Bài 3: Cần bịt ngay những “lỗ hổng văn hóa ứng xử”
Ngày hội gia đình tôn vinh truyền thống văn hóa ứng xử |
Không nên coi nhẹ, buông lỏng giám sát
Đó là ý kiến của chị Yên Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) về việc duy trì, phát huy và gìn giữ văn hóa của người Hà Nội. “Cái gì cũng vậy, phải được lặp đi lặp lại, nhắc nhở nhiều lần, thực hành liên tục thì mới thành nếp. Văn hóa là thứ vô hình nhưng hữu ích, nếu chỉ xao lãng đi thì rất dễ bùng phát lung tung những thói quen, hành vi xấu không thể kiểm soát được”, chị Yên Hoa nói.
Cùng quan điểm với chị Yên Hoa, ông Nguyễn Văn Linh (một cán bộ hưu trí ở Thanh Xuân, Hà Nội) còn bày tỏ thêm: “Phải nói rằng, trong thời gian qua chúng ta đã làm được một cuộc cải cách rất lớn về văn hóa ứng xử nói riêng và thiết lập được giá trị văn hóa Hà Nội nói chung trong thời kì mới. Chỉ ít năm trước đây thôi, thi thoảng lại rộ lên những câu chuyện khiến dư luận phiền lòng về chèo kéo, hét giá, bắt chẹt khách du lịch ngoại tỉnh, đặc biệt là khách Tây.
Hãy ứng xử ra sao để sự thân thiện, mến khách vẫn là nét văn hóa đặc trưng thu hút khách du lịch đến với Hà Nội sau khi dịch bệnh được kiếm soát tốt |
Những người bạn đến từ phương xa để tìm hiểu, khám phá, hòa nhịp vào văn hóa của chúng ta, làm giàu thêm cho ngành “công nghiệp không khói” của chúng ta, thế mà nỡ lòng nào ta để họ phải thất vọng ra về? Điều đó khiến chúng tôi hết sức buồn và cảm thấy có trách nhiệm khi là thế hệ đi trước mà không dạy dỗ nghiêm lớp con cháu ngày nay.
Gần đây, cùng với những quyết định của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, văn hóa Hà Nội đã được cải thiện rất nhiều. Một thời gian chúng ta đã không thấy những hiện tượng kia xảy ra. Giao thông Hà Nội không còn là ám ảnh với người nước ngoài. Tệ nạn mồi chài, chèo kéo khách gánh quang, chụp ảnh rồi vòi tiền, bán hàng với giá cắt cổ đã yên ắng hẳn đi. Chúng tôi thấy thở phào nhẹ nhõm, thấy rất tự hào và cả xúc động bởi Hà Nội thực sự đã làm được điều muốn làm.
Vậy mà bây giờ lại để xảy ra việc đáng xấu hổ này. Tuy rằng chỉ là hành động bột phát của các cháu mới lớn, thiếu suy nghĩ song cũng rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Cần phải giám sát chặt chẽ hơn, tuyên truyền tích cực hơn nữa để không bao giờ có những chuyện tương tự xảy ra”.
Dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có đang lơi lỏng kiểm tra, giám sát và thực hành các lối ứng xử văn minh, thân thiện? Câu trả lời là, đối với một thành phố lớn như Hà Nội, một vài hành vi lệch chuẩn chắc chắn không tránh khỏi. Để xảy ra sự việc nổi cộm, khiến cộng đồng phiền lòng kia là sự cố đáng tiếc.
Bởi lẽ, do có yếu tố người nước ngoài ở đây nên sự việc không chỉ đơn thuần ở “trong làng ngoài ngõ” nữa mà là một phần của văn hóa của Hà Nội, thậm chí nói rộng hơn ra là một phần văn hóa của cả đất nước. Dù vậy, không phải chỉ “phương diện quốc gia” chúng ta mới cần xử lí nghiêm, mà dù xảy ra với nội bộ ta cũng vẫn phải triệt để xử lí.
Bao giờ cũng vậy, “cái sảy nảy cái ung”, một vài hành vi lệch chuẩn sẽ tạo đà cho hàng loạt những vi phạm nối tiếp nhau nếu không bị răn đe, nghiêm trị. Cách tốt nhất là khoanh vùng, phân loại và xử lí tập trung vào các đối tượng để làm gương cho những hành động tương tự không tái diễn. Trên thực tế, từ sau khi những thanh niên “choai choai” kia bị triệu tập, khu vực hồ Tây lại “lặng sóng”, trả lại vẻ đẹp thanh bình, diễm lệ như trước.
Càng phải nâng cao ý thức
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà nhà, người người đều phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch vững vàng, cảnh giác, khẩn trương và tích cực. Đối với người Hà Nội, chúng ta còn có thêm một nhiệm vụ nữa, ấy là vẫn phải duy trì và phát triển văn hóa.
Vẫn biết, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân đều phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều. Song, càng khó khăn thử thách thì người Hà Nội lại càng thể hiện được khả năng, bản lĩnh của mình. Chúng ta có nền tảng vững chắc của cả ngàn năm văn hiến, kinh qua bao nhiêu chiến tranh loạn lạc. Gần đây nhất chúng ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ, đau thương, mất mát, hi sinh nhưng phẩm giá người Hà Nội vẫn sáng lên như vàng thử lửa.
Bởi vậy, chẳng có khó khăn nào khiến chúng ta có thể chùn bước. “Điều quan trọng nhất bây giờ là mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức”, chị Thu Trâm, một cán bộ văn hóa (Hoàng Mai, Hà Nội) nhấn mạnh. Ý thức đây là tự ý thức với bản thân, không được tự thỏa hiệp, kiên quyết không tặc lưỡi, lơi lỏng để xảy ra bất kì một hành vi thiếu văn hóa nào.
Tiếp đó, mỗi chúng ta cần ý thức làm gương và có trách nhiệm lan tỏa những hành vi tốt đẹp, ý thức giữ gìn, thực hiện các hành vi văn minh, thân thiện ra với cộng đồng xung quanh. Có như thế, cái tốt đẹp mới lan tỏa rộng, phủ bóng, lấn át dần cái xấu để tạo nên môi trường văn minh, thanh lịch cho chính chúng ta, cho con cháu chúng ta. Sống trong cộng đồng ấy, ai nỡ làm việc gì xấu tự bản thân sẽ cảm thấy xấu hổ và cần sửa chữa, thay đổi.
Một điều không thể thiếu, đó chính là ý thức giám sát những hành vi thiếu văn minh. Một cộng đồng văn minh, một xã hội văn minh không thể tồn tại những cá nhân chỉ biết bản thân mà không có trách nhiệm với lối sống, lối cư xử của những người xung quanh. Giám sát, phản biện, thậm chí tố cáo, lên án gay gắt những hành vi thiếu văn minh để cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lí dứt điểm những tồn đọng sẽ càng làm thành phố hoàn thiện hơn, văn hóa Hà Nội được tạo dựng vững chắc hơn.
Vụ thanh niên sàm sỡ khách Tây vừa qua cho thấy sức mạnh của cộng đồng, sự vào cuộc của chính quyền hết sức mau lẹ, giải quyết được ngay vấn đề. Song, nếu ý thức của mỗi người dân cao hơn nữa, kịp thời phát hiện, tố giác nhanh hơn nữa thì sẽ không xảy ra cả vệt như vậy. Đây là một bài học để chúng ra rút kinh nghiệm về sau, bịt ngay những “lỗ hổng” về văn hóa ứng xử trước khi nó kịp loang ra thành vệt rộng hơn.
Có như thế văn hóa Hà Nội mới tiếp tục trở thành niềm tự hào của người Hà Nội, là “đặc sản” mà chúng ta mang ra tiếp đãi khách phương xa và cũng chính là cách để chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.
Bài 2: Dư luận lên án gay gắt những hành vi vô văn hóa bên hồ Tây thơ mộng |
Bài 1: Buồn vì lối ứng xử kém văn minh |