Start-up trẻ bứt phá cùng công nghệ
Start-up công nghệ bảo hiểm phát hành hơn 5 triệu hợp đồng tại thị trường Việt Nam Start-up công nghệ y tế Indonesia đặt tham vọng mở rộng ở Đông Nam Á |
Bài 1: Cơ hội, thách thức và hướng đi bền vững
Khởi nghiệp trong thời đại số mang đến những cơ hội chưa từng có. Chỉ với một ý tưởng sáng tạo, một cá nhân hoặc nhóm nhỏ có thể xây dựng sản phẩm, tiếp cận khách hàng toàn cầu và mở rộng quy mô nhanh chóng nhờ nền tảng số. Tuy nhiên, cùng với những cánh cửa mở ra là vô vàn thách thức đòi hỏi sự linh hoạt, chiến lược bài bản và khả năng thích nghi cao.
Công nghệ mở đường nhưng không phải lối đi dễ dàng
Trước đây, việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng, nhân sự và kênh phân phối. Ngày nay, nhờ công nghệ, một startup có thể vận hành với chi phí tối ưu hơn nhiều. Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, y tế, nông nghiệp… mang đến cơ hội để các start-up tận dụng công nghệ, tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Chẳng hạn, một startup thương mại điện tử không cần thuê mặt bằng mà có thể bán hàng qua Shopee, Lazada, TikTok Shop. Một doanh nghiệp phần mềm có thể tận dụng điện toán đám mây thay vì đầu tư máy chủ đắt đỏ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ không đơn giản là chạy theo xu hướng. Nếu không có chiến lược rõ ràng và mang lại giá trị thực tiễn, start-up dễ rơi vào vòng xoáy “bùng nổ - suy thoái”.
![]() |
Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chia sẻ về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp công nghệ tại Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” năm 2025 |
Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh: “Các cấp bộ Đoàn cần tổ chức chương trình thực tập tại doanh nghiệp công nghệ, hỗ trợ start-up trẻ tiếp cận thực tiễn sản xuất, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Ngoài ra, các tổ chức thanh niên đang thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên; hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong học tập, nghiên cứu. Khối lượng ý tưởng trong giới trẻ là rất lớn, nếu khai thác hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho những thành công lớn hơn. “Khoa học và công nghệ là chìa khóa mở ra tương lai thịnh vượng cho đất nước”, anh Bùi Quang Huy khẳng định.
Nhờ internet và nền tảng số, một sản phẩm có thể tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không cần hệ thống phân phối truyền thống. Hiện tượng như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông hay Elsa Speak, start-up giáo dục ứng dụng AI, là minh chứng rõ ràng cho việc công nghệ có thể giúp start-up Việt vươn tầm quốc tế. Dẫu vậy, đi cùng với cơ hội là sự cạnh tranh gay gắt. Chỉ những sản phẩm có giá trị thực sự, chiến lược bài bản mới có thể tồn tại và phát triển.
![]() |
Chương trình tọa đàm "Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số" |
Cạnh tranh khốc liệt - bài toán sống còn
Chuyển đổi số không chỉ mở ra cơ hội mà còn đặt start-up vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nếu không thích ứng kịp, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Ví dụ, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có những “ông lớn” như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, khiến các startup mới khó có cơ hội cạnh tranh nếu không có điểm khác biệt rõ ràng.
Dù có nhiều quỹ đầu tư nhưng thực tế, phần lớn start-up vẫn thất bại do không kiểm soát tốt dòng tiền. Việc mở rộng quy mô quá nhanh khi chưa tạo ra lợi nhuận là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều start-up sụp đổ.
![]() |
Hiện nay, nhiều đơn vị, trường học cũng chú trọng đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ thu hút đông người trẻ tham gia |
Theo nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất của start-up là tuyển dụng và giữ chân nhân tài trong môi trường công nghệ số. Các doanh nghiệp trẻ cần chiến lược phát triển nhân sự dài hạn thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng ngắn hạn.
Họ khuyến nghị, để khởi nghiệp thành công trong thời đại số, start-up cần tận dụng công nghệ một cách thông minh, không chỉ áp dụng mà phải biết khai thác để tạo giá trị thực sự; xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, không quá phụ thuộc vào gọi vốn mà cần tạo ra lợi nhuận sớm; tập trung vào thị trường ngách, không cạnh tranh trực diện với các “ông lớn” mà tìm ra lợi thế riêng; linh hoạt và sẵn sàng thay đổi, theo sát xu hướng, điều chỉnh mô hình kinh doanh kịp thời.
Khởi nghiệp trong thời đại số là con dao hai lưỡi, bởi công nghệ mang lại cơ hội nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh khốc liệt. Chỉ những start-up thực sự hiểu rõ giá trị cốt lõi của mình mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Bài học từ quốc tế và tầm nhìn tương lai
Tại tọa đàm "Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số", ông Il-Dong Kwon, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Boston Consulting Group Việt Nam đã chia sẻ bài học từ Trung Quốc và Singapore. Ví dụ, Trung Quốc có chính sách “rùa biển”, thu hút nhân tài từ nước ngoài trở về, góp phần thúc đẩy sự phát triển của AI và dữ liệu lớn. Singapore là điểm đến hàng đầu cho nhân tài công nghệ nhờ cơ chế cấp phép lao động linh hoạt và thuế thu nhập hấp dẫn.
![]() |
Ông Il-Dong Kwon, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Boston Consulting Group Việt Nam |
Các quốc gia dẫn đầu về công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Singapore đều sở hữu thị trường vốn phát triển, cho phép start-up huy động vốn công chúng qua IPO, từ đó tạo ra nhiều “kỳ lân”, công ty có định giá hơn 1 tỷ USD.
Ông Yayren Teo, Giám đốc Điều hành Mạng lưới khởi nghiệp Singapore (GEN Singapore) nhận định: Ngoài công nghệ và tiềm lực tài chính, start-up cần chuẩn bị kỹ về quản trị nhân sự, học hỏi từ thực tế và áp dụng mô hình quản lý linh hoạt.
Tại Việt Nam, dù hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, số lượng “kỳ lân” vẫn còn hạn chế do các rào cản về cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là khơi thông dòng vốn. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 4 start-up công nghệ đạt mức định giá trên 1 tỷ USD, bao gồm VNG, MoMo, VNPay và Sky Mavis, xếp thứ 3 Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lần đầu tiên xếp thứ 56 trên bảng xếp hạng Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP: Đổi mới sáng tạo mở đang trở thành tư tưởng cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Việc hợp tác không chỉ giúp tận dụng nguồn lực bên ngoài mà còn tạo ra giá trị bền vững.
Những tháng đầu năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm xây dựng nghị định của Chính phủ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, hướng đến việc tạo khung pháp lý toàn diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh: “Cần thiết phải có khuôn khổ pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, trong đó phân biệt rõ giữa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững”.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/12/2024) đã khẳng định: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản và giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững. |
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiệt huyết góp sức trẻ xây dựng quê hương

Nơi thanh xuân ở lại…

Nâng “chất” hoạt động Đoàn trong trường học

Gen Z “đối thoại” với diễn giả Hoàng Nam Tiến về bản sắc cá nhân

Lan tỏa vẻ đẹp “màu áo xanh” qua lăng kính nhiếp ảnh

Bài 5: Chuyên gia hiến kế để start-up vững bước

Dàn nữ sinh tài sắc “đổ bộ” thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam

Bài 4: Gen Z biến công nghệ thành giải pháp

200 tác phẩm triển lãm thể hiện tình cảm thiếu nhi với Đà Nẵng
