Nữ giáo viên góp phần đưa nghệ thuật chèo vào học đường
Chúng tôi đến trường THCS Vũ Đông (TP Thái Bình) vào một ngày tháng Chạp cận kề Tết Ất Tỵ 2025. Nơi đây không khí Xuân như tới sớm khi rộn ràng nhịp trống, véo von tiếng sáo cùng tiếng hát chèo trong trẻo: “Vẫn cháy trong tim lửa nhiệt tình, dịu dàng xanh tươi như tán lá bàng, chữ yêu thương, chữ yêu thương, chữ sắt son với nghề, tỏa sáng lung linh, hình ảnh người giáo viên nhân dân…”.
Các em học sinh nhẹ nhàng, thư thái tập luyện trong nhịp của làn điệu chèo “Vẻ vang sự nghiệp trồng người” theo điệu Luyện năm cung - Đường trường bắn thước. Đó là một trong nhiều giờ học lồng ghép của cô giáo Bùi Thị Thắm để đưa nghệ thuật chèo vào dạy và học tại ngôi trường này.
![]() |
Sinh sống trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, bố mẹ chồng và chồng đều công tác tại Nhà hát chèo Thái Bình, cô giáo Bùi Thị Thắm có lợi thế khi góp phần đưa nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương đến với các em học sinh vào tiết học bài hát địa phương.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, năm 2007, Bùi Thị Thắm nhận công tác tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Thái Bình). Hai năm sau, cô chuyển về huyện Đông Hưng dạy tại trường Tiểu học Đông Cường. Từ tháng 8/2010 đến năm 2017, cô làm Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên dạy môn Âm nhạc tại Trường Tiểu học Minh Châu.
![]() |
Nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, trong quá trình công tác, cô mang những kiến thức đã có được từ mái trường nghệ thuật cùng với sự tìm tòi đổi mới phương thức giảng dạy tối ưu nhất để truyền thụ kiến thức cho các em. Với lòng nhiệt huyết yêu nghề, cô giáo Bùi Thị Thắm luôn là một giáo viên mẫu mực, được bạn bè, đồng nghiệp và học sinh trong trường quý mến. Cô chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, em đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Khi ước mơ trở thành hiện thực, được đứng trên bục giảng, em đã đem sự đam mê và tình yêu đối với nghề nghiệp truyền cho học trò bởi với em nếu không có lòng yêu nghề, mến trẻ thì dù người giáo viên có kiến thức rộng và sâu cũng khó có thể trở thành người giáo viên giỏi.
![]() |
Sinh ra trên mảnh đất Đông Hưng mang đậm dấu ấn của môn nghệ thuật chèo truyền thống, cùng với sự ủng hộ của người chồng thân yêu, cô giáo Bùi Thị Thắm đã mạnh dạn đưa các làn điệu chèo vào tiết học bài hát địa phương tự chọn và các buổi văn nghệ nhân dịp các ngày lễ lớn của nhà trường. Trong các tiết dạy, cô giáo Bùi Thị Thắm đã giúp học sinh biết cảm nhận và yêu thích ca hát, mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình.
![]() |
Cô Thắm tâm sự: Trong quá trình công tác, em thấy nhiều học sinh có năng khiếu hát, múa mà mỗi giáo viên âm nhạc cần phải phát hiện để khơi gợi và phát triển năng khiếu của các em. Vì vậy, em cố gắng bồi dưỡng các kỹ năng âm nhạc cho học sinh trong các tiết học, chọn lựa những nội dung phù hợp với năng khiếu của từng em…
Những làn điệu chèo: Lới lơ, đò đưa, luyện năm cung, Chức cẩm hồi văn, Đào liễu, xẩm xoan... được cô truyền dạy, từ sự tò mò, các em học sinh đã thật sự say mê những ca từ đằm thắm, mượt mà.
![]() |
Với chất giọng ngọt ngào, lôi cuốn người nghe qua các làn điệu dân ca, cô giáo Bùi Thị Thắm đã tích cực đóng góp cho phong trào văn nghệ khi được tham gia biểu diễn trong các hội thi, liên hoan, hội diễn của ngành Giáo dục và địa phương.
Kể từ những ngày đầu đặt chân vào môi trường sư phạm, cô giáo Bùi Thị Thắm là gương mặt đa tài, có thể hát, múa, dàn dựng các chương trình văn nghệ. Cô được tuyển chọn vào thành phần lực lượng nòng cốt của Phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng, góp phần quan trọng vào thành công chung trong nhiều tiết mục văn nghệ tham gia hội thi của ngành. Với những cố gắng của mình, năm học 2011 - 2012 và năm học 2012 - 2013, cô được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi cấp tỉnh. Năm học 2013 - 2014, cô đạt giải Nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng E - Learning” do Bộ GD&ĐT tổ chức và vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Năm học 2014 - 2015, cô đạt giải Nhất hội thi “Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh”. Năm 2017, cô tham gia cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”, đạt giải nhất tỉnh và đại diện tỉnh thi cấp Quốc gia đạt giải ba.
“Không chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được, em sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hơn nữa về phẩm chất đạo đức cũng như về chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo hứng thú, niềm đam mê cho học sinh trong tiết dạy âm nhạc”, cô giáo Bùi Thị Thắm tâm sự.
Qua 10 năm công tác tại huyện Đông Hưng, cống hiến hết mình ngành giáo dục huyện nhà nhưng do điều kiện đi lại xa xôi, cô xin chuyển công tác về thành phố Thái Bình từ năm 2018. Từ năm 2018, đến nay cô rất tích cực tham gia các hoạt động của ngành giáo dục thành phố ,đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi thành phố, được nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn Thái Bình.
Chuyển về trường THCS Vũ Đông (TP Thái Bình) từ năm 2018 đến bây giờ, ngoài công việc chính là giáo viên Âm nhạc, Bùi Thị Thắm còn là tổng phụ trách Đội. Thầy Nguyễn Quốc Vương, Hiệu trường trường THCS Vũ Đông chia sẻ: “Những hoạt động trải nghiệm sân khấu hóa các tác phẩm văn học và giao lưu tìm hiểu nghệ thuật chèo truyền thống được nhà trường tổ chức thường xuyên. Các em không chỉ được thưởng thức những tiểu phẩm được sân khấu hóa từ các tác phẩm văn học mà còn được trực tiếp biểu diễn, hóa thân vào các vai diễn… Việc dạy hát chèo trong trường của cô giáo Bùi Thị Thắm khá dày, tổng phụ trách là 10 tiết và dạy trên lớp là 13 tiết nhạc”.
Ngày 4/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và ngày 2/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục duy trì, phát huy nghệ thuật chèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó học sinh là lực lượng đông đảo và thuận lợi hơn cả trong việc trao truyền, gìn giữ, phát huy nghệ thuật chèo.
Từ khi có đề án đưa nghệ thuật hát chèo vào giảng dạy trong các trường phổ thông, nhiều trường học ở Thái Bình đã rà soát, xây dựng khung chương trình, đưa nghệ thuật chèo vào tích hợp trong nhiều môn học. Bên cạnh đó, các trường cũng kết hợp với các ban ngành tổ chức những hoạt động tập thể, gắn với sinh hoạt chèo, cải biên lời mới, phù hợp với các chủ đề gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gen Z thích thú mở “túi mù” khi đi nghe tư vấn tuyển sinh

Chọn nghề đúng, tự tin lên “chuyến tàu số” - chuyến tàu của tương lai

Để không hối tiếc khi chọn sai ngành, nghề

Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học 2025

Đã có hơn 785.000 thí sinh thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Một ngày trải nghiệm của trẻ mầm non ở làng gốm Bát Tràng

Đề xuất chi hơn 116 nghìn tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non

Sôi nổi ngày hội văn hoá thể thao của những học sinh đặc biệt

Đòn cân não cho phụ huynh khi không có cơ hội sửa sai
