Bài 2: Thói quen dễ dãi của người tiêu dùng đã "nuôi dưỡng" thực phẩm bẩn
Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm
Bài liên quan
Tạo thói quen không sử dụng tiền mặt cho người Việt
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không chỉ là việc của các cấp chính quyền
Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường
Hà Nội: Gần 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích phân phối thực phẩm đảm bảo ATTP
Quản lý an toàn thực phẩm phải có sự đóng góp của người dân
Nhức nhối lò mổ tự phát trong khu dân cư
2 giờ sáng, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ đã thức giấc. Cả khu dân cư nhộn nhịp, tấp nập bởi tiếng người nói, tiếng lợn kêu, tiếng dao chặt, tiếng xe vận chuyển từ hàng chục hộ gia đình làm nghề mổ lợn ngay tại nhà.
Mỗi đêm ở đây giết mổ hàng trăm con lợn trong điều kiện không đảm bảo. Cách khu dân cư chừng 200 mét là chợ Gốm, nơi thu gom lợn mổ bán cho thương lái mua lẻ về các chợ dân sinh. Chợ họp từ 3 dến 6h sáng mỗi ngày với hàng trăm phản thịt được bày bán. Điều đáng nói, thịt lợn, đầu lợn thậm chí còn đặt ngay dưới đất, người dân chân đất dẫm lên phản thịt vô cùng mất vệ sinh. Dù được vận chuyển xa hay gần, lợn đều được chất lên xe máy, không hề được bọc hay che đậy, bất chấp quy định của thành phố là phải vận chuyển thịt lợn trong thùng kín.
Tình trạng này cũng diễn ra tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Nơi đây, hiện còn 2 cơ sở giết mổ bò, mỗi đêm tiêu thụ hàng chục con, khiến môi trường xung quanh lò mổ đang ngày một ô nhiễm nhưng dường như, người dân nơi đây đã quen với nó như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội không đảm bảo vệ sinh, ATTP gây nhiều bất an trong nhân dân và là mảnh tối của bức tranh ATTP của thành phố Hà Nội.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 749 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; có tới 718 cơ sở giết mổ thủ công. Trong số này chỉ có 98 cơ sở giết mổ được chính quyền địa phương cho phép, tức là có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP.
Trên địa bàn TP Hà Nội có tới có tới 718 cơ sở giết mổ thủ công |
Theo Quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn 18 huyện, thị xã của thành phố sẽ có 57 điểm quy hoạch về giết mổ, bao gồm 11 điểm giết mổ công nghiệp và 46 điểm giết mổ tập trung. Tuy nhiên, sau 6 năm, mới có 7/11 điểm giết mổ công nghiệp và 10/46 điểm giết mổ thủ công tập trung được triển khai thực hiện theo quy hoạch, còn lại là những bãi đất trống.
Điển hình phải kể đến khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung có quy mô hơn 4 ha với tổng mức tiền 112 tỷ đồng tại xã xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, 7 năm nay vẫn là bãi đất trống. Khu vực này hiện còn là nơi tập kết chất thải từ các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong làng …
Hay khu giết mổ tập trung Tri Thuỷ - Quang Lãng, huyện Phú Xuyên được quy hoạch, với mục tiêu tập trung toàn bộ làng nghề giết mổ bò Quang Lãng từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn là cánh đồng hoang. Hai bên vệ đường giáp khu quy hoạch, chất thải từ làng mổ bò được đổ ra đây, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lý giải nguyên nhân sự chậm trễ này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, chính quyền một số địa phương chưa chú trọng đến triển khai quy hoạch giết mổ công nghiệp, không bố trí được quỹ đất để xây dựng. Một số vị trí có đủ điều kiện thì lại nằm trong quy hoạch khác.
Ngoài ra, mặc dù được thành phố hỗ trợ nhưng chi phí khi giết mổ tập trung sẽ cao hơn nên các hộ làm nghề giết mổ còn chưa mặn mà. Trong khi đó, người dân lại quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống tại các chợ, chưa quen sử dụng sản phẩm cấp đông.
Từ phía địa phương, lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, dù các cơ sở đã hoàn thành nhưng vẫn còn thiếu nhiều hạng mục, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, hàng rào, đường giao thông vào khu giết mổ. Huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các hạng mục trong khu hàng rào. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn sơ sài, nên mặc dù đã có một số doanh nghiệp quan tâm, song chưa quyết định đầu tư.
Thích là ăn!
Thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, thích là ăn, không cần biết có an toàn hay không. Đây cũng là một trở ngại lớn trong công tác đảm bảo ATTP ở Thủ đô.
Khảo sát tại phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), nơi tập trung trọng điểm các dịch vụ nhỏ lẻ về du lịch, đông dân cư, nơi tập trung các tuyến phố như Gia Ngư, Cầu Gỗ, Đinh Liệt… từ lâu nổi tiếng với những món ngon ẩm thực. Mỗi ngày, các cửa hàng kinh doanh ăn uống nơi đây luôn thu hút một lượng lớn người dân và du khách tới thưởng thức, bất chấp những dấu hỏi về ATTP.
Gánh bún ốc trên đường Phan Ngọc Quyến luôn đông đúc khách |
Theo chính quyền địa phương, việc kiểm soát ATTP không dễ. UBND Phường đã thường xuyên quan tâm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm. Từ đầu năm đến nay kiểm tra 34/87 cơ sở, xử phạt với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống, hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống.
Mặc dù vậy,vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vệ sinh ATTP. Và chừng nào, người dân du khách còn tìm đến đây như tìm đến các điểm kinh doanh thức ăn đường phố như tìm đến những tuyến phố ẩm thực phải thưởng thức, thì việc kiểm soát ATTP còn gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp đưa ra trước mắt được chính quyền địa phương đưa ra là tiếp tục ký cam kết về vệ sinh ATTP nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm các hộ kinh doanh; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận ATTT; kiểm tra xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
Quận Đống Đa thì “nổi tiếng” bởi chợ cóc. Trên địa bàn quận xuất hiện nhiều điểm họp chợ rải rác trong các khu dân cư, tập thể cũ; cùng 4 chợ cóc tại phố Cầu Mới, Vũ Thạnh, Phan Phù Tiên, ngõ 18 Hàng Bột. Các chợ này có quy mô lớn, giá thành rẻ, rau quả không rõ nguồn gốc xuất xứ và được các tiểu thương vận chuyển về đây, từ đó chia nhỏ ra các chợ cóc nhỏ lẻ trong các tuyến phố, ngõ nhỏ khiến việc kiểm soát ATTP gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”, rau củ, thực phẩm vận chuyển về những chợ đầu mối, chợ cóc không rõ nguồn gốc, chất lượng, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Vũ Nguyên Phong mới đây đã đề nghị, thành phố yêu cầu các sở, ngành tăng cường kiểm tra, nhất là nơi sản xuất chăn nuôi trồng trọt bởi theo ông, đây mới là gốc của vấn đề ATTP.
Tập trung đông sinh viên, người dân từ các tỉnh về sinh sống, học tập, công tác, trên địa bàn quận Cầu Giấy mặc dù không có cơ sở sản xuất thực phẩm lớn nhưng do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên số lượng các cơ sở dịch vụ ăn uống ngày càng gia tăng. Việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận rất phức tạp.
Riêng địa bàn phường Nghĩa Tân hiện có 40 hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Hiện trước mắt, phường Nghĩa Tân đang triển khai thí điểm phố Tô Hiệu là tuyến phố điểm về đảm bảo ATTP nhằm thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm của người dân. Sau khi thành công sẽ từng bước triển khai rộng rãi ra toàn địa bàn...
(Còn nữa)