Bài 2: Đẩy mạnh giám sát hành vi không văn minh
Người Hà Nội tích cực phòng chống dịch Covid-19
Bài liên quan
Bài 1: Loại bỏ đáng kể những thói quen xấu của người Hà Nội
Bác sĩ Raphael Kot khẳng định không tham gia tư vấn chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
Giới trẻ rộ trào lưu làm nước rửa tay chống dịch Covid-19
Covid-19 tiếp tục lan rộng 76 quốc gia, Hàn Quốc có 4335 ca mắc bệnh
Không còn là "chuyện của riêng ai"
Cứ thử tưởng tượng trên một chuyến xe bus hai, ba chục người cùng đứng ngồi, bỗng một ai đó cứ oang oang “mở loa” hết công suất, nói hết chuyện này đến chuyện khác... Nước bọt của người nói sẽ chẳng ngần ngại mà không lan ra không khí, “đậu” lại trên người những bạn đồng hành “bất đắc dĩ”.
Hay trong một cuộc họp, tại các không gian kín, một ai đó hắt xì, ngáp… thì những người xung quanh “lĩnh đủ”. Còn ở vỉa hè, hành lang, cầu thang... một chiếc khẩu trang, vài bãi nước bọt hoặc những cục bã kẹo cao su “lạc lối” sẽ khiến biết bao người lo ngại.
Giữ sạch mình chưa đủ, trong điều kiện bệnh dịch như thế này, người Hà Nội còn yêu cầu giám sát cả việc những người khác phải thực hiện nghiêm túc các phương pháp phòng, chống dịch.
Chị Thu (công tác tại một cơ quan ở quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trước kia, ai đó ngáp to không che miệng thì chỉ xấu mỗi người đó, chỉ một mình người đó gặp phải những ánh mắt khó hiểu, cái lắc đầu ngán ngẩm của người xung quanh. Bây giờ, ngáp mà không che miệng đương nhiên mang đến cả thảm họa nên mình bắt buộc phải lên tiếng”.
Chị cho biết, cơ quan có một cô gái trẻ tuổi, nhan sắc không đến nỗi nào nhưng rất vô duyên. Chị cũng đã có một vài ý kiến đóng góp cho em sửa đổi nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Mọi người đành thầm bảo nhau: “Giang sơn dễ đổi, tính khách khó dời, thôi kệ...".
Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19 |
Đến khi bệnh dịch diễn ra phức tạp, cô gái này vẫn hồn nhiên bô lô ba la, cười rú lên, nói rất to bắn nước bọt tung tóe xung quanh thì chị Thu buộc phải có thái độ gay gắt. “Em nói nhỏ thôi, che bớt miệng lại nhé”, chị nói trước mặt mọi người cho cô gái trẻ biết rằng ai cũng rất khó chịu vì hành động của cô.
Hay như việc cô gái vừa hắt xì hơi, đưa tay quệt mũi xong lại nhón luôn một miếng trong khay thức ăn chung của mọi người trong bếp ăn tập thể đã bị cả cơ quan phản đối kịch liệt. Một việc tối thiểu về vệ sinh ăn uống như không dùng đũa đã cho vào miệng mình để gắp thức ăn hay chấm chung vào bát nước mắm của cả mâm của cô cũng bị mọi người nói sa sả.
Dù biết thế là khá “vỗ mặt” nhưng chị Thu bảo không sỗ sàng như thế không xong bởi những hành động này vừa thiếu vệ sinh, không đẹp mắt lại vừa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây bệnh.
Trước đây mọi người vì cả nể, vì nghĩ thôi thì đó là do tính cách, do sự dạy dỗ bảo ban hay ý thức của mỗi cá nhân không cao. Lối ứng xử không văn minh, thiếu lịch sự đó chỉ là số ít và hơn ai hết chính bản thân người đó phải gánh chịu hậu quả khi bị mọi người thiếu thiện cảm, chê trách.
Khi cả Hà Nội gồng mình chống dịch, cả nước với toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay thì một ai đó ra khỏi guồng quay không chỉ đặt bản thân vào tính thế nguy hiểm mà còn ảnh hưởng tới tất thảy mọi người xung quanh. Bởi chỉ cần một người nhiễm virus Corona chủng mới thì tốc độ lây lan chóng mặt sẽ mang đến bao phiền toái cho cả xã hội.
Cũng tương tự như trường hợp cô gái trẻ ở cơ quan chị Thu, tại mỗi ngôi nhà, khu phố, người dân đều đặt mình trong tâm thế “cảnh giác cao”. Anh Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) kể, mới hôm qua khi anh ra ngõ hút thuốc lá rồi tiện tay vứt đầu mẩu ra đường đã bị người trong ngõ nói cho rát mặt.
“Đã bắt người khác hút thuốc lá thụ động, giảm sức đề kháng lại còn vứt đầu mẩu ra đường. Chú có biết đầu mẩu thuốc cũng có nguy cơ dính lại virus trên đó để phát tán ra cộng đồng không?". Nghe vậy, anh Minh vội vàng nhặt lên, mang vào nhà, bỏ thùng rác.
Không chỉ người ngoài, những người cùng gia đình lại càng phải “giám sát” nhau chặt chẽ, chị Nga (ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nhà có hai con nhỏ, ông bà nội ngoại thì rất quý cháu. Những ngày các con được nghỉ học, chị Nga yên tâm đi làm bởi ông bà hai bên “giành nhau” trông cháu.
“Đúng như khẩu hiệu “trao yêu thương đừng trao vi khuẩn”, mình yêu cầu ông bà phải rửa tay xà phòng sạch sẽ khi đi ra ngoài về, sau khi đi vệ sinh và đặc biệt là trước khi bế cháu. Bình thường có khi mình tặc lưỡi nhắm mắt bỏ qua nhưng giờ phải gay gắt. Ban đầu ông bà còn dỗi vì mình nói hạn chế không được thơm má, thơm tay các cháu nhưng khi nghe các phương tiện truyền thông tuyên truyền, ông bà nhận thức ra vấn đề nên răm rắp thực hiện”, chị Nga tâm sự.
Cơ hội nhìn lại mình
Bệnh dịch gay gắt, cấp thiết cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình. Có phải những thói quen xấu kia, hành vi ứng xử thiếu văn minh kia chỉ là việc riêng của mỗi cá nhân không?
Chắc chắn là không. Trong điều kiện xã hội bình thường, lối ứng xử vô trách nhiệm, thiếu đẹp mặt đó không thể chấp nhận được. Họ như con sâu làm rầu nồi canh, khiến xã hội phiền lòng, là tấm gương xấu cho những người khác ỉ thế làm theo.
Trong tình hình dịch bệnh như thế này, chuyện của mỗi cá nhân lại chính là chuyện rất phức tạp với tập thể. Bởi vì cả tập thể làm tốt nhưng chỉ cần một người không ý thức cao, không tự bảo vệ mình và cộng đồng, để “lọt lưới” một trường hợp mắc bệnh là nỗ lực dập dịch của bao con người trở nên mong manh.
Tai hại hơn nữa, thói vô trách nhiệm ấy sẽ tạo nên những con người trốn khỏi khu cách ly hay khai báo y tế gian dối, không đầy đủ sẽ làm công tác phòng chống dịch của cả nước căng thẳng hơn.
Mỗi người hãy biết cách tự bảo vệ mình để cùng bảo vệ cộng đồng trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp |
Rất may, chưa có trường hợp người Hà Nội nào mắc lỗi nghiêm trọng như vậy song càng như thế chúng ta càng phải cảnh giác cao để công sức của bao người tạo các vòng vây ngăn chặn virus Corona có hiệu quả cao nhất. Có như thế chính chúng ta và những người xung quanh mới được đảm bảo an toàn qua mùa dịch chưa từng có này.
Sau những lần phản ứng gay gắt với cô gái cùng cơ quan, chị Thu bảo rõ ràng có chuyển biến rõ rệt. Cô gái không còn xấu hổ, tự ái nữa mà thấy rằng đó là sự cần thiết để mình thay đổi.
Cô gặp riêng từng người nói lời tâm tình rằng trước kia cô cứ nghĩ mình hồn nhiên không ảnh hưởng đến ai nhưng khi dịch bệnh xảy ra cô mới biết mình vừa sai vừa thiển cận. “Cô ấy được mọi người yêu quý hơn và chắc chắn sẽ đẹp hơn trong mắt các chàng trai, trở thành con dâu tốt và một người mẹ gương mẫu để các con mình sống đẹp hơn”, chị Thu cho biết.
Trong lúc bệnh dịch xảy ra như thế này, sự giám sát, lên án những hành vi thiếu văn minh, ảnh hưởng đến cộng đồng là hết sức cần thiết. Nó cho thấy cả những người bấy lâu nay thờ ơ với mọi thói hư tật xấu xung quanh cũng cần xem lại mình.
Bởi thờ ơ cũng là sự đồng lõa, tiếp tay, chấp nhận cho những lối sống, lối nghĩ, lối ứng xử thiếu văn minh còn “đất” tồn tại. Trong điều kiện bình thường lối ứng xử ấy đã khiến dư luận mất niềm tin vào một vài việc nổi cộm thì trong “cuộc chiến” chống giặc virus lần này nó càng bộc lộ là tác nhân xấu đe dọa đến cuộc sống, tính mạng của người khác.
Một sự vật, hiện tượng nào đó không thể chuyển biến tốt khi bản thân nó không tự nhận ra vấn đề và không được xã hội thúc đẩy. Bản thân mỗi người Hà Nội ngày nay sẽ trở nên văn minh, thanh lịch hơn, biết vì mình và vì cộng đồng hơn khi thấy quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong đó và được lên án, giám sát, phản biện kịp thời. Mong rằng, hai điều kiện cần và đủ này tiếp tục được người Hà Nội duy trì, phát triển trong suốt những năm tháng sau này.
(Còn nữa)