Bài 3: Từ chuyện nhà, ra chuyện đường
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Lấy văn hóa ứng xử làm gốc, gia đình mới bền vững - Bài 2: Hạnh phúc - thước đo của gia đình
Lấy văn hóa ứng xử làm gốc, gia đình mới bền vững- Bài 1: Kịp thời và đúng lúc
“Kì tích” trong thang máy, trên xe buýt
Nếu không đọc kỹ, nhiều người sẽ cho rằng đó là chuyện xảy ra ở vùng sâu vùng xa chứ không phải giữa Hà Nội phồn hoa này. Như báo chí phản ánh, cuối tháng 6 vừa qua, tại một chung cư thuộc quận Hoàng Mai, người dân phát hiện ra bãi nước có màu và mùi “đáng nghi ngờ” trong thang máy nên báo bảo vệ tòa nhà.
Kết quả trích xuất camera cho thấy hình ảnh bất ngờ. Trong khi thang di chuyển, một phụ nữ đã dùng mũ bảo hiểm che camera để người kia… đi tiểu ngay trên sàn thang máy.
Hiện trường để lại cùng hình ảnh rõ rành rành. Chủ căn hộ có hai vị khách này đến chơi đành “bấm bụng” nhận trách nhiệm và nộp phạt 2 triệu đồng. Số tiền phạt tuy không nhiều nhưng để lại trong dư luận những câu hỏi nhức nhối và những cái lắc đầu ngán ngẩm.
Hai người phụ nữ ăn mặc hiện đại, biết có camera trong thang máy và dùng mũ bảo hiểm để che nhưng lại không tính đến hậu quả gây ra. Chỉ một vài phút sau sẽ vào nhà bạn, họ xấu hổ không dám đi nhờ nhưng tè bậy ra nơi công cộng thì lại không xấu hổ?
Chiếc mũ có thể che được hình ảnh nhưng liệu có che nổi nhân cách của hai người phụ nữ ấy? Như vậy, vì nhu cầu cá nhân mà họ sẵn sàng làm những việc không ai tưởng tượng nổi. Giữa Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, hành động này càng đáng lên án hơn khi người trong cuộc biết rõ hành động có thể bị phát giác mà vẫn cố tình làm.
Sự việc trên chưa nguôi thì lại đến vụ nam thanh niên bị cơ quan chức năng phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) phạt 200 ngàn đồng vì hành vi thủ dâm trên xe buýt. Điều đáng nói, trước đó một tuần, một thanh niên khác cũng để xảy ra tình trạng tương tự và bị Công an phường Hàng Mã lập biên bản.
Không chỉ khiến những người trên hai chuyến xe buýt ấy hoảng loạn, dư luận cũng không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với nhân cách, đạo đức của những kẻ biến thái này? Vô tư trút xả những nhu cầu tự nhiên mang tính bản năng giữa chốn công cộng, đây chỉ có thể là “căn bệnh” thiếu giáo dục mà thôi.
Trong khi đó, kiềm chế bản thân, biết “giải quyết nhu cầu” đúng nơi, đúng chỗ là “bài học vỡ lòng” từ trong mỗi gia đình, từ khi còn ấu thơ và tuổi niên thiếu chứ không phải là kiến thức gì mới mẻ, cần cập nhật.
Cả bốn nhân vật trong những câu chuyện này đều đã trưởng thành. Thậm chí, có người đã ở tuổi trung niên, được “tập dượt”, thực hành cả trăm nghìn lần trong suốt ngần ấy năm của cuộc đời. Điều đó cho thấy lỗ hổng của giáo dục gia đình quá lớn, tạo nên “lỗi hệ thống” trong hành xử và sự tự trọng của họ.
Cần xấu hổ với lương tâm mình
Đây là giọt nước tràn ly của khá nhiều hành vi ứng xử thiếu văn minh, lịch sự nơi công cộng của một bộ phận người Hà Nội. Ngày ngày khắp Hà Nội vẫn có người “tiểu đường” ở công viên, ven đường, ven hồ. Trên vỉa hè, ở gốc cây thi thoảng vẫn khiến người đi bộ chun mũi vì mùi xú uế từ chất thải của động vật và người. Ở ghế đá, tường bao, chỗ nghỉ chân trong nhà chờ xe buýt đôi khi vẫn là “bãi đáp” cho bã kẹo cao su và là chỗ người ta khạc nhổ bất chấp có ai “dính đạn” hay không?
Còn vô vàn những hành động như vứt rác bừa bãi, họ chỉ biết sạch mình còn mặc kệ người khác phải gánh chịu hậu quả. Đó chính là hệ quả của việc, trong gia đình họ không được dạy bảo điều gì không nên, không phải. Người lớn đã không giáo dục lại càng lơ là giám sát con cháu thực hiện những việc làm vì mình và tôn trọng người khác nên mới để thói vô trách nhiệm, thích gì làm nấy “lây nhiễm” ra ngoài xã hội.
Ở ngõ 46 Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), mọi người đều phục bà Nguyễn Thị Doan vừa gương mẫu vừa dạy bảo con cháu nghiêm khắc. Bản thân bà, tuy không tham gia công tác khu phố nhưng luôn đứng ra lo việc chung của cả xóm như đôn đốc, khuyến khích việc đóng góp quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa…
Việc giữ gìn vệ sinh ngõ được bà đặc biệt lưu ý với những gia đình trong xóm. Thời gian gần đây, xóm không còn duy trì việc tổng vệ sinh sáng Chủ nhật hàng tuần nhưng do bà động viên, nhắc nhở nên trước cửa nhà, ai cũng tự động quét dọn sạch sẽ. Bà luôn đổ rác đúng giờ và nhắc mọi người phải chấp hành đúng quy định. Chỗ đổ rác luôn được bà tự tay quét dọn, mang nước ra rửa sạch để tránh nước thải vương vãi, bốc mùi khó chịu.
Những gia đình trong xóm có việc hiếu hỉ luôn được bà cùng mọi người hỏi thăm, động viên hoặc giúp đỡ kịp thời. Chính vì có bà nên mọi người trong xóm thân thiết, gắn kết với nhau nhiều hơn.
Từ nhiều năm nay bà sống cùng con trai, con dâu và các cháu nhưng trong nhà chưa bao giờ có điều tiếng gì. Nhất là trong quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, bà coi con dâu như con gái, tôn trọng chứ không xét nét hay có khoảng cách. Những “xung đột thế hệ” trong gia đình hầu như không bao giờ xảy ra vì bà biết dung hòa giữa lợi ích của cá nhân và của các con.
Bà Doan cũng đặc biệt chú trọng đến việc dạy ứng xử cho con, cháu. Được bà làm gương nên con trai, con dâu bà đi ra ngõ gặp hàng xóm là chào hỏi xởi lởi, đi xe không ga to, phóng nhanh làm ảnh hưởng đến người khác. Đặc biệt, hai cháu nội của bà rất ngoan, rất có ý thức và ý tứ.
Bé Phương Ly năm nay gần 7 tuổi khi sang nhà các bạn chơi luôn xin phép trước khi đi, đến nhà bạn xin phép người lớn cho lên chơi. Bước vào nhà ai, bé luôn tự xếp sắp giày dép của mình gọn gàng. Khi các bạn chơi với nhau có xảy ra tranh chấp đồ chơi, Phương Ly luôn là người chủ động nhường nhịn và chờ người lớn phân xử chứ không khóc dỗi.
Bé Phương Ly còn trở thành tấm gương cho các bạn nhỏ trong xóm bởi chơi xong bao giờ bé cũng cất dọn đồ chơi, chào hỏi người lớn xong mới ra về. Khi ăn uống ngoài ngõ, bé không bao giờ tiện đâu vứt rác đấy mà mang về nhà hoặc bỏ nhờ vào thùng rác nhà hàng xóm.
Bởi được bà làm gương, bởi những lối ứng xử lễ phép, mà Phương Ly cùng anh trai và bố mẹ luôn được bà con trong xóm yêu mến. Rõ ràng, cách giáo dục trong gia đình bà Doan đã khiến mỗi thành viên trong có ý thức với những người xung quanh và được cộng đồng yêu mến. Nếu gia đình nào cũng được người lớn làm gương, con cháu thực hành như thế thì những hành động xấu sẽ dần bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
(Còn nữa)