Bài 2: Vốn và tài chính – Rào cản lớn nhất của các start-up
Start-up trẻ bứt phá cùng công nghệ |
Khó khăn trong huy động vốn, quản lý dòng tiền
Theo tìm hiểu, hơn 50% start-up Việt Nam thất bại trong vòng 3 năm đầu tiên và nguyên nhân hàng đầu đến từ vấn đề tài chính. Cụ thể, nhiều startup gặp khó khăn trong việc gọi vốn, quản lý dòng tiền, kiểm soát chi phí và duy trì hoạt động trước khi đạt được lợi nhuận.
Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng: "Start-up cần vốn tăng trưởng để thúc đẩy phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo nhưng gặp rào cản. Thị trường vốn có thể giúp start-up phát triển nhưng điều kiện IPO tại Việt Nam còn hạn chế. Các nước phát triển đã nới lỏng điều kiện niêm yết để hỗ trợ start-up vươn mình trở thành kỳ lân công nghệ.
Huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ (doanh nghiệp start-up) như thế nào luôn là câu chuyện đau đầu nhất cho các nhà khởi nghiệp. Đã gọi là khởi nghiệp, có nghĩa là bắt đầu một sự nghiệp. Nếu chỉ là “mua đầu chợ, bán cuối chợ” một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hữu hình nào đó, thì có lẽ bỏ tiền ra hay đi vay để làm có thể không khó nếu chứng minh được hiệu quả của nó thế nhưng chữ khởi nghiệp mà ta nói ở đây lại gắn với sáng tạo công nghệ, nghĩa là công nghệ rất mới, chưa có tiền lệ, có thể thắng và cũng có thể thua. Với loại hình khởi nghiệp này, không dễ huy động vốn".
![]() |
Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển kinh tế số (IDS) chia sẻ |
Các nhà nghiên cứu cho hay, hầu hết startup trẻ tại Việt Nam huy động vốn từ ba nguồn chính: Thứ nhất là vốn tự có, đây là khoản đầu tư đầu tiên của các nhà sáng lập. Tuy nhiên, đa số các bạn trẻ khi khởi nghiệp không có nhiều tích lũy tài chính, khiến nguồn vốn ban đầu rất hạn chế. Thứ hai là nguồn hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Một số start-up kêu gọi vốn từ người thân để duy trì hoạt động nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài, vì số tiền huy động thường không đủ lớn để phát triển. Thứ ba là gọi vốn từ quỹ đầu tư và nhà đầu tư thiên thần. Đây là cách thức quan trọng giúp startup có được nguồn tài chính bền vững. Tuy nhiên, không phải startup nào cũng có thể thuyết phục được nhà đầu tư, nhất là khi chưa có doanh thu ổn định.
Shark Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch Tập đoàn NextTech) nhận định: Các bạn trẻ khởi nghiệp cần hiểu rằng nhà đầu tư không phải là người làm từ thiện. Nếu bạn có một ý tưởng tốt nhưng không chứng minh được khả năng sinh lời, bạn sẽ rất khó kêu gọi vốn. Ngược lại, nếu start-up biết cách tối ưu tài chính, vận hành hiệu quả với nguồn vốn hạn chế, thì đó chính là yếu tố thuyết phục các quỹ đầu tư.
Trên thực tế, nhiều start-up “chết yểu” không phải vì thiếu ý tưởng mà vì không quản lý được dòng tiền. Việc chi tiêu quá nhiều khi chưa có nguồn thu ổn định khiến nhiều doanh nghiệp trẻ cạn vốn chỉ sau vài tháng hoạt động. Anh Trần Minh Duy - Nhà sáng lập một start-up EdTech chia sẻ: “Khi mới khởi nghiệp, tôi nghĩ rằng nếu có một sản phẩm tốt thì sẽ dễ dàng gọi vốn nhưng thực tế là nhà đầu tư không chỉ nhìn vào sản phẩm, họ còn quan tâm đến cách chúng tôi kiếm tiền và duy trì hoạt động. Tôi đã mắc sai lầm khi chi tiêu quá nhanh mà không kiểm soát được dòng tiền, khiến startup gần như phá sản”.
Theo phân tích, nguyên nhân khiến vốn trở thành rào cản lớn nhất do các start-up thiếu kinh nghiệm quản lý tài chính. Nhiều start-up trẻ chưa có kỹ năng tài chính bài bản. Họ chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm mà quên mất rằng quản lý chi phí và dòng tiền mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.
![]() |
Các bạn trẻ hiện nay chú trọng đến khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường |
Cần kế hoạch rõ ràng, chiến lược tài chính tốt
TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế nhận định: Khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là có ý tưởng hay sản phẩm tốt, mà quan trọng là cách doanh nghiệp quản lý dòng tiền và tìm kiếm nguồn vốn. Nhiều start-up trẻ tại Việt Nam có xu hướng lạc quan quá mức, không tính toán kỹ về tài chính, dẫn đến tình trạng “đốt tiền” quá nhanh và cạn kiệt vốn trước khi có doanh thu ổn định.
Không chỉ đối mặt với bài toán tài chính, start-up trẻ còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn có nguồn vốn mạnh. Trong khi doanh nghiệp lớn có thể chấp nhận lỗ trong nhiều năm để chiếm lĩnh thị trường, thì start-up không có đủ nguồn lực để trụ vững nếu không kiểm soát tốt dòng tiền.
Một số start-up F&B (ẩm thực, đồ uống) đã thất bại khi phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Nguyễn Thu Hằng - Founder một start-up thời trang chia sẻ: “Khi khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, tôi phải tự làm rất nhiều thứ, từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng. Vì không có kinh nghiệm tài chính, tôi từng nhập hàng quá nhiều mà không tính toán được tốc độ tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho lớn và thiếu vốn để tiếp tục vận hành”.
Đưa ra một số giải pháp giúp start-up vượt qua rào cản tài chính, nhiều doanh nhân thành đạt cho rằng, phải quản lý tài chính thông minh từ đầu; cần có kế hoạch ngân sách, dự báo dòng tiền và chiến lược sử dụng vốn hợp lý; không nên chi tiêu quá mức vào quảng cáo, văn phòng hoặc nhân sự khi chưa có doanh thu ổn định. Start-up cần tìm cách tạo doanh thu sớm thay vì chỉ dựa vào vốn đầu tư.
![]() |
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ |
Người khởi nghiệp cần tận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau bằng cách huy động vốn cộng đồng như các nền tảng gọi vốn cộng đồng như: Kickstarter, GoFundMe giúp nhiều start-up gọi vốn thành công; tham gia vườn ươm khởi nghiệp - những chương trình như SVF (Start-up Vietnam Foundation) có thể giúp start-up nhận được hỗ trợ tài chính và cố vấn từ chuyên gia; tận dụng quỹ hỗ trợ từ Chính phủ như: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Đề án 844 hỗ trợ start-up đổi mới sáng tạo.
Các start-up cần xây dựng chiến lược gọi vốn chuyên nghiệp, từ chuẩn bị hồ sơ tài chính chặt chẽ, bởi nhà đầu tư cần một bản kế hoạch kinh doanh rõ ràng và số liệu tài chính minh bạch; đến tận dụng mạng lưới quan hệ, bằng cách tham gia các sự kiện khởi nghiệp, kết nối với nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội gọi vốn…
Thực tế cho thấy, dù vốn và tài chính là rào cản lớn nhất đối với startup trẻ nhưng đây không phải là bài toán không có lời giải. Nếu start-up có chiến lược tài chính tốt, tận dụng các nguồn vốn hiệu quả và quản lý dòng tiền thông minh, thì hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lan tỏa tri thức, thắp sáng khát vọng từ những trang sách

Gen Z Việt chinh phục bài toán định vị thương hiệu F&B Châu Á

“Hòa bình đẹp lắm” phủ đỏ mạng xã hội

Gen Z Hà thành lên kế hoạch “chill” cho kỳ nghỉ lễ

Tuyển 60 đại biểu tham gia Hội trại Thanh niên Việt Nam

Gần 2.000 thí sinh tranh tài Vô địch tin học văn phòng thế giới

Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổng kết Tháng Thanh niên 2025

Bạn trẻ thay avatar mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam

Những con số ấn tượng trong Tháng Thanh niên 2025
