Bài 2: Chàng họa sĩ đắm đuối với những “Song xưa phố cũ”
Triển lãm "Khúc đồng dao" của họa sĩ Đỗ Minh Tâm |
Từ kiến trúc tới nét đẹp ngày thường và tâm hồn Hà Nội
Còn nhớ, cách đây 10 năm, khi tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lúc ấy họa sĩ Trần Hậu Yên Thế không hòa vào không khí nhộn nhịp rạo rực khắp nơi mà âm thầm, lặng lẽ rong ruổi khắp đường phố Thủ đô. Với chiếc máy ảnh cũ kỹ cùng cuốn sổ tay ghi chép, anh tỉ mẩn quan sát, chụp lại, nghiên cứu muôn vàn hình thái của hoa sắt - chính là những nét trang trí trên song cửa sắt của những ngôi nhà.
Lúc ấy, ngay cả người trong giới, sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật nơi anh giảng dạy cũng không hiểu. Người ta cho rằng đó là việc của ngành kiến trúc hay mỹ thuật công nghiệp, tức là loại hình mỹ thuật ứng dụng vào đời sống.
Mỗi người trong chúng ta từng sống trong một ngôi nhà có cửa chính, cửa sổ. Để chắc chắn, song sắt chính là phương tiện bảo vệ hữu hiệu nhất song đâu chỉ là những thanh sắt thẳng đuột vô tình gắn với nhau bằng những mối hàn đơn điệu.
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế với tác phẩm "Song xưa phố cũ" |
Người thợ rèn tài hoa cùng với thẩm mỹ của người thiết kế hay chủ công trình đã cho ra đời những phiên bản song sắt khác nhau. Bởi lẽ đó, hoa văn trang trí từ những song sắt ấy đã trở thành những vẻ đẹp biểu hiện cho tâm hồn, tính cách, gu thẩm mỹ của người sử dụng.
Có những người vô tình không bao giờ để ý cánh cửa ngôi nhà nơi mình ở, công sở nơi mình làm việc ra sao. Trong khi đó có những người coi đó là hình ảnh lặp đi lặp lại trong hành trình sống của mình. Chúng giới hạn không gian sống, không gian làm việc của con người ở đó và dẫn dắt họ đi ra thế giới bên ngoài, đưa họ trở về. Đến một lúc nào đó, khi phải rời công sở, rời ngôi nhà, một nét hoa văn ấy trở thành nỗi nhớ, thành biểu tượng đại diện cho một cái gì rất mơ hồ nhưng lại thực sự gắn bó và thân thiết như máu thịt.
Hoa sắt ở Nhà hát Lớn Hà Nội |
Cũng bởi lẽ ấy, hoa sắt trên song xưa phố cũ đã góp phần tạo nên những dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc lên bộ mặt thành phố. Vượt lên cả những điều đó, hoa văn trên song sắt cũng là văn hóa của thành phố này.
Trần Hậu Yên Thế từng tâm sự rằng anh lớn lên trong một khu tập thể ở xa trung tâm thành phố. Như bao ngôi tập thể cũ kĩ thời bao cấp thuở xưa, ở đó không có hoa sắt, chỉ có song sắt. Đi ra khỏi không gian giới hạn ấy, anh đã bị hút hồn vào một ô cửa sổ đẹp vào loại bậc nhất Đông Dương. Đó là hoa sắt ở ngôi nhà vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương - ngài Victor Tardieu.
Anh cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và thật ngạc nhiên về sự may mắn sót lại của rất nhiều ban công cửa sổ bằng sắt uốn rất đẹp ở phố Khâm Thiên sau khi chịu đựng những loạt bom hủy diệt ở mùa đông năm 1972.
Cuốn sách "Song xưa phố cũ" của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế |
“Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đã tạo nên nét đẹp ấy của hoa sắt Hà Nội. Nhưng không phải sự giao thoa nào cũng đẹp. Trong hình học, chỉ khi hai đường tròn có cùng đường kính giao nhau thì mới có một hình giao thoa cân đối. Tôi nhận thấy văn hóa Việt Nam trong lần đối thoại đầu tiên với văn hóa phương Tây đã có một vị thế ngang hàng”, Trần Hậu Yên Thế nói.
Từ ấn tượng ấy, rồi với công việc của một họa sĩ khi đi xa hơn, đến khá nhiều nơi, kể cả nước ngoài, tới đâu anh cũng dòm dòm ngó ngó để tìm hiểu về loại hình văn hóa này. Sau mỗi chuyến đi, anh lại nhận ra rằng, hoa văn trên sắt ít nhiều phụ thuộc vào văn hóa từng vùng.
Khơi dòng tiếp những giá trị lịch sử
Cuốn sách “Song xưa phố cũ” ra đời cuối năm 2013 và trong năm 2014 đã được trao giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
Còn bây giờ, ở năm 2020, khi thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 1010 năm, công trình kỳ khu tỉ mẩn suốt hơn 15 năm trời của Trần Hậu Yên Thế đã được tái bản đến 3 lần với số lượng hình vẽ 365 chiếm phần lớn số trang sách. Cùng với đó là những ghi chép bên lề gần như là “độc quyền” của tác giả cho thấy những câu chuyện phong phú và không nhiều người biết gắn với những hoa văn đặc biệt này.
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế được giải "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" |
Nhờ có cuốn sách, chúng ta mới biết cách làm hoa sắt thuở chưa có máy hàn được các người thợ kỹ lưỡng ghép sắt như ghép mộng gỗ rồi chốt lại bằng đinh rivê, sắt đa phần uốn nóng, sau cùng được mài giũa cẩn thận. Ông cha để lại cho chúng ta những kiệt tác như cổng Nhà khách Chính phủ, Phủ Chủ tịch, Ngân hàng Trung ương, cánh cửa 48 Tăng Bạt Hổ, 91 Đinh Tiên Hoàng, 50 Phù Đổng Thiên Vương, 70 Bà Triệu (căn nhà biệt thự này mới bị phá năm 2006).
Đặc biệt là cổng Đông Dương Học Xá ở 19 Lê Thánh Tông (xây từ năm 1923 đến 1925, nay là Đại học Quốc gia). Theo Giáo sư - Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Cát, có thể chữ I và U lồng vào nhau là Institute Universitaire (Đại học Tổng hợp) hoặc Université de Lindochine (Đại học Đông Dương).
Trần Hậu Yên Thế bảo, cái vui của anh là không chỉ được các tổ chức, cá nhân đón nhận, anh còn thấy được cả những ánh mắt lấp lánh của những thành viên trong những gia đình, những ngôi nhà mà anh đề cập đến trong cuốn sách. Họ được hiểu thêm về không gian sống của mình, yêu thêm ý nghĩa thẩm mỹ, giá trị của những vật thể hiện hữu hàng ngày trong đời sống mà nhiều khi vì bận rộn họ không để ý đến.
Còn các độc giả khác thấy rằng, mỗi khi đi qua những vòm cong nét uốn này sẽ chầm chậm lại để ngắm những di sản đặc biệt mang hồn cốt người Hà Nội một thời đã từng bị chìm lấp bởi ồn ã còi xe, bởi nhịp sống gấp gáp nay đã được Trần Hậu Yên Thế gọi tên, tô nhuận lại giá trị của chúng với văn hóa và đời sống đương đại.
Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” chắc chắn là một vinh dự và động lực tiếp tục sáng tạo cho bất cứ ai có đóng góp cho thành phố này. Tiếp theo “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền vua Đinh - Lê”, “Song xưa phố cũ”, Trần Hậu Yên Thế tiếp tục với niềm đam mê khơi dậy những giá trị của lịch sử.
Bên cạnh cuốn “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa”, những năm gần đây anh liên tục có sách viết về Hà Nội. Năm 2018 cùng với Trần Trung Hiếu anh xuất bản cuốn “Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc tử giám”. Năm 2019 anh là đồng tác giả với Nguyễn Đức Hòa (chủ biên), Nguyễn Đức Bình cho ra đời cuốn “Mỹ thuật Thăng Long”.
Ngay cả khi tham gia dự án “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” được triển khai từ đầu tháng 1/2020 với sự tham gia của 16 họa sĩ trong và ngoài nước, Trần Hậu Yên Thế vẫn thể hiện tình yêu với những hoa văn trang trí bằng sắt.
“Bức tường danh vọng” của anh sử dụng năm cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” hầu như đã biến mất trong quá trình phát triển đô thị, kết hợp bích họa hoa giấy gợi nhớ một Hà Nội yêu kiều và lãng mạn thuở xưa.
Với những nỗ lực như vậy, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế là một trong những người “gìn giữ cho muôn đời sau” những giá trị văn hóa của Hà Nội.
(Còn nữa)
Triển lãm "Khúc đồng dao" của họa sĩ Đỗ Minh Tâm |