Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 25km, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ) nổi tiếng với nghề mây tre đan đã phát triển hơn 400 năm. Theo dòng lịch sử, làng Phú Vinh với tên gọi ban đầu là Phú Hoa Trang (tức trời phú cho dân có bàn tay lụa), người dân nơi đây có bàn tay khóe léo, giỏi đan lát. Từ những cây mây, cây tre giản dị, quen thuộc của làng quê Việt Nam đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, chứa đựng nét văn hóa, tài hòa của người xứ Đoài. |
Những “kho báu” sống |
Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Ông tổ thật sự của nghề mây tre đan ở Phú Vinh là ai không rõ. Các cụ cao niên kể lại rằng, cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn… |
Người dân Phú Vinh đã gắn bó với nghề truyền thống mây tre đan cha ông truyền lại, tạo thu nhập cho mỗi gia đình |
Được làm thủ công, được chăm chút bằng trái tim yêu nghề say nghề nên mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều mang trên mình dấu ấn của cá nhân người nghệ nhân, dấu ấn của quê hương và cả hơi thở của thời đại. Không chỉ giới hạn trong những vật dụng hay đồ trang trí, các nghệ nhân ở làng còn có thể miêu tả thành công thần thái của con người qua những bức chân dung bằng mây… Đó cũng là sản phẩm tiêu biểu làm nên thương hiệu “người đan tranh lãnh tụ” của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Sáng tác bằng tâm huyết, lòng say nghề và “đôi bàn tay lụa”, những bức chân dung do nghệ nhân Nguyễn Văn Trung tạo ra được khách hàng gần xa đánh giá cao. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cũng đan chân dung rất nhiều lãnh tụ và các nhà lãnh đạo cấp cao khác theo yêu cầu làm quà của các đơn vị ngoại giao, các cơ quan, tổ chức hay cá nhân, hoặc đơn giản chỉ là đan tranh để tham gia triển lãm giới thiệu về làng nghề của mình. Hàng trăm bức chân dung bằng mây tre đan ấy đã tạo nên thương hiệu riêng của người nghệ nhân làng Phú Vinh. |
Mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều mang dấu ấn của nghệ nhân, là những món quà tinh tế, ý nghĩa để mọi người có thể trao tặng cho nhau |
Về Phú Vinh, hỏi nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh không ai không biết đến. Bởi ông chính là tác giả của những tác phẩm tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoành phi câu đối bằng mây tre đan vô cùng độc đáo và mới lạ khiến người xem không khỏi trầm trồ và thán phục. Ông Tĩnh không nhớ đã bén duyên với nghề mây tre đan từ lúc nào, chỉ biết lúc đó còn rất nhỏ. Khi ấy, cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, là một trong 9 nghệ nhân đầu tiên được phong tặng danh hiệu của miền Bắc, đã kèm cặp chỉ bảo ông từng chút, từ cách vót nan, chuốt mây đến việc bắt khung đan những sản phẩm rá, rổ thông thường nhất. |
Giữ truyền thống, vươn xa thế giới |
Lớn lên giữa làng nghề lại được cha chỉ bảo nên tình yêu với mây tre đan trong ông cứ thế nhân lên. Vì thế, ông thường tự tìm tòi, sáng tạo các kiểu dáng, hình đan độc đáo, lạ mắt khác nhau khiến người trong làng nể phục. Ở tuổi 25, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh đã có giải thưởng đầu tiên là Huy chương Vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương (khi đó) trao tặng. Đó cũng là dấu ấn lớn, tạo động lực để ông miệt mài theo đuổi, giữ nghề truyền thống. Ông cũng truyền nghề cho 2 người con trai và cùng các con gây dựng Công ty Việt Quang. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh để các sản phẩm của Việt Quang nói riêng, làng nghề Phú Vinh nói chung có thể cạnh tranh được trên thị trường phải tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh sự sáng tạo, độc đáo về mẫu mã, các sản phẩm còn ẩn chứa những nét duyên dáng, hồn cốt rất riêng đã được đúc kết từ hàng trăm năm phát triển của làng nghề Phú Vinh. Nét độc đáo đó không nơi nào có được. Điều này cũng đã giải thích vì sao qua bàn tay ông và các nghệ nhân khác trong làng những chiếc giỏ đựng trái cây, khay trà, lộc bình… cũng trở nên cầu kỳ, kiểu cách và có thể phù hợp với bất cứ một nhà hàng, khách sạn sang trọng nào. Những món phụ kiện túi xách, nón, mũ… cũng trở nên thời trang hơn với những kiểu dáng, họa tiết độc đáo. Đặc biệt, những chiếc chao đèn bằng mây, tre do ông làm ra không hề xa lạ với phong cách kiến trúc hiện đại, tạo nên những điểm nhấn cho các công trình… |
Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đa dạng mẫu mã, chứa đựng văn hóa, hồn cốt của làng nghề, quê hương |
Phú Vinh cũng là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây vô cùng tinh tế… là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam. Có những mặt hàng tưởng như được "thêu" bằng nan đầy tài tình, đẹp mắt. Vì thế, các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh trở thành quà tặng khiến ai cũng thích thú khi được trao gửi bởi nó chứa đựng văn hóa, hồn cốt của một làng nghề. Để sản phẩm mây tre đan Phú Vinh vươn xa, người dân Phú Vinh đã ứng dụng công nghệ trong quảng bá qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo… hay thương mại điện tử. Nhiều công ty được thành lập đưa sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đến những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật… Đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao, đồng thời đóng góp tích cực vào kinh tế Thủ đô. |
Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, làng nghề Phú Vinh hiện có 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu với hàng chục vạn sản phẩm được xuất khẩu. Trung bình mỗi năm Phú Vinh thu về khoảng 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong những năm gần đây do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Với các sản phẩm chuyên biệt theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu ổn định hơn đặc biệt là đơn hàng từ EU, nhờ đó thu nhập của người lao động cũng được tăng lên đáng kể. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực của làng nghề ngày càng nâng cao, với khoảng 3.000 lao động, 17 nghệ nhân, thợ giỏi, Phú Vinh có thể đáp ứng được mọi mẫu mã sản phẩm đối tác yêu cầu. |
(Còn nữa) Bài viết: Phương Thanh Trình bày: Bình Minh Bài viết liên quan:
|