Bài 3: Đừng để sự bất cẩn gây hậu quả nghiêm trọng
![]() |
>> Phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư, nhà tập thể: Nguy cơ cao, ý thức thấp
Bài 2: Dụng cụ thoát hiểm "3 không" làm khó người tiêu dùng
Tự bảo vệ mình
Thống kê mới nhất của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy, trong năm 2017 và quý I/2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý I/2018 xảy ra 280 vụ cháy lớn, làm 2 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 31 tỷ đồng. Tỷ lệ các vụ cháy xảy ra tại khu vực nội thành chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân các vụ hỏa hoạn phần lớn là do bị chập điện.
![]() |
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) |
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết: Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư. Tính đến ngày 3/4, địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 29 công trình vi phạm, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục. Đối với các nhà chung cư, nguy cơ cháy lớn tập trung ở khu vực tầng hầm do nơi này thường tập trung nhiều vật liệu, trang thiết bị dễ gây cháy. Bên cạnh đó, phương tiện xe máy, ô tô để tại tầng hầm cũng là những nguồn dễ gây cháy và cháy lan nhanh. Khi cháy ở tầng hầm sẽ sinh nhiều khói bốc lên trên và dễ gây ngạt khói cho cư dân chung cư. Tiếp theo, khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy cao là ở trục thông tầng (hộp kỹ thuật, thu gom rác). Điểm đáng chú ý, trong 87 vụ cháy ở các chung cư thì có tới 57 vụ tại khu vực thu gom rác.
Nói về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại các khu nhà tập thể cũ, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho hay: "Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm khu nhà tập thể cũ có tuổi thọ lên đến vài chục năm, với kết cấu từ 4-5 tầng. Trước đây, mục đích xây dựng những căn nhà tập thể này chủ yếu để phân cho các cán bộ ở nên diện tích nhỏ, chỉ khoảng 40m2. Tuy nhiên về sau, họ lập gia đình, sinh con nên nhu cầu sử dụng lớn, lại không có điều kiện để ra ngoài ở nên cơi nới hành lang, ban công để tăng diện tích sử dụng. Khi thi công thêm những "chuồng cọp" như vậy, người dân không tính trước đến việc nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì sẽ không có đường thoát. Không những thế, các nhà trong cùng một khu tập thể đều thiết kế chuồng cọp giống nhau, ở vị trí gần nhau lại dùng các vật liệu nhẹ như tôn chống nóng, gỗ ép để che chắn lại, vì thế nếu xảy ra cháy sẽ cháy lan rất nhanh theo lối đi lên. Nếu trong trường hợp chưa có điều kiện để khắc phục thì mỗi nhà nên tự làm một cửa thoát hiểm ở “chuồng cọp” rồi khóa lại và thông báo cho cả nhà biết vị trí để chìa khóa phòng khi cần dùng đến".
Đại tá Sơn cũng nhấn mạnh, trong điều kiện chật chội như vậy, khi đun nấu người dân phải hết sức cẩn trọng, nếu nấu bằng bếp điện phải tính toán xem hệ thống điện của gia đình mình có đảm bảo không, nếu không đảm bảo phải lắp đường dây dẫn điện riêng. Nếu nấu ăn bằng bếp ga, khi nấu xong người dân phải khóa van bình ga và thường xuyên kiểm tra các mối nối bằng nước xà phòng để tránh bị dò rỉ khí ga; khi thắp hương phải thường xuyên quan sát, theo dõi, thắp hương xong phải tắt đèn, không để các đồ dễ cháy gần ban thờ. Các đồ dùng khác như quạt điện, bình nóng lạnh cũng rất hay bị chập điện, dẫn đến cháy. Vì vậy, người dân phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị.
Tích cực tham gia các lớp tập huấn
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã liên tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn người dân xử lý tình huống, kỹ năng thoát nạn an toàn và quan trọng nhất là tuyên truyền cho người dân hiểu và tự trang bị những dụng cụ PCCC đơn giản trong gia đình. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này vẫn chưa cao, nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến PCCC. Tại một số khu chung cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, người dân vẫn có tư tưởng tham gia tập huấn để đối phó.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thường xuyên đến các khu chung cư, tổ dân phố mở các lớp tập huấn PCCC miễn phí cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện chữa cháy và tư vấn cho người dân mua các thiết bị như đầu báo cháy, mặt nạ, bình xịt cứu hỏa... Tuy nhiên ý thức của người dân khi tham gia các lớp tập huấn chưa cao. Nhiều gia đình tham gia lớp tập huấn theo hình thức đối phó bằng cách cử người già yếu, con nhỏ thậm chí cả ô sin đi tập huấn. Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy, chúng tôi đã tăng cường mở các lớp tập huấn cho người dân tại các khu chung cư, tổ dân phố trên địa bàn. Mặc dù số lượng người tham gia tập huấn có đông hơn nhưng thành phần vẫn như vậy, vẫn chỉ có người già, trẻ nhỏ và ô sin".
Chia sẻ về kỹ năng thoát hiểm an toàn, Đại tá Sơn nhấn mạnh, nếu không may xảy ra hỏa hoạn mà không thể thoát ra ngoài được và không bị lửa đe dọa trực tiếp, tốt nhất người dân nên vào trong các phòng kín, càng xa nguồn lửa càng tốt, sau đó đóng kín cửa lại, dùng băng dính, khăn mặt ướt để bịt kín các khe hở để ngăn khói, nếu khói không lọt vào được trong phòng sẽ không bị đe dọa đến tính mạng. "Mỗi người trung bình thở từ 6-8 lít không khí trong một phút, một phòng rộng khoảng 20m2 có thể giúp cả gia đình ở trong đó từ 5-6 tiếng đồng hồ. Bởi vì ngoài lý thuyết chúng tôi đã thử nghiệm bằng thực tế".
Điều khiến Đại tá Sơn băn khoăn nhất chính là ý thức của người dân về PCCC hiện nay rất kém. Mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn rất tỉ mỉ nhưng nghe xong nhiều người cũng quên luôn, ít ai nghĩ đến việc trang bị các vật dụng thiết bị PCCC cho gia đình mình. Trên thị trường có bán rất nhiều các thiết bị PCCC như đầu báo cháy, bình xịt chữa cháy, mặt nạ chống khói, thang dây... chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng là có thể trang bị đầy đủ những dụng cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tư tưởng "cháy ở tận đâu chứ chẳng cháy ở nhà mình". Vì vậy, để không xảy ra các vụ hỏa hoạn thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.
Kiên quyết xử lý những công trình vi phạm Thời gian này, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đang tập trung tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của những tòa nhà cao tầng vi phạm, quy định về PCCC. Trong số 29 công trình vi phạm, có 3 công trình chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ, không thực hiện khắc phục là tại chung cư CT4, CT5 A B và CT6 (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà và Cty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư. Đây là những công trình chung cư tồn tại về hệ thống PCCC kéo dài, đã xử lý vi phạm hành chính nhưng không chuyển biến. Đối với các công trình mới, đang thi công, nếu vi phạm nghiêm trọng về PCCC, Sở sẽ đề xuất, phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công. Các công trình vi phạm nhưng đã có người ở, thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC theo quy định. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả do cháy rừng tại Quảng Ninh

Xảy ra cháy nhà ở phố Trung Liệt, 2 người tử vong

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà dân làm 4 người tử vong

Khắc phục triệt để các tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Chia buồn sâu sắc với gia đình người bị nạn trong vụ cháy tại TP HCM

Nghi án sản xuất pháo lậu khiến cháy nổ, nam thanh niên tử vong

Cháy nhà lúc rạng sáng khiến bé trai tử vong

6 chiến sỹ tinh nhuệ tham gia đoàn công tác cứu nạn tại Myanmar

TP Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy
