắc ứng xử
Đứng giữa sân trường, chúng ta không khó để nghe thấy những câu nói tục, chửi bậy của một số em học sinh - một hành vi ứng xử thiếu văn hóa của các cô cậu được coi là nam thanh, nữ tú. Nhiều bạn học sinh cho rằng chửi bậy, nói tục là một phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng, stress thậm chí còn cho đó là “cá tính” của mình. Thật đáng buồn, các bạn học sinh hiện nay đang cố gắng thể hiện cá tính của mình theo cách không đúng đắn.
Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện rất nhiều những phát ngôn gây sốc của các thần tượng là những ca sĩ, diễn viên khiến nhiều học sinh lầm tưởng đó là cách gây được sự chú ý, lập tức tung hê và áp dụng ngay vào trong trường học.
Khi cắp sách đến trường, chúng ta khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với bạn bè. Quay trở về thời học sinh của vài chục năm trước, những xích mích đó chỉ là những chuyện bình thường, tranh luận để tìm ra cái sai, hoặc nếu có bức xúc quá thì cũng chỉ giải quyết bằng một trận "so găng" ở mức độ nhẹ nhàng, sau đó là xin lỗi và chắc chắn không có sự hả hê của đám đông xung quanh. Hiện nay, những xích mích không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà nó vượt ra ngoài xã hội. Gần đây, dư luận bàng hoàng với các video lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội những vụ ẩu đả của học sinh nữ. Các em học sinh hiện đại có lẽ đang chấp nhận và sống cùng bạo lực học đường.
Cứ ngỡ cách ứng xử thiếu văn hóa của các học sinh chỉ dừng lại ở đó nhưng ngoài chửi thề, nói bậy, cãi vã thì còn có bạn cãi lại thầy cô. Thầy cô là người chúng ta phải mang ơn rất nhiều nhưng có lẽ một số bạn học sinh đã không nhận ra điều đó. Chỉ ở việc nhỏ nhặt nhất là cúi chào thầy cô thôi mà cũng thật khó khăn. Khi thầy cô quan tâm khuyên nhủ thì lòng “tự ái” đã lấn át tất cả mọi thứ. Những sai phạm nội quy trường lớp của một số học sinh nữ trong việc tô son đánh phấn và một số bạn nam để các kiểu tóc phản cảm... cũng không còn hiếm.
Xã hội càng phát triển thì môi trường học đường càng bị bủa vây bởi những mặt trái của nó. Giáo viên ép học sinh đi học thêm, giục giã học sinh nộp tiền hay thản nhiên cầm phong bì của phụ huynh... là những chuyện gần như được mặc nhiên thừa nhận trong môi trường học đường hiện nay. Vào những ngày lễ tết, thay vì mua tặng giáo viên một món quà nhỏ mang tính biểu trưng như trước đây thì nay hầu hết đều được quy ra... phong bì.
Nguyên trưởng đại diện ban phụ huynh của một trường tiểu học danh tiếng tại Hà Nội cho hay, làm ở vị trí này mới thấy “văn hóa phong bì” trong nhà trường phổ biến hơn bất kỳ nơi nào khác. Trước kia, giáo viên hầu như chỉ được chúc mừng, tặng quà nhân ngày lễ 20/11 thì nay, ngày lễ nào cũng phải có quà cho giáo viên. Điều đáng nói, món quà phổ biến nhất lại là phong bì, đến nỗi cứ mỗi lần đề xuất việc mua tặng giáo viên hoặc nhà trường một món quà ý nghĩa thì đa số phụ huynh khác phản đối vì... thiếu thực tế.
Sự xuống cấp đáng báo động về cách ứng xử của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay có lẽ bắt nguồn bởi giáo dục từ gia đình. Vì nhiều lí do khác nhau mà cha mẹ học sinh không thể quán xuyến, quan tâm được con em mình, không trang bị cho con em cách sống và kĩ năng sống. Có thể tổ ấm gia đình tan vỡ, cha mẹ không gương mẫu, nuôi dạy con cái không đúng cách là một trong những lí do cốt lõi đưa đẩy các bạn học sinh đến tình trạng phạm tội, sống ngoài vòng pháp luật và tạo thêm sức ép cho xã hội.
Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không nhỏ là các trò chơi game online, các trang mạng xã hội. Một số học sinh thường xuyên chơi game online dẫn đến việc “nghiện” game rồi trở thành “con nghiện” và quên cuộc sống thực của mình, sa đà vào cuộc sống ảo giác và thực hiện những hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật. Cách ứng xử thiếu văn hóa lại càng rõ hơn khi các học sinh thích thể hiện cá tính của mình, các em không kiểm soát được hành vi và rất dễ bị kích động. Tất cả những cách ứng xử trên không tốt đối với học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chị Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Các trường sư phạm phải chú ý đến việc nâng cao năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên tương lai, giúp họ sau khi ra trường trở thành những nhà giáo dục hơn là những người thầy dạy chữ. Giáo viên phải biết vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của các em. Giáo viên vừa là bạn, vừa là thầy và cố gắng để các em luôn gần gũi, cởi mở với mình; hãy cố gắng khơi dậy lòng tự trọng, sự tự tin và những ưu điểm trong mỗi học sinh. Đừng bao giờ cho rằng những học sinh hư là đồ bỏ đi và không thể dạy dỗ được...".
Chúng ta cần phải nhìn nhận và thay đổi lại bản thân, phân biệt được điều đúng, sai và học theo những việc làm tốt để làm gương cho thế hệ trẻ. Gia đình cần quan tâm con em mình nhiều hơn nữa. Trường học chú trọng nâng cao văn hóa ứng xử của học sinh, cần có nhiều bài học về đạo đức và cách ứng xử của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội.
(Còn nữa)