eMag azine
01/06/2024 08:00
Bài 4: "Những điều trông thấy" từ đổi mới quản lý lễ hội chùa Hương

01/06/2024 08:00

TTTĐ - Năm nay, chùa Hương đã có thêm một mùa lễ hội an toàn, văn minh và hiện đại nhờ đổi mới công nghệ và cách tổ chức, quản lý.
Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?

Việc đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) được huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chú trọng. Nhờ đó, năm nay, chùa Hương đã có thêm một mùa lễ hội an toàn, văn minh và hiện đại.

Hiện đại hơn, quy củ hơn và… nhàn hơn

Những ngày cuối tháng 2 âm lịch, đoàn chúng tôi xuôi đò vào Thiên Trù để trảy hội chùa Hương. Thảnh thơi ngắm hàng hoa gạo nở bung bên suối Yến, nhớ lại cách đây khoảng 5 năm, chị Nguyễn Thị Huệ (Long Biên, Hà Nội), một thành viên trong đoàn cảm thán: “Đi chùa Hương giờ thích thật, chứ không như 5 năm trước”. Nói rồi chị kể tiếp: “Tôi nhớ năm 2018, trong ngày khai hội, cảnh tắc đò khiến tôi ám ảnh. Đoàn chúng tôi còn phải xắn quần, lội xuống suối Yến vì sợ hãi cảnh các chủ đò tranh giành khách, cãi nhau om sòm. Đến khi lên được Động Hương Tích, tôi tưởng tắc thở, bẹp ruột vì bị chen lấn, xô đẩy. Sợ hãi từ hồi đó, đến giờ tôi mới dám quay lại. Giờ thì trải nghiệm của chúng tôi đã khác xưa nhiều”.

Hai năm gần đây, đa số du khách trảy hội chùa Hương đều có cảm giác như chị Huệ về một lễ hội an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại.

Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng và là lễ hội dài nhất trong năm ở khu vực miền Bắc. Trong những năm qua, để thu hút du khách, UBND huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý (BQL) Di tích và thắng cảnh đã đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan, dịch vụ… Nhờ đó, năm 2023, chùa Hương đã đón hơn 1 triệu lượt du khách.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?Công tác quản lý đò ở chùa Hương được đổi mới. Lái đò tuân thủ quy định về trang phục màu cam nên dễ dàng nhận diện và tạo nên sự đồng bộ, dễ kiểm soát.

Năm nay, công tác đổi mới quản lý lễ hội tiếp tục được UBND huyện Mỹ Đức, BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn chú trọng, đầu tư. Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, những người làm công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm nay “nhàn hơn” bởi mọi quy định đã đi vào nề nếp, đặc biệt là việc vận chuyển khách trên suối Yến. Đò vận chuyển trong lễ hội chùa Hương năm 2024 do HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương quản lý thay vì chủ đò tự đón khách như những năm trước.

“Trước đây, 4.000 lái đò cứ đi mời chào từ ngoài đường, gây ra mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến mỹ quan, thiếu văn minh. Năm nay, các lái đò được sắp xếp lần lượt, ngày nào đông, có lái đò được vận chuyển 2 lượt/ngày. Điều này đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người khi tham gia vào HTX. Trên đò, chúng tôi yêu cầu các lái đò tuân thủ quy định về trang phục màu cam nên dễ dàng nhận diện và tạo nên sự đồng bộ, dễ kiểm soát” – ông Hiển nhấn mạnh.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý Lễ hội chùa Hương?
Tại các bến đò, Ban Quản lý bố trí 10 trạm kiểm soát vé, nhờ lắp đặt quét mã QR, nhờ đó, du khách xếp hàng rất trật tự

Tiếp đó, khách vào được hướng dẫn gửi xe vào bến bãi rồi từ đây, đi xe điện xuống các bến đò. Tại các bến đò, Ban Quản lý bố trí 10 trạm kiểm soát vé, nhờ lắp đặt quét mã QR, ứng dụng công nghệ nên không chỉ du khách xếp hàng trật tự mà còn rất minh bạch, tránh thất thoát.

Bên cạnh đó, BQL cũng quy định thời gian vận chuyển khách từ thứ Hai đến thứ Sáu là 5h-20h; thứ Bảy và Chủ nhật 4h-20h; đồng thời niêm yết công khai giá dịch vụ đò hai chiều năm nay tăng. Cụ thể, đi tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người (tăng 35.000 đồng), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn: 65.000 đồng (tăng 30.000 đồng); giá vé thắng cảnh là 120.000 đồng/người/lượt.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý Lễ hội chùa Hương?Trưởng ban BQL Di tích và danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Lý giải việc không chở đò đêm, Trưởng ban BQL Di tích và danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho hay: “Việc không chở khách đêm khiến người lái đò cũng như các bộ phận khác được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, đồng thời Ban Tổ chức cũng có thời gian thu dọn vệ sinh, phục vụ cho ngày hôm sau tốt hơn”.

Nói thêm về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường suốt mùa lễ hội, ông Hiển cho hay, từ năm 2023, BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã chuyển toàn bộ rác từ trong khu vực trong ra ngoài, không để lưu giữ rác ở phía trong đền, chùa, suối Yến. Ngày nào đông du khách thì có chừng 4 chuyến thuyền vận chuyển rác thải ra ngoài để đảm bảo môi trường, cảnh quan sạch đẹp.

Ứng xử ngày càng văn minh

Ghi nhận của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại chùa Hương ngày 3/4/2024 cho thấy, từ trụ sở UBND xã Hương Sơn và các bãi đỗ xe đã không còn cảnh mời chào, chèo kéo du khách phản cảm như nhiều năm trước. Điều này cho thấy, nhận thức về ứng xử với khách du lịch của người dân nơi đây đã nâng lên rõ rệt.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý Lễ hội chùa Hương?

Du khách trẩy hội chùa Hương

Chị Nguyễn Thị Tính, chủ trọ tại xã Hương Sơn chia sẻ: “Năm nay, khách đến trọ có giảm hơn. Một phần vì người đi hội ít hơn, phần nữa là do phương tiện giao thông, các tuyến đường cũng thuận lợi hơn nên chủ yếu khách đi hội trong ngày. Tuy nhiên, công tác đổi mới lễ hội khiến người dân chúng tôi cũng hài lòng hơn. Chẳng hạn, chủ đò không phải lo chèo kéo khách mà ai cũng có công việc, đến lượt thì đì chèo đò, chưa đến lượt thì làm việc khác chứ không phải trông chờ cả ngày như mọi năm. Bản thân tôi cũng hiểu được, giờ lễ hội diễn ra khắp nơi, muốn tồn tại được, để có công ăn việc làm quanh năm thì dịch vụ phải tốt, mình phải đối xử với khách văn minh để họ còn quay lại”.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho hay, Mỹ Đức được đánh giá là địa phương có thể trở thành khu du lịch trọng điểm của Thủ đô Hà Nội theo loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Đặc biệt, quần thể Hương Sơn hàng năm trung bình đón từ 1,3 -1,5 triệu du khách, ước tính thu về khoảng 600 - 900 tỷ đồng.

UBND huyện Mỹ Đức đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Trong đó, mục tiêu là năm 2025, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch cấp thành phố. Năm 2030, chùa Hương sẽ thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Không chỉ ở phía bên ngoài, dọc 2 bên bờ suối Yến và điểm soát vé bên trong, công tác tuyên truyền về ứng xử văn minh dành cho du khách cũng được BQL liên tục thông báo trên hệ thống loa. Đặc biệt, ở mùa lễ hội năm nay, Ban Quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã đặt Backdrop, lắp màn hình LED cỡ 36m để tuyên truyền công tác tổ chức lễ hội, lịch sử khu danh thắng hoặc các biển bảng gắn mã QR, hiển thị sơ đồ để khách thuận tiện tìm hiểu thông tin về danh thắng.

Ông Nguyễn Bá Hiển cho biết, từ đầu mùa lễ hội đến ngày 3/4/2024, di tích, danh thắng chùa Hương, đã thu hút gần khoảng 800.000 khách tham quan; giảm khoảng 80.000 khách so với năm ngoái.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý Lễ hội chùa Hương?

Ông Hiển giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ để theo dõi các trạm soát vé lắp đặt mã QR

Cũng theo chia sẻ của ông Hiển, dù còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, song huyện Mỹ Đức và Ban Quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn vẫn duy trì chủ trương chú trọng công tác quản lý, để mang đến những trải nghiệm thoải mái, lý thú cho khách thập phương khi tham quan quần thể Hương Sơn.

Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?

(Còn nữa)

Thực hiện: Thái Sơn - Thanh Thắng - Quỳnh Giang


Bài viết liên quan loạt bài "Chuyển đổi số trong quản lý lễ hội ở Hà Nội: Hiệu quả từ tư duy đột phá và hành động quyết liệt":

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Bài 2: Bước tiến trong đổi mới tư duy từ chính quyền cơ sở Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Thái Sơn - Quỳnh Giang