Bài 3: Trung tâm tập hợp, đoàn kết Nhân dân
Từ cán bộ tiên phong...
Hai năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; Cùng với đó, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... san sẻ yêu thương, ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch.
Hàng triệu chiếc khẩu trang, hàng trăm nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn, hàng chục nghìn bộ kít xét nghiệm, hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tặng... đã được thành phố kịp thời hỗ trợ cho các bệnh viện, khu cách ly, trạm, chốt kiểm soát y tế, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các hộ nghèo, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Trần Thanh Hải, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 10, phường Ngọc Lâm tiên phong ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19” |
Những tình cảm trao gửi đi của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp không chỉ kịp thời hỗ trợ, động viên, tiếp sức cho lực lượng phòng, chống dịch và giúp các hộ nghèo, người lao động vơi đi phần nào những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà còn góp phần lan tỏa tình yêu nước, tình người của Nhân dân Thủ đô.
Có được thành quả đó là nhờ sự tích cực, chủ động cùng những cách làm sáng tạo trong vận động các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân đồng lòng chống dịch của các cán bộ Mặt trận cơ sở.
Trong đợt hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp, vận động ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19”, ông Trần Thanh Hải, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 10, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cùng các thành viên của tổ đã chia thành các nhóm theo liên gia để tổ chức vận động tới từng hộ gia đình.
Việc triển khai vận động ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19” trên địa bàn tổ dân phố, khu dân cư thực sự gặp khó khăn khi nhiều hộ trong tổ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ lại đang tạm dừng kinh doanh; Nhiều hộ còn có cuộc sống chật vật do ảnh hưởng của dịch bệnh…
Nhà cũng chẳng mấy khá giả, công việc của các con đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song gia đình ông Hải vẫn tiên phong ghi tên đầu tiên vào danh sách ủng hộ 1 triệu đồng cho “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19”. Trong câu chuyện qua lại với người dân trong tổ dân phố, ông Hải "thủ thỉ" với từng hộ để họ hiểu rõ mục đích đặc biệt của đợt vận động này chính là góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mỗi người dân, hạn chế mức thấp nhất người bị lây nhiễm dịch bệnh.
Sự năng nổ, nhiệt tình của người Trưởng Ban ông tác Mặt trận đã có sức cuốn hút và lôi cuốn đến các thành viên của tổ dân phố. Các thành viên đã tích cực nhanh chóng tham gia vận động người dân. Nhờ đó, tổ dân phố số 10 đã vận động ủng hộ cho “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19” được gần 30 triệu đồng. Kết quả ấy đã góp phần cùng Nhân dân và cán bộ phường Ngọc Lâm vượt mức vận động ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19” đạt trên 500 triệu đồng.
... tới Nhân dân hưởng ứng
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ kinh phí mua vắc xin phòng, chống Covid-19 của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cụ Nguyễn Hữu Mai, 94 tuổi, ở số 129 ngõ 131 đường Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) đã liên hệ với tổ trưởng tổ dân phố để đóng góp số tiền 2 triệu đồng trích từ lương hưu hằng tháng. Trước đó, năm 2020, cụ cũng trích 10 triệu đồng từ số tiền tích góp nhiều năm để ủng hộ vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của phường Nghĩa Đô.
MTTQ các cấp TP Hà Nội trao những phần quà ý nghĩa tới người khó khăn |
Cụ Mai khi ấy khiêm tốn bày tỏ: "Việc làm của tôi chẳng là gì cả so với những đóng góp của nhiều nhưng tôi mong rằng người dân Việt Nam, mỗi người chỉ cần góp một phần nhỏ công sức, tiền bạc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì chắc chắn chúng ta sẽ giành thắng lợi trước kẻ thù này - kẻ thù mà cả thế giới đang lo sợ nhưng chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình. Chúng ta hãy tiếp sức cho tiền tuyến chống dịch Covid-19, để chiến sĩ trên tuyến đầu yên tâm làm nhiệm vụ”.
Bà Trần Thị Ngân, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đô cho biết, cụ Mai là một trong những người đầu tiên trên địa bàn phường tham gia đóng góp, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc làm của cụ đã tác động sâu sắc đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Các tổ chức đoàn thể ở phường thông qua các cuộc họp khu dân cư đã vận động người dân noi theo gương cụ đóng góp cho công tác phòng chống dịch và thu được nhiều kết quả tích cực.
Là thương binh hạng 3/4, sức khỏe yếu ông Phạm Quang Tiến, sinh năm 1946, nhà ở số 67 Cầu Gỗ (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) tâm niệm, khi đất nước đang chiến đấu với “giặc” Covid-19, không đóng góp được sức lực thì ủng hộ bằng tiền. Vì vậy, ngay khi tiếp cận lời kêu gọi toàn dân ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, ông đã bàn với vợ trích 10 triệu đồng từ tiền phụ cấp thương binh để ủng hộ công tác phòng, chống dịch thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong dịch bệnh, song có rất nhiều những gia đình như ông Phạm Quang Tiến đã tự nguyện, tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch, qua đó lan tỏa tới mọi người dân. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đà cho biết, trong số 250 triệu đồng mà đơn vị nhận được từ các cá nhân, tập thể để ủng hộ công tác phòng chống dịch và Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, có rất nhiều thương, bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng đã trích những đồng lương hưu, tiền trợ cấp để một lòng hướng về đất nước đang trong cơn đại dịch. Có những người chỉ đóng góp 20.000 đồng, có người ủng hộ một triệu đồng, thoạt nghe là chuyện bình thường nhưng ý nghĩa thật sự bên trong là xuất phát từ tình cảm của rất nhiều thương, bệnh binh nặng, sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn… “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, một đồng tiền ủng hộ kịp thời, đúng lúc là rất quý giá.
Không chỉ đóng góp theo lời kêu gọi của Trung ương, thành phố và Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực vận động để thực hiện các hoạt động thiện nguyện riêng lẻ. Với khoảng 250 thành viên, nhóm thiện nguyện của anh Vũ Minh Châu đã chia nhau theo ca ngày và tối để trao nhiều nhất có thể các phần quà đến tay người khó khăn. Công việc này được thực hiện hằng ngày đều đặn bất kể mưa nắng.
Trung bình mỗi ngày họ đi phát tặng khoảng hơn 100 suất gạo, 200 - 300 suất rau củ quả cùng các loại thực phẩm thiết thực khác. Để có được số lượng lớn nhu yếu phẩm và các suất quà hỗ trợ hằng ngày, nhóm của anh Châu ngoài việc tự nguyện ủng hộ, đã tích cực vận động từ các "mạnh thường quân", doanh nghiệp, tổ chức, các đầu mối siêu thị thực phẩm…
Anh Châu chia sẻ, đã nhiều năm nay, mặc dù đã gặp không ít trường hợp éo le, cực khổ nhưng có lẽ chưa bao giờ anh phải chứng kiến đồng bào mình, nhất là bà con lao động tự do lại khốn khó như bây giờ.
“Những người nghèo là những người tổn thương nhất trong lúc này, vì thế, tôi cùng các thành viên trong nhóm có quan điểm, mình dùng gì, ăn đồ gì thì tặng biếu người khó khăn như thế. Trao tặng bằng tất cả tấm lòng thiện nguyện của mình, phần nào giúp họ yên tâm vượt qua khốn khó, đói khổ, chỉ mong sao cuộc sống của mọi người dần ổn định, mọi khó khăn sẽ sớm qua đi”, anh Châu tâm niệm.
(Còn nữa)