Bài 3: “Chìa khóa vàng” là thời cơ và đam mê…
Chọn đúng nghề
Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó vụ trưởng, Phó ban chương trình Quốc gia về việc làm, Bộ Lao động thương binh và Xã hội là người dành rất nhiều tâm huyết cho các bạn trẻ. Nhiều năm qua, ông đã đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội trong việc tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh |
Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chọn nghề đúng là chìa khóa của tương lai. Việc lựa chọn nghề nghiệp của mỗi bạn trẻ phụ thuộc vào năm yếu tố: trình độ, khả năng, tính cách, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, quan trọng hơn hết vẫn là các bạn trẻ phải mạnh dạn theo đuổi đam mê của bản thân. “Đam mê sẽ là động lực giúp các bạn trẻ vượt qua được khó khăn. Năm bước quan trọng các bạn trẻ cần thực hiện đó là: Hiểu mình- hiểu nghề- lựa chọn- lập kế hoạch- hành động để chọn cho bản thân nghành nghề đúng trong tương lai” – Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh nói.
Ông cũng cho biết thêm, không có quy chuẩn nào cho nghề hot. Bởi nó có thể hot vào lúc này nhưng lại là tụt hậu vào thời điểm khác. Nghề hot thực sự chính là bản thân mỗi bạn trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh dẫn chứng: Ở huyện Thường Tín (Hà Nội) có một bác tên là Trần Quang Thiều. Bác Thiều chỉ học đến cấp 2. Từ nhỏ, bác đã rất ghét chuột nên đem chúng về nuôi và nghiên cứu về cách đặt bẫy. Để làm được điều đó, bác Thiều tìm những người bạn làm kỹ sư vật lý, hóa học. Với chiếc bẫy không cần mồi người nông dân này đã tiêu diệt hàng triệu con chuột.
Danh tiếng của bác Thiều không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn lan sang cả láng giềng Trung Quốc và Campuchia. Thậm chí hãng thông tấn phương Tây uy tín còn lời ca ngợi về bác là "Vua diệt chuột" giúp nông dân Việt Nam tiêu diệt mối đe dọa mùa màng. Hiện bác Thiều là tổng giám đốc của công ty chuyên về diệt chuột và là một tỷ phú. Vì vậy, với những bạn có nhiều đam mê, vậy hãy chọn một cái “yêu thích” nhất và đi theo nó. Tuy nhiên, đam mê phải đi liền với khả năng thực hiện và nhu cầu của xã hội với ngành nghề đó.
Tự tin vào bản thân
Đam mê là yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công cũng là ý kiến của chị Nguyễn Thị Nương, chủ Doanh nghiệp Thêu may Phú Mỹ Hải (Hà Nội). Khởi nghiệp trong lĩnh vực không được đào tạo nên thời gian đầu chị gặp không ít thách thức. “Khi khởi nghiệp, mình chỉ có thuận lợi là bạn bè làm trong ngành thiết kế thời trang, người thân từng nhận thêu áo Hanbok xuất khẩu Hàn Quốc. Trong khi đó, khó khăn rất nhiều như: Không vốn, kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực may mặc…” – chị Nương cho biết.
Chị Nguyễn Thị Nương |
Vốn ít nên chị Nương không dám nghĩ đến việc đầu tư trang thiết bị, nguyên vật liệu để sản xuất quần áo mà chủ động tìm mối hàng gia công. Bên cạnh đó, khi đội ngũ công nhân tay nghề còn kém, chị chỉ nhận hàng chợ. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chị Nương đã xác định được đối tượng khách hàng muốn hướng đến nên chủ động tìm kiếm người có kinh nghiệm để cùng hợp tác, học hỏi.
Tích lũy được kinh nghiệm, có nguồn vốn ổn định chị Nương quyết định mở rộng sản xuất. Hiện doanh nghiệp của chị có 45 nhân công hầu hết mới tốt nghiệp THPT. Trong số những công nhân này có nhiều người đạt mức lương gần 10 triệu đồng/ tháng. Theo chị Nương, để đạt mức lương này không quá khó khăn. Bên cạnh sự năng động tìm kiếm nhiều đơn hàng của chủ doanh nghiệp thì công nhân phải thực sự tâm huyết với việc đang làm. Có những bạn khéo tay, nhanh nhẹn, biết chớp thời cơ còn tự làm chủ và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
“Vấn đề ở đây không phải là bằng cấp mà là bạn có đủ đam mê, tự tin vào bản thân hay không. Khi có những yếu tố này rồi, bạn chỉ cần tìm hiểu sâu về ngành nghề đó, học hỏi những người đi trước và luôn biết cách khắc phục những hạn chế sẽ gặt hái được thành công” – chị Nương tâm sự.
Luôn kiên trì, ham học hỏi
Ngoài yếu tố đam mê, Lê Việt Thành, chủ Salon tóc Neo Image (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, mỗi bạn trẻ cũng cần sự kiên trì, luôn học. Đây là những điều anh đã đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân. Từ nhỏ, Thành đã nổi tiếng nghịch ngợm nên thành tích học tập luôn rất tệ. Vì thế, anh chưa bao giờ dám nghĩ đến việc thi đại học. Tuy nhiên, như nhiều bạn trẻ khác, tốt nghiệp THPT, Thành phải đối diện với việc “không biết phải làm gì?”, bởi chưa định hướng được con đường tương lai.
Anh Lê Việt Thành |
Thành kể: “Gia đình có điều kiện, lại được mọi người chiều chuộng nên mình chưa từng phải động tay đến việc gì. Vì thế, khi mới theo học cắt tóc mình bị “sốc” dù đây được coi là nghề nhàn nhã, sạch sẽ. Khi các bạn học đại học, đi chơi, mình phải làm việc. Khi đó, mình chỉ được đứng phụ, dọn dẹp và làm chân sai vặt là chủ yếu. Bên cạnh đó, mình không được thầy chỉ dạy cẩn thận, học được gì thì học nên rất dễ nản”.
Trong một năm rưỡi học nghề, Thành đổi tới 3 salon tóc với mong muốn trải nghiệm thêm những kỹ thuật và phong cách mới. Học nghề đã khó xin được việc làm với Thành còn gian nan hơn. Thời điểm những năm 2006, anh chỉ mong xin được việc với mức lương 1,5 triệu đồng nhưng không một nơi nào nhận. Chán nản, Thành buông xuôi hơn một tháng trời.
Một lần đi uống cà phê, Thành may mắn được người bạn mới quen giới thiệu đến làm việc tại tiệm cắt tóc nhỏ. Ông chủ ở đây chuyên tóc nam nên giao cho anh toàn quyền cắt tóc nữ. Đây chính là khoảng thời gian quý báu với Thành. Anh được thực hành rất nhiều nên tay nghề được nâng lên. Khi đó, anh đã được nhận mức lương lên đến 4 triệu đồng/ tháng.
Tích lũy được một số kinh nghiệm, Thành quyết định mở salon riêng để tự mình làm chủ. Thế nhưng thời gian đầu anh phải tằn tiện mới đủ sống. Tiền Thành kiếm được chỉ đủ trả thuê cửa hàng và điện nước nên một mình anh phải tự làm hết mọi việc từ dọn dẹp, gội đầu, sấy tóc… Với sự kiên trì, dần dần Thành đã khắc phục được khó khăn. Anh cũng chịu khó thường xuyên đi học hỏi ở những nơi đào tạo uy tín trong và ngoài nước để nâng cao tay nghề, nắm bắt phong cách mới. Vì thế, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều.
Hiện nay salon tóc của Thành có 10 nhân viên và mang lại cho anh doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. “Không ít lần mình chán nản định bỏ nghề nhưng rồi lại kiên trì tiếp tục làm việc. Sự kiên trì đó giúp mình có thành công riêng cho bản thân như ngày hôm nay” – Thành nói.
Bài liên quan
Những ước mơ ngoài cổng trường đại học - Bài 1: “Ra đời” không bằng đại học
Bài 2: Những giám đốc trẻ trưởng thành qua trải nghiệm thực tế