Bài 2: Dư luận lên án gay gắt những hành vi vô văn hóa bên hồ Tây thơ mộng
Dư luận và nhân dân đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị |
Những tiếng nói cần thiết và kịp thời
Có thể nói, sự việc những thanh niên Việt sàm sỡ khách Tây tại khu vực hồ Tây đã khiến dư luận hết sức quan tâm, bức xúc và phản ứng mạnh mẽ. Khắp các diễn đàn, các trang báo, cả người Hà Nội và độc giả khắp đất nước bày tỏ sự tức giận, xấu hổ trước những hành động vô văn hóa kia.
Độc giả Trung Tinh phẫn nộ: “Không ngờ giữa thành phố lớn mà dám làm như vậy”. Độc giả Ngô Tuyến thì lên án: “Không có đạo đức, đi làm những việc vô bổ”.
Độc giả Hung Tran Van cũng nói lên tâm trạng của mình: “Thật là xấu hổ. Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung trong con mắt của người nước ngoài luôn luôn được coi là thân thiện mến khách vậy mà lại có những người như trên. Hy vọng trong thời gian sớm nhất công an quận Tây Hồ sẽ sớm tìm ra và đưa chúng ra trước vành móng ngựa để xử phạt nghiêm khắc”...
Mỗi người hãy ý thức hơn vai trò công dân của mình để hồ Tây thực sự là một nơi đẹp về cảnh quan, văn hóa của Hà Nội |
Các độc giả khác thì lo ngại “Một hành vi vô văn hóa giữa thủ đô sẽ làm xấu hình ảnh của đất nước. Đề nghị công an Hà Nội phải quyết liệt ngăn chặn ngay. Cần phải xứng đáng với danh hiệu: Hà Nội là thành phố vì hòa bình”.
“Hà Nội luôn là một thành phố vì hòa bình, trị an và lịch thiệp. Đừng để người dân lo lắng, nhất là bạn bè nước ngoài thấy thiếu an toàn khi ở Thủ đô”, bạn đọc Lê Minh (ở quận Ba Đình) viết.
Trong khi đó, với tâm lý người Á Đông hay ngại, xấu hổ, không tố cáo khi mình bị quấy rối, sàm sỡ nên các nạn nhân người Việt có thể sẽ im lặng bỏ qua. Còn với người nước ngoài, đó là hành vi không thể chấp nhận được, đe dọa an ninh, an toàn, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của họ. Độc giả T Nga chia sẻ: “Tôi rất nể các nạn nhân đã dũng cảm tố cáo, thành lập cộng đồng để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chống lại những tên biến thái. Cơ quan chức năng phải xử lý thích đáng những tên này”.
Bởi lẽ, nếu không có những người tiên phong, dám lên tiếng thì có lẽ sự việc vẫn còn tiếp diễn, không thể được ngăn chặn kịp thời để trở thành mối nhức nhối, khiến khu vực hồ Tây mất an ninh, thành “vùng trũng” của văn hóa Hà Nội.
Bên cạnh đó, rất nhiều độc giả khác cũng thể hiện quan điểm và đề nghị của mình. Độc giả Vũ Ngọc Nam viết: “Tôi đã từng chạy bộ ban đêm quanh Hồ Tây, đường khá tối, nhiều đoạn không có đèn đường, không có lực lượng chức năng đi tuần tra, đảm bảo an ninh, nắm địa bàn, nắm thông tin, xử lý các sự cố...
Do vậy, lực lượng chức năng cần nhanh chóng chỉ đạo giao phường tăng cường lực lượng tuần tra, gắn đèn đường, gắn camera an ninh... để Hồ Tây thực sự là nơi hấp dẫn cho công dân Việt Nam, người nước ngoài tham gia các hoạt động ngoài trời an toàn, thuận tiện. Phải nhanh chóng điều tra, xử lý các đối tượng hoạt động mang tính chất băng nhóm, cát cứ địa bàn, gây ra sự bất bình trong nhân dân như bài viết vừa nêu”.
Độc giả NPHONG không ngại nói thẳng đóng góp của mình: “Chính quyền sở tại cũng nên xem lại cách quản lý địa bàn - ta hô hào phát triển du lịch mà để thế này khó quá... Hãy dẹp cho bằng được, dẹp cho bằng hết - bắt được, xử công khai trước dân chúng để làm gương”.
Bạn đọc Tiến Vinh (ở Quảng An, Tây Hồ, HN) đề nghị: “Hy vọng những người Hà Nội chứng kiến cảnh này phải ra tay hỗ trợ, giúp đỡ khách nước ngoài bị sàm sỡ. Không để một vài thanh niên càn quấy làm xấu hình ảnh Thủ đô. Không chỉ trông chờ vào công an, mỗi công dân tốt đều có giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.
Nâng cao trách nhiệm công dân và chính quyền
Để xảy ra sự việc đáng tiếc này, trước hết là trách nhiệm ở những thanh niên thích thể hiện, thiếu suy nghĩ, a dua theo nhau làm những việc vô bổ. Họ không ý thức được rằng, chỉ cần vài trường hợp như thế thôi cũng tạo nên làn sóng phản ứng lớn, khiến những người ngoại quốc tại Hà Nội cảm thấy không được tôn trọng. Chính vì thế, hình ảnh Hà Nội thân thiện, mến khách, là chốn phồn hoa đô hội, điểm dừng chân lí thú của du khách thập phương bị ảnh hưởng rất lớn.
Tất nhiên, những hành động dại dột này cần phải được xử nghiêm để răn đe nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào vấn đề, phải chăng người dân quanh khu vực đó và cả chính quyền vẫn còn có chút xao lãng. Bởi lẽ, sự việc xảy ra khá nhiều, phải đến khi chính người trong cuộc lên tiếng thì người dân và chính quyền mới biết. Nếu họ không lên tiếng thì sao, liệu tình trạng này có tiếp diễn hay không?
Dư luận phản ứng gay gắt cho thấy, trách nhiệm công dân là kịp thời, rất cần thiết để tăng tính giám sát, phản biện trong cộng đồng nhưng, điều đó đúng thôi chứ chưa đủ. Phải làm sao để điều này phải được ngăn chặn ngay từ khi manh nha để không xảy ra việc đã rồi, như thế mới thực sự là địa bàn văn minh, cộng đồng văn hóa.
Nếu mỗi người dân quan tâm, chú ý tới nơi mình đang sống hơn, có hiện tượng khác thường phải lập tức báo để chính quyền tăng cường tuần tra, giám sát, ngăn chặn thì những thanh niên “coi trời bằng vung” kia không dám giở trò với nhiều khách Tây như vậy. Nếu chính quyền nhanh chóng phát hiện những biểu hiện thiếu chuẩn mực của thanh niên trên địa bàn mà răn đe kịp thời thì chắc chắn nhiều người Hà Nội không phải thấy xấu hổ thay những kẻ sàm sỡ khách Tây ấy.
Dù gì, sự việc cũng đã xảy ra và đã được dẹp bỏ. Đây cũng chính là một sự cố để mỗi người dân cũng như chính quyền sở tại nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn với vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn nói riêng và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói chung.
(Còn nữa)
Bài 1: Buồn vì lối ứng xử kém văn minh |
Bài 1: Văn hóa “cứng”, văn hóa “mềm” |
Bài 1: Những “phản xạ” đậm tính nhân văn... |