Bài 3: Học gì để không thất nghiệp?
Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp vô cùng cần thiết để giảm thiểu tình trạng cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường
Bài liên quan
Bài 1: Cử nhân làm “xe ôm công nghệ”
“Gỡ khó” cho công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Giúp người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp
Bài 1: Cử nhân làm “xe ôm công nghệ”
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Lê Thị Bích – giáo viên trường THPT Ngô Tất Tố (Hà Nội) cho rằng, ở các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp được bắt đầu rất sớm, ngay từ bậc phổ thông. Hoạt động này thường được tổ chức bài bản thông qua các buổi chuyên đề giữa phụ huynh với học sinh, nhà trường với học sinh. Học sinh cũng được làm các bài trắc nghiệm hướng nghiệp để đánh giá bản thân phù hợp với nghề nào.
Hướng nghiệp được tiến hành ngay từ cuối cấp THCS, đẩy mạnh hơn ở cấp THPT là phù hợp với sự phát triển tâm lý ở học sinh. Ở tuổi tiểu học, các em còn những ước mơ trẻ con về nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thiếu niên, các em đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai.
Từ các chương trình hướng nghiệp, các em có sự thay đổi trong xu hướng học tập: Tập trung nhiều hơn vào các môn liên quan đến nghề nghiệp mình quan tâm. Vì lẽ đó, giai đoạn này cần có sự tác động của công tác hướng nghiệp để kịp thời điều chỉnh những lựa chọn nghề chưa chín chắn, chưa phù hợp.
Theo thầy giáo Ngọc Anh - giảng viên Đại học Mở Hà Nội: “Dù muốn hay không, chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế rằng: cho dù bạn có làm nghề gì đi chăng nữa thì những kiến thức cụ thể mà bạn học ở trường đại học sẽ ít nhiều trở nên lạc hậu với công việc hàng ngày mà bạn sẽ làm ngay sau khi tốt nghiệp”.
Cụ thể, những người theo học kĩ thuật lập trình máy tính cách đây hơn 10 năm giờ đang phải đương đầu với một thế giới mới của các ứng dụng và thiết bị di động. Những người học ngành quảng cáo, marketing đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với những công cụ có thể phân tích, dự báo thị trường nhanh và chuẩn xác gấp hàng chục lần.
Tương lai càng khó đoán hơn nữa khi mọi dự báo đều cho rằng trong 10 năm tới, gần 2/3 công việc hiện tại sẽ biến mất và cũng từng đó công việc mới sẽ được sinh ra.
Đối mặt với một thế giới bất định như vậy, có lẽ câu hỏi “học gì?” không còn quan trọng bằng câu hỏi “bạn có thể làm được gì?”. Giới trẻ của ngày hôm nay cần nhiều hơn một điểm xuất phát. Họ cần một khung kỹ năng toàn diện để định hướng trong một thế giới mới đầy phức tạp và biến động.
Theo một cán bộ tuyển dụng ở doanh nghiệp lớn có 100% vốn đầu tư nước ngoài: “Trừ một số ngành đặc thù, hầu hết các doanh nghiệp đều không quan tâm nhân sự xuất phát điểm học gì vì họ sẵn sàng đào tạo lại. Về căn bản, doanh nghiệp chú trọng tìm kiếm nhân sự có khả năng thích ứng, ham học hỏi, thái độ tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề…”.
“Hơn lúc nào hết, đã đến lúc, giáo dục cần thay đổi căn bản cách tiếp cận truyền thống. Thay vì chăm chăm vào việc “dạy chữ”, dạy kiến thức, nhà trường cần trang bị cho sinh viên nền tảng tư duy, kĩ năng và thái độ đúng đắn để họ có thể thích ứng với cuộc sống vốn đầy áp lực, biến động và bất định bên ngoài cánh cửa trường đại học”, anh này cho biết.
Không chỉ cần sự thay đổi từ những nhà hoạch định chính sách, cơ sở giáo dục, bản thân mỗi bạn trẻ cũng cần chủ động chuẩn bị cho mình tâm thế khi bước vào con đường lập thân, lập nghiệp.
Nguyễn Thị Hằng – du học sinh Nhật Bản đang làm việc tại một doanh nghiệp ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Những nhà tuyển dụng hàng đầu hiện nay có xu hướng lựa chọn ứng viên phù hợp với văn hóa của công ty và đáp ứng các yêu cầu cần thiết về kỹ năng mềm nhiều hơn là có kết quả học tập điểm số cao. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều báo cáo chỉ ra rằng, chính chỉ số EQ (Emotional Quotient) chứ không phải IQ (Intelligent Quotient) mới là yếu tố quyết định thành công của một nhà lãnh đạo”.
Theo Hằng, việc trau dồi những kỹ năng mềm như: Kỹ năng Giao tiếp, Kỹ năng làm việc nhóm, Tác phong làm việc chuyên nghiệp, hay kỹ năng đánh Golf… là đặc biệt cần thiết nếu các bạn muốn trở thành khác biệt trong mắt các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, dường như hầu hết các trường đại học; bao gồm các trường đại học quốc tế chưa chú trọng trong việc đem những kỹ năng này vào giảng dạy và đào tạo như một phần chính trong chương trình học của sinh viên. Do đó, các bạn nên tự chủ động học tập thêm hoặc tìm một trường đại học có đào tạo các kỹ năng này ngay từ khi tham khảo trường đại học để theo học.
Còn theo quan điểm của Trần Vinh – kỹ sư ngành Công nghệ thông tin, tác phong chuyên nghiệp và ngoại ngữ sẽ là những yếu tố ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Việc đi trễ về sớm hay trang phục đi làm cũng giống như đi chơi là điều mà chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày với những bạn mới bắt đầu chập chững bước vào thị trường lao động chuyên nghiệp. Còn rất nhiều những điều tưởng chừng là “nhỏ nhặt” nhưng không hề “nhỏ nhặt” như không hoàn thành đúng tiến độ, nói xấu đồng nghiệp, mang chuyện cá nhân vào công ty… Những điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc và trách nhiệm của các bạn trong công việc cũng như tạo ra hình ảnh xấu trong mắt người khác. Từ đó ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến, nhất là trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay.
“Do đó, để tạo ra sự khác biệt và tự nâng cao vị thế của mình trong mắt nhà tuyển dụng, ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên nên coi việc tập trung tích lũy kiến thức căn bản cũng như những kỹ năng mềm cần thiết là điều quan trọng ưu tiên hàng đầu để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khắt khe trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế”, anh Vinh nhấn mạnh.