Bài 3: Cô giáo Nùng dạy trẻ câm điếc giữa lòng Hà Nội
Bài 1: Thầy giáo “nuôi” những ước mơ không lời Thư nhắn nhủ học sinh vùng lũ “còn người là còn của” của “thầy giáo làng” gây bão cộng đồng mạng |
Tuổi thơ gian khó và nghị lực phi thường
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, hoàn cảnh kinh tế của gia đình cô Linh Thị Sơn (sinh năm 1985) không mấy khá giả khi cha mẹ chỉ có nguồn thu duy nhất từ nghề làm nương, làm rẫy. Cuộc sống của cô gái nhỏ Linh Thị Sơn càng vất vả hơn khi cô bị khuyết tật một bên chân phải sau những trận sốt năm lên 4 tuổi.
Cô giáo Linh Thị Sơn |
Cái sự “không bình thường” ấy khiến Sơn càng lớn lên càng thêm mặc cảm, tự ti với bạn bè. Tuy nhiên, ở cô gái dân tộc Nùng lại có một nghị lực phi thường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Sơn rất ham học và coi việc học như lẽ sống của cuộc đời mình.
Nhớ lại những ngày thơ ấu đầy gian khó, Sơn trào nước mắt kể: “Nhớ những ngày học cấp 2, trong khi bạn bè đồng trang lứa có xe để đi hoặc được bố mẹ đưa đón, bản thân tôi chỉ lẽo đẽo cuốc bộ đến trường mỗi ngày trên đôi chân tập tễnh mà ứa nước mắt. Tôi không nhớ được hằng ngày đi học từ mấy giờ, chỉ có suy nghĩ duy nhất là phải đến trường, phải đi học bằng mọi giá”.
Sơn học rất giỏi và là một trong số ít học sinh của lớp khi ấy đỗ được vào đại học. Cô chủ động chọn cho mình khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm Hà Nội với khát vọng sẽ mang tri thức đến cho những đứa trẻ khiếm khuyết, kém may mắn giống như mình.
Vừa học, vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, những khó khăn của cuộc sống chốn thị thành sớm bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho những ước mơ, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ.
Ở cô gái trẻ toát lên sự kiên định, cứng cỏi với ánh mắt tự tin. Cô chia sẻ: “Tôi là người khá chủ động trong cuộc sống và công việc, luôn không muốn dựa dẫm, làm gánh nặng cho người khác nên việc gì thấy có thể, tôi đều cố gắng làm bằng được và phải làm thật tốt mới thôi”.
Sơn tự học đi xe đạp, tập đi xe máy, đi làm thêm, đi tham gia các hoạt động xã hội, tự học thêm văn bằng hai và nhiều chương trình bồi dưỡng chuyên môn dành cho giáo viên giáo dục trẻ chuyên biệt để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân mình.
Bằng tình yêu, tâm huyết, trách nhiệm và hơn hết là đồng cảm với những đứa trẻ thiệt thòi, cô giáo Sơn luôn cố gắng mỗi ngày để mang tri thức thắp sáng ước mơ cho học trò |
Mang thanh âm đến với trẻ thiệt thòi
Cô Sơn chia sẻ: “Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội tới nay, như một nhân duyên, tôi đã gắn bó với các em học sinh khuyết tật được hơn 8 năm. Càng gắn bó tôi càng thêm yêu quý và muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ bị thiệt thòi so với các học sinh bình thường khác”.
Kiên định với suy nghĩ, dạy học sinh khuyết tật hay học sinh bình thường, quan trọng là phải có cái tâm với nghề, cô giáo trẻ đã đến với học sinh bằng tất cả tình yêu thương.
Cô tâm sự: “Có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh tội lắm. Bản thân đã mang trên mình khiếm khuyết nhưng lại còn buồn hơn khi thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ. Có em học sinh bố mẹ ly hôn, hai mẹ con phải thuê nhà để ở, mẹ đi làm thuê rất vất vả ở thành phố. Có học sinh từ bé ở nhờ nhà cô để theo học ở trường… Mỗi hoàn cảnh ấy đều khiến tôi vô cùng day dứt, trăn trở, xót xa”.
Không chỉ là cô giáo, Linh Thị Sơn còn giống như người mẹ khi quan tâm, săn sóc các con từ bữa ăn, giấc ngủ ở trường, mong phần nào bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm của những đứa trẻ.
Dạy trẻ câm điếc thực sự là một thử thách rất lớn đối với nhiều thầy cô giáo. Thành quả sau gần 2 năm gắn bó với trẻ khiếm thính, cô giáo trẻ đã tạo động lực, gieo lên niềm tin cho trẻ thấy việc học là cần thiết và ý nghĩa. Cô luôn tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến, linh hoạt phương pháp giảng dạy giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ bài học.
“Ở lớp, nhiều học sinh không chỉ bị khiếm thính mà còn mắc thêm những bệnh lý khác, nhiều hoàn cảnh éo le nên càng khó khăn trong việc học và hình thành ý thức, nề nếp. Để giúp học sinh hiểu bài, tôi phải sử dụng rất nhiều phương pháp, kể cả lời nói, ký hiệu, tranh ảnh, trình chiếu…”, cô Sơn chia sẻ.
Một điều day dứt lớn nhất của cô Sơn và nhiều giáo viên dạy trẻ khuyết tật là cơ hội để các em có việc làm để tự nuôi sống bản thân sau này vẫn còn khá khó khăn. Các em đã có kiến thức, có kỹ năng nhưng vì là người khuyết tật nên cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học rất khó. Mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là Bộ Giáo dục và Đào tạo có những biện pháp cụ thể hơn về giáo dục dạy nghề cho trẻ khuyết tật.
Đồng thời, các nhà quản lý cần có những chính sách khuyến khích cụ thể để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tạo nhiều cơ hội việc làm hơn dành cho học sinh khuyết tật sau khi ra trường. Bởi, các em có một cuộc sống tương lai ổn định sẽ luôn là món quà lớn nhất đối với các thầy cô.
Được biết ngoài thời gian ở trên lớp, cô Sơn còn tranh thủ tới tận nhà để gặp và hướng dẫn học bài cho những học sinh có nhận thức, tiếp thu chậm hay các em bị câm điếc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cô Mạc Chung Thủy - Hiệu trưởng trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, chia sẻ: “Cô Sơn tuy là người khuyết tật nhưng trong công việc của nhà trường cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, rất nhanh nhạy và sáng tạo trong công việc. Một mình xa gia đình, phải thuê nhà trọ, bản thân còn nhiều khó khăn nhưng cô Sơn luôn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Năm 2018, cô vinh dự là một trong số 48 giáo viên tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật trên cả nước được nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. |