eMag azine
11/07/2024 08:00
Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

11/07/2024 08:00

TTTĐ - Di sản công nghiệp là khái niệm chỉ những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các giá trị lịch sử, xã hội, khoa học, công nghệ, thẩm mỹ kiến trúc.

di sản

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Di sản công nghiệp là khái niệm chỉ những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các giá trị lịch sử, xã hội, khoa học, công nghệ, thẩm mỹ kiến trúc. Việc tái thiết di sản công nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả, qua đó phát huy tiềm năng tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra giá trị kinh tế…

Ngày 12/4/2024, Sở Du lịch Hà Nội ra mắt tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội", kết nối 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.

Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) nêu ra là phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, khai thác giá trị di sản văn hóa của Thủ đô… đảm bảo tính đặc sắc, bền vững, độc đáo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách nội địa và quốc tế.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, di sản công nghiệp cần được bảo tồn như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, việc cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo là việc làm kịp thời để lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản, qua đó giúp phát triển ngành du lịch thủ đô.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Năm 2022, Hà Nội thông qua Nghị quyết di rời 9 cơ sở công nghiệp trong 5 năm, gồm công ty in báo Nhân Dân Hà Nội, Công ty in báo Hà Nội mới, Nhà máy bia Hà Nội, Tổng công ty Bổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội, công ty thuốc lá Thăng Long, Công ty In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, Công ty Nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Các khu nhà máy, xí nghiệp thường gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn do bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đây lại là những công trình có giá trị về kiến trúc, lưu giữ ký ức đô thị. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Nếu giải quyết hài hòa được lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ việc tái tạo các di sản công nghiệp thì Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo ra được bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Nghiên cứu của Tiến sĩ - kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến cho hay, hiện trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954 - 1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965 - 1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975 - 1986 có 10 công trình...

“Các di sản công nghiệp luôn mang dấu ấn cả về mặt lịch sử, thẩm mĩ và xã hội. Nhiều di sản có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại”, kiến trúc sư Đinh Hải Yến đánh giá.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp
Không gian nghệ thuật huyền ảo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các di sản công nghiệp Hà Nội có vị trí nằm trên những quỹ đất rộng lớn, thay vì phá bỏ, việc sử dụng tái thiết lại những sản phẩm này không chỉ sẽ mang lại nhiều giá trị lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa về lịch sử.

Nhiều quốc gia đã hồi sinh các khu công nghiệp cũ với hình hài là khu phức hợp vui chơi giải trí, tạo ra không gian gắn kết cộng đồng, đồng thời tạo giá trí mới cho những công trình xưa cũ. Giá trị còn lại của những công trình hoen gỉ đã được các nhà đầu tư, kiến trúc sư nhận ra và đưa ra những giải pháp khai thác đúng đắn, hiệu quả.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, trên thế giới, việc phải quy hoạch, tổ chức lại không gian phù hợp với trình độ phát triển của đô thị là một quá trình đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Sau hàng thập kỷ, Malaysia đã hoàn thành di dời trụ sở các cơ quan công quyền tới một thành phố cách trung tâm Kuala Lumpur chừng 30 ki lô mét về phía Nam, dành toàn bộ không gian đô thị phục vụ các mục đích dân sinh và phát triển kinh tế. Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cũng đang ấp ủ những điều chỉnh thích hợp cho các đại đô thị.

Hà Nội là một trong mười hai thành phố có lịch sử phát triển liên tục suốt hàng ngàn năm, việc quy hoạch đô thị, chuyển đổi chức năng các công trình hạ tầng trên địa bàn càng cần phải cẩn trọng. Nguyên tắc là bảo tồn văn hóa nhưng vẫn không kìm hãm phát triển, đáp ứng các hạ tầng quan trọng để ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Nội thành Hà Nội có hơn 160 cơ sở công nghiệp nhưng trong quá trình phát triển đô thị những năm vừa qua, gần 90 địa điểm đã bị phá hủy hoặc thay đổi chức năng. Vừa rồi, Hà Nội đã có phương án khai thác lại một số công trình nhằm phục vụ cho công nghiệp văn hóa và được dư luận hết sức hoan nghênh.

Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đầu. Các cơ quan quản lý cần có tầm nhìn dài hạn, một mặt, đưa ra phương án bảo tồn kết hợp khai thác một số công trình, cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo văn hóa; mặt khác, quy hoạch và phát triển các công trình nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng sống của người dân sở tại như không gian xanh, vườn hoa, sân chơi, công viên…

Hiện nay, trong các khu dân cư ở nội đô thiếu các không gian xanh, các công trình công cộng và các dịch vụ thương mại hiện đại. Tuy nhiên, các công trình mới phải hài hòa với các công trình xung quanh, đặc biệt, phải là các công trình xanh với mật độ xây dựng hợp lý.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Hà Nội là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, theo các chuyên gia, nếu loại bỏ di sản công nghiệp thì sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh của đô thị. Hà Nội không cần giữ lại toàn bộ, bảo tồn toàn bộ nhưng phải xác định rõ ràng đâu là những kiến trúc để nối ký ức của Hà Nội nên giữ, phần nào cần bảo tồn, cải tạo thích ứng hoặc xây mới hoàn toàn.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, di sản công nghiệp đã có một giá trị lịch sử không thể phủ nhận.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, người tham gia thiết kế các không gian cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, chia sẻ, di sản công nghiệp đã có một giá trị lịch sử không thể phủ nhận. Với nguồn tài sản vật chất hữu dụng, nếu phá bỏ và xây dựng những công trình mới, sẽ rất khó để tạo ra những giá trị về mặt thời gian hay lịch sử. Ngoài các thắng cảnh, di tích của Thủ đô, những công trình di sản công nghiệp được “thổi hồn” bằng các sự kiện nghệ thuật, sẽ tạo ra sức hút rất lớn đối với khách du lịch.

Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thành phố Hà Nội đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Thương hiệu du lịch văn hoá Hà Nội được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Để có thể lựa chọn các cơ sở công nghiệp để bảo tồn, lưu giữ một phần hoặc toàn bộ, cần tiến hành đánh giá và công bố các giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp thông qua các cuộc hội thảo liên ngành với sự tham vấn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử, từ đó xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá khoa học và bài bản hơn.

Theo ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta có các cụm công nghiệp hay khu công nghiệp tập trung, trên lĩnh vực văn hóa, đã đến lúc Hà Nội cần tính đến đến giải pháp thử nghiệm mô hình “cụm” công nghiệp văn hóa. Mô hình này sẽ hoạt động tương tự như một dạng vườn ươm doanh nghiệp nhưng đó đều là các doanh nghiệp tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa.

Các doanh nghiệp được quy tụ tại đây sẽ tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa, mang đến các giá trị bổ trợ lẫn nhau trong một chuỗi sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ nghe nhìn, biểu diễn đến thiết kế, sáng tạo hay xuất khẩu.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Sự kết hợp như vậy sẽ giúp gia tăng lợi nhuận theo quy mô. Những cụm công nghiệp này cũng sẽ từng bước đóng vai trò tổ chức các sự kiện, chương trình hoạt động văn hóa quy mô lớn tầm cỡ quốc tế cho thủ đô. Khi được kết hợp với nhau trong một hệ sinh thái, mỗi doanh nghiệp đều có thuận lợi là kinh phí tiếp cận thị trường thấp hơn bất kỳ nơi nào khác do chi phí giao dịch giảm mạnh.

Về phía chính quyền thành phố, việc hỗ trợ về tài chính và cơ chế, chính sách cho những doanh nghiệp này đóng vai trò vô cùng quan trọng để thực sự tạo nên các chuỗi giá trị về công nghiệp văn hóa. Tại nhiều nước, những khu trung tâm về công nghiệp văn hóa như vậy đang từng bước được chuyển đổi thành các khu du lịch văn hóa và nghệ thuật đương đại.

Khu nghệ thuật Dashanzi ở Bắc Kinh là một ví dụ đặc biệt về khu văn hóa chuyên sản xuất các sản phẩm nghệ thuật đương đại. Đây là nơi quy tụ các xưởng sáng tác hay studio của các nghệ sĩ tên tuổi, phòng trưng bày nghệ thuật Trung Quốc và quốc tế và các doanh nghiệp nhỏ góp phần vào sự phát triển của một thị trường nghệ thuật đã thực sự bùng nổ trong những năm gần đây.

Việc hình thành các khu trung tâm công nghiệp văn hóa hiện đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tạo ra sự tăng trưởng nội sinh hết sức ngoạn mục. Điều quan trọng nhất là các khu vực này hầu hết chỉ dựa vào vốn văn hóa địa phương, nhưng đã tạo ra nguồn thu nhập và tạo được nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực văn hóa.

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệpKTS. Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội ):

Từ cuộc “hồi sinh” Tháp nước Hàng Đậu…

Định vị văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, điều đó chứng tỏ xã hội đang trưởng thành. Xác định văn hóa là động lực phát triển, một xã hội đã ở mức trưởng thành. Cuộc hồi sinh Tháp nước Hàng Đậu, biến công trình công nghiệp từ thế kỷ trước thành một không gian văn hóa sáng tạo có thể đặt trong hướng tiếp cận này.

Tháp nước Hàng Đậu là một biểu tượng trong quá trình phát triển của đô thị theo phong cách phương Tây, là dấu ấn về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Thế nhưng, ngay từ thời Pháp thuộc, khi kỹ thuật cấp nước đã cải thiện, người Pháp đã muốn phá tháp nước này đi để dành chỗ cho một công trình khác có giá trị thương mại hơn. Dự định đó đã không thành tuy vậy nếu gần đây Tháp nước Hàng Đậu không được dùng để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, nó sẽ dần mốc meo và tàn lụi.

Vấn đề là Tháp nước Hàng Đậu có một người “anh em song sinh”, cùng thiết kế và cùng hoàn thành năm 1894 là Tháp nước Đồn Thủy, nằm trong khuôn viên Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm trên đường Đinh Công Tráng. Tháp nước Hàng Đậu đã có cuộc sống mới, nên chăng, chúng ta cũng làm điều tương tự với người anh em song sinh của nó?

Bài 3: Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp

Vấn đề thứ hai là về tương lai các nhà máy cấp nước sạch trong nội đô. Công nghệ khai thác nước ngầm sẽ dần bị thay thế bằng khai thác nước mặt nên hầu hết các nhà máy nước trong thành phố sẽ không còn công năng cũ và buộc phải chuyển đổi. Nếu chúng trở thành cái đích cho các dự án bất động sản thì sẽ chất tải thêm cho đô thị rất nguy hiểm. Chúng đều có tiềm năng trở thành không gian nghệ thuật, không gian công cộng và ngay từ bây giờ, Hà Nội nên tính toán đến khả năng này.

Không chỉ tháp nước hay nhà máy nước, mỗi công trình kiến trúc công nghiệp từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay đều có giá trị riêng của chúng. Chúng là một phần lịch sử không thể tách rời của Hà Nội, giúp các thế hệ sau hình dung về tiến trình phát triển của đô thị này. Bản chất chúng đều là của công, phục vụ cho mục đích công thế nên, nếu phải di dời, chuyển đổi, chúng nên tiếp tục là các công trình công cộng phục vụ dân sinh.

Nhìn ra thế giới sẽ thấy các đô thị phát triển tràn ngập công trình kiến trúc ghi dấu sự phát triển của nền công nghiệp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi tác động hay chuyển đổi công năng của các công trình này, họ đều cân nhắc vô cùng thận trọng. Cá biệt, đối với sân bay Berlin, cầu hàng không vận chuyển lương thực thực phẩm từ thế giới phương Tây cho Tây Berlin (Đức) trước năm 1991, dù diện tích rất rộng và nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố nhưng vẫn đang được giữ nguyên trạng. Người Đức chưa nghĩ ra ý tưởng tốt nhất để cải tạo không gian này.

Có lẽ ý tưởng tuyệt diệu hơn vẫn chờ đợi họ trong tương lai – đó là sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ mà các nơi khác nóng vội vì những lợi ích trước mắt cần tham khảo.

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội: Không nói không, không nói khó…":

Bài 1: Chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động Bài 2: Phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản Bài 4: Lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch Bài 5: "Chìa khóa" là gắn với xây dựng thành phố sáng tạo

Mai Anh - Hồng Mạnh

« Xem bài 2

Xem bài 4 »

Phạm Mạnh