eMag azine
21/09/2024 07:00
Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

21/09/2024 07:00

TTTĐ - Các văn bản cụ thể hóa đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ từng bước được hoàn thiện nhưng để "cơ hội vàng" đem lại sức bật mới, động lực mới đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Tất cả cần được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất.
Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Các văn bản cụ thể hóa đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ từng bước được hoàn thiện nhưng để “cơ hội vàng” đem lại sức bật mới, động lực mới đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Tất cả cần được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất.

Theo nhiều chuyên gia, “Luật nằm trên giấy, còn việc thực thi pháp luật lại nằm trong lòng dân”, chính vì vậy, trong việc tuyên truyền về Luật Thủ đô cần chú trọng ngay từ khâu xây dựng các kế hoạch thực hiện những việc cấp bách, có lợi cho dân…

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Khu vực bãi nổi sông Hồng (tức bãi giữa) có diện tích tương đối lớn với khoảng 329ha nằm trải dài qua địa phận của 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Nằm trong không gian văn hóa sông Hồng, hài hòa với cảnh quan hai bên bờ và cầu Long Biên lịch sử, bãi giữa sông Hồng chứa tiềm năng lớn để phát triển thành không gian văn hóa sáng tạo phục vụ người dân và du khách.

Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nhiều diện tích đất hoang hóa tại đây chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát, không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Cùng với đó là phần lớn diện tích bãi nổi nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực này chưa được quan tâm, thống nhất phương thức quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng…

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Bên cạnh những tồn tại nêu trên thì việc làm sao có thể khai thác, phát huy tối đa giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng đã được các cấp, các ngành đặt ra từ lâu. Song, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải rào cản về pháp lý, đặc biệt là các quy định về Luật Đê điều.

Hiện thực hóa quy định về việc xây dựng và phát triển Thủ đô theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của TP Hà Nội; UBND các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên đang tích cực triển khai Đề án “Xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng” trong năm 2024.

Điều Hà Nội cần là được trao chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên bãi giữa sông Hồng và Luật Thủ đô 2024 đã đáp ứng điều đó.

Tại khoản 2 Điều 17 của Luật Thủ đô 2024 quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Đáng chú ý, Luật cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt.

Các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật về đê điều.

Chủ động vào cuộc triển khai Luật Thủ đô, các địa phương đã lên kế hoạch để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, dựa trên những cơ chế mà Luật Thủ đô mang lại.

Ths.KTS Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên từng bước lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng xứng tầm với vị thế tại khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; cụ thể hóa về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Với điểm mới trong Luật Thủ đô năm 2024, nhiều vướng mắc lâu nay về sử dụng bãi sông, bãi nổi trên sông sẽ được xem xét, giải quyết theo luật định. Vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương cần sớm tuyên truyền cho Nhân dân hiểu và đồng thuận, từ đó có định hướng khảo sát, đánh giá hiện trạng để áp dụng khi luật chính thức có hiệu lực.

Vui mừng khi Luật Thủ đô đã ở ra những cơ hội phát triển mới cho khu vực bãi giưã sông Hồng, tuy nhiên người dân vùng bãi cũng lo ngại trước những bất cập, tồn tại như tình trạng nhiều khu vực bãi bồi ven sông đang là kho bãi tập kết vật liệu xây dựng hay gần đây nhất là tình trạng ngập lụt khi mưa lũ sẽ là những bất cập khó tránh khỏi.

"Việc quy hoạch khu vực này thành công viên cây xanh sẽ tạo lá phổi xanh, là nơi thu hút khách tham quan, vui chơi là mong mỏi của không chỉ người dân nơi đây mà còn là của người dân Thủ đô. Nhưng sau bão số 3 vừa qua, Vườn hoa bãi đá sông Hồng đã tan hoang không còn gì...", ông Nguyễn Văn Minh, một người dân quận Ba Đình lo lắng và cho rằng, cơ chế đã mở, nhưng để thực hiện được hiệu quả sẽ cần giải pháp để bảo tồn, duy trì, phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là việc triển khai Luật Thủ đô về nội dung này ngoài chủ trương còn cần giải pháp, sát thực tiễn. Muốn vậy cần có sự vào cuộc của đông đảo các chuyên gia cùng chính quyền và người dân trong thời gian tới.

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Cùng với đó, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết: Yêu cầu quan trọng nhất của quy hoạch phân khu sông Hồng là bảo vệ an toàn đê điều, phòng chống lũ, đây là yêu cầu bắt buộc. Trong quy hoạch được duyệt cũng xác định rất rõ toàn bộ việc quản lý, đầu tư xây dựng được xem xét theo quy định của Luật Đê điều, yêu cầu tại Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã được phê duyệt.

Các khu vực xây dựng, khu vực quản lý ngoài đê, các phần dân cư hiện có, khu vực xây dựng mới, trong Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã nêu ra và đến thời điểm này chưa thay đổi, vẫn thực hiện theo quy định này. Việc đầu tư xây dựng, xác định trục cảnh quan trung tâm của TP vẫn triển khai. Tuy nhiên, phải đảm bảo theo các yêu cầu của phòng, chống lũ. Đối với các dự án triển khai khu vực ngoài bãi, khu vực giữa hai bên đê vẫn được xem xét và được thỏa thuận bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn đê điều, phòng chống lũ.

Vì thế từng dự án sẽ được TP xem xét, có ý kiến thỏa thuận của các ngành. Hiện nay, TP Hà Nội vẫn đang trình cấp có thẩm quyền về Quy hoạch Thủ đô. Trong Quy hoạch Thủ đô có phần tích hợp của phương án chi tiết phòng, chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn để có cơ sở triển khai giai đoạn tới.

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Theo ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Luật Thủ đô có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành chung, tuy nhiên, nếu chúng ta không thể chế hóa, không nỗ lực trong tổ chức thực hiện thì không phát huy được nhiều.

Chính vì vậy, trong kế hoạch triển khai Luật của Hà Nội đã xác định các nội dung lớn, đó là: Quán triệt tới các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, công chức của Thủ đô phải hiểu cặn kẽ các quy định của Luật Thủ đô, còn người dân phải hiểu các quy định của Luật Thủ đô để khi nỗ lực cùng nhau chung tay góp sức để thực hiện hóa vào chương trình của TP.

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Thể chế hóa các nội dung Luật Thủ đô hiện được giao cho Chính phủ, TP Hà Nội. Theo đó, nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết Nghị định là 6 nội dung, giao TP Hà Nội là 52 nội dung và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trước mắt có 30 nội dung của HĐND và 12 nội dung thuộc UBND; cùng với đó là rất nhiều đề án, các quyết định cụ thể, để triển khai Luật Thủ đô.

“Hà Nội cần rà soát các văn bản của TP ban hành trước khi thi hành Luật Thủ đô. Tất cả các sở, ngành phải rà soát, nếu chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay hoặc ban hành mới. Chúng ta phải nhìn lại đoạn trước đây chúng ta từng làm, thực hiện; cái gì chưa tốt thì chúng ta sửa, cái gì tốt rồi thì chúng ta phải sử dụng.

Khi các văn bản đã được ban hành rồi thì trong quá trình thực hiện sẽ vừa làm sẽ vừa đánh giá hằng năm để kịp thời điểu chỉnh, đảm bảo các quy định đi vào cuốc ống. Theo khái niệm của ngành Tư pháp là “theo dõi thi hành pháp luật”, tức là đánh giá các kết quả đạt được, các quy định đó có phù hợp hay không? Nếu chưa phù hợp, chúng ta phải đề xuất điều chỉnh ngay, nhất là các quy định chi tiết” - ông Nguyễn Công Anh chia sẻ và cho biết thêm: “Hiện nay, Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chúng ta chưa làm được. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, lựa chọn những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và thực tiễn để đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi”.

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội, trong triển khai Luật Thủ đô, quan trọng là cán bộ các cấp phải hiểu được một cách đầy đủ cặn kẽ các điều khoản của Luật để vận dụng vào cho Hà Nội ở từng lĩnh vực một, từ đó mới có những kiến nghị, sáng tạo cách làm vận dụng Luật vào cuộc sống.

Nếu không hiểu, không nắm chắc sẽ máy móc, cứng nhắc, dẫn tới Luật Thủ đô không phát huy hiệu quả, mất đi những “cơ hội vàng” đã được thông qua. Do đó, ngay từ khâu tuyên truyền TP phải chú trọng thực hiện rộng rãi, bài bản, kỹ lưỡng. Trước mắt, TP nên đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới Nhân dân Thủ đô, để mỗi người dân nâng cao nhận thức về Luật; đồng thời theo dõi, giám sát lại quá trình thực hiện Luật. Cũng qua đó, giúp cán bộ, người dân thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm, trong vận dụng, đem lại sự sáng tạo, hiệu quả trong thực thi Luật.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ, công việc triển khai Luật Thủ đô từ nay đến hết năm 2024 với các sở, ngành là rất lớn. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo những vấn đề triển khai Luật, mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp góp ý thêm để đưa vào những văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể.

Ông Phan Trường Thành tin tưởng rằng, với Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua và 2 đồ án quy hoạch của Thủ đô được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa rồi là cơ sở pháp lý, là điều kiện, cơ hội thuận lợi cho TP Hà Nội phát triển xứng tầm trong khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò là Thủ đô - trái tim của cả nước...

(còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống: Khơi thông nguồn lực, tạo đột phá để vươn tầm":

Bài 1: Giữ "mạch" quyết tâm tìm kiếm những chính sách đặc thù Bài 2: Chủ động, trách nhiệm và khẩn trương Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi Bài 5: Để "cơ hội vàng" thu về trái ngọt…

Tú Linh – Phạm Mạnh

Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật

« Xem bài 2

Xem bài 4 »

Phạm Mạnh Tú Linh