Bài 3: Phải xử lý nghiêm, không để nhờn luật
Hà Nội tổng kết hai cuộc thi Tìm hiểu pháp luật Bài 2: Lơ là thực thi, hậu quả nhãn tiền Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100 |
“Nguội” vì khâu phát hiện, xử lý chưa đến nơi đến chốn
Việc thực thi Nghị định 100 có dấu hiệu trùng xuống trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia pháp luật và giao thông đánh giá, không có gì mới lạ. Lý giải điều này, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp Luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Nghị định về tăng nặng xử phạt hành chính nói chung và Nghị định 100 nói riêng bao giờ cũng gây tác động tâm lý tức thời đối với người phải chấp hành. Tuy nhiên theo diễn biến tâm lý, sau một thời gian khi thấy cơ quan thực thi pháp luật không còn kiểm tra xử lý thường xuyên, mạnh tay như ban đầu và truyền thông không đưa tin rầm rộ, người ta sẽ thấy câu chuyện đó trở nên bình thường, dần dần thành nhờn.
“Tôi khẳng định thẳng thắn là không bất ngờ với điều này. Tôi cũng không lạ khi qua một thời gian triển khai Nghị định 100 lại đâu lại vào đấy. Là người nghiên cứu luật, tôi nhận thấy ở những nước phát triển, ý thức chấp hành luật của người dân cao thì hiện tượng nhờn luật vẫn xảy ra. Còn tại sao nhờn luật thì chủ yếu do khâu phát hiện xử lý chưa đến nơi đến chốn”, ông Bạch Dương chia sẻ thêm.
Chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 10 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn |
Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị nhận định: “Nói là người dân lơ là Nghị định 100 vừa đúng vừa chưa đúng. Thực ra “văn hóa nhậu” của người dân Việt Nam đã ăn rất sâu rồi. Bảo rằng sau một vài tháng thay đổi hoàn toàn là không khả thi. Khi mới thực thi, phạt nhiều, thổi nồng độ cồn liên tục nên người tham gia giao thông sợ. Họ không uống hoặc uống xong thì thuê xe về. Thậm chí, có người mai đi xa cũng không dám uống rượu bia. Thời điểm này dịch Covid-19 đã hạn chế đáng kể, người dân phấn khởi nên có cớ gặp nhau vui chơi. Những cuộc gặp mặt như vậy thường khó thiếu rượu bia. Trong khi lực lượng chức năng không đủ người để xử phạt như ban đầu, thế là người dân uống 1-2 lần không thấy phạt, thói quen chưa tốt có dịp quay trở lại. Tôi nghĩ nếu chỉ làm theo phong trào thì việc xử phạt theo Nghị định 100 nguội dần là điều dễ hiểu”.
Nói đi cũng phải nói lại, phát hiện rồi nhưng việc xử lý không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo Thượng úy Ngô Văn Tâm, tổ xử lý nồng độ cồn, Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), quá trình xử lý vi phạm cũng gặp một số khó khăn trong đó có việc người ăn nhậu sử dụng chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng. Rõ nhất là việc để một người trong nhóm nhậu không sử dụng đồ uống. Khi cả nhóm ra về thì người này đi xe máy rời khỏi địa điểm ăn nhậu trước để thu hút sự chú ý, khiến lực lượng chức năng giữ lại kiểm tra. Trong khi đó, những người khác đợi một lúc rồi mới đi xe máy rời khỏi quán. Vì thế, lực lượng chức năng phải có thêm các giải pháp để xử lý các trường hợp vi phạm.
"Quan trọng là vi phạm nào cũng bị phát hiện và xử lý"
Theo đánh giá thực tế, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông hiện nay vẫn đang ở mức cao. Hiện tượng này đòi hỏi lực lượng Cảnh sát giao thông phải tiếp tục tăng cường hơn nữa việc kiểm tra xử lý vi phạm so với thời gian qua.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị |
Là một bác sĩ, anh Trần Trí Đạt (38 tuổi, ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tang thương chỉ vì bia rượu. Bởi vậy, anh kỳ vọng Nghị định 100 sẽ thay đổi được thói quen xấu của nhiều người. Anh cho rằng, luật ban hành nhưng không có giám sát thực thi sẽ không có kết quả nếu ý thức của mỗi người dân về vấn đề này không cao hoặc chưa được chú trọng.
“Luật đặt ra dù tốt đến đâu mà không giám sát thực thi thì cũng không mang lại hiệu quả cao. Tôi đề nghị sau khi xử phạt, cơ quan chức năng công khai kết quả xử phạt liên tục lên các trang thông tin. Hình thức xử phạt cần thực sự công khai, minh bạch. Như thế, người dân mới phục và chấp hành. Chứ sau khi vi phạm, lái xe cầm điện thoại gọi điện quen biết chỗ này chỗ kia hay đưa tiền “lót tay” rồi đi thì không ổn. Đã là luật thì phải nghiêm. Không nên đổ lỗi cho người dân trong tình huống này vì thói quen dù biết là chưa tốt nhưng không thể đòi hỏi thay đổi ngày một ngày hai được”, anh Đạt nói.
Các chuyên gia lĩnh vực giao thông đều cho rằng, khi triển khai chính sách luật mới, các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt, không nhân nhượng. Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng: "Cơ quan nhà nước trong việc tổ chức và thực thi pháp luật phải thường xuyên và liên tục. Luật đặt ra để thực hiện, chúng ta cần nhìn nhận lại trách nhiệm chính của các cơ quan nhà nước, phát hiện nhưng không xử lý tức là không hoàn thành nhiệm vụ rồi. Cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn, mạnh tay làm đến nơi đến chốn. Không nhất thiết phải tăng nặng chế tài xử phạt mà quan trọng là vi phạm nào cũng bị phát hiện và xử lý. Phạt có tính chất không nhân nhượng. Chế tài có nặng đến đâu mà không phạt cũng không có ý nghĩa gì cả. Tuy nhiên, luật nào cũng cần có thời gian vì liên quan đến ý thức của người dân”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Thủy cũng cho rằng, Công an giao thông phải làm việc chặt chẽ, liên tục nhắc nhở, xử lý những người vi phạm đúng luật, công bằng, minh bạch thì người dân sẽ tuân theo.
Theo ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 là chủ trương xuyên suốt lâu dài chứ không chỉ làm theo chương trình cao điểm rồi lại thôi. Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công an đã thực hiện triển khai sâu rộng và quyết tâm thực hiện nghiêm Nghị định 100.
Hiện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đặc biệt là lái xe vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi sai phần đường, làn đường; Vi phạm hiệu lệnh của tín hiệu giao thông; Cương quyết xử lý các hành vi vi phạm, kể cả đối với khách du lịch và người nước ngoài.
Nhìn vào thực tế sẽ thấy, có rất nhiều yếu tố để Nghị định 100 đi vào cuộc sống nhưng yếu tố thay đổi căn bản, gốc rễ chính là thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông và ý thức về việc chấp hành đúng luật. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, kiểm tra, răn đe cũng như xử phạt vi phạm phải cần tiếp tục đẩy mạnh thường xuyên, liên tục. Có như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật mới được thực thi. Ý nghĩa của một chính sách pháp luật đúng đắn và có giá trị mới len lỏi vào đời sống xã hội sâu sắc và trọn vẹn.