Bài 4: Những vùng “trắng” công nghệ thông tin
Lực bất tòng tâm
Tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học NayDer, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, cả trường chỉ có duy nhất một bộ máy tính để ban giám hiệu nhà trường sử dụng. Cho đến nay, học sinh chưa từng được tiếp xúc với máy tính và CNTT.
Được biết, toàn trường có đến 96% là học sinh dân tộc thiểu số và 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phương tiện công nghệ duy nhất các em được tiếp xúc đó là điện thoại của anh chị, người thân nhưng không phải gia đình nào cũng có.
Học sinh trường Tiểu học Nay Der rất thích thú với những bài giảng cô giáo trình chiếu trên màn hình |
Trong 2 năm học vừa qua với nhiều đợt giãn cách do dịch bệnh, nhà trường không thể triển khai dạy trực tuyến, cách để khắc phục duy nhất giúp học sinh không quên bài đó là vào thứ 6 hàng tuần, các cô giáo chia nhau đi đến từng nhà học sinh phát bài tập mới và thu lại bài tập cũ. Em nào chưa hiểu, cô sẽ giảng bài luôn.
Cô Đinh Thị Lương, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học NayDer cho hay: “Lãnh đạo cấp trên cũng yêu cầu chúng tôi dạy trực tuyến nhưng thực tế với cơ sở vật chất của nhà trường và điều kiện của học sinh như vậy thì không thể tổ chức dạy và học được. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học cũng chỉ thực hiện được phần nào vì điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu”.
Được biết, toàn trường có khoảng 80% giáo viên sử dụng được máy tính. Hiện nay, trường chỉ có một màn hình tivi lớn để thầy cô dạy và ứng dụng trình chiếu bài giảng. Trong những đợt giãn cách vừa qua, nhiều phụ huynh đưa cả nhà vào rẫy ở. Học sinh theo bố mẹ đi làm nương, ở đó không có sóng điện thoại vì thế công cuộc giao bài tập của cô giáo càng vất vả hơn.
“Trường hiện chưa có phòng máy tính. Việc dạy trực tuyến cũng muốn lắm nhưng không thể thực hiện được. Chúng tôi cũng đã trình bày khó khăn với lãnh đạo điều kiện của học sinh, nếu ít em thì còn khắc phục được nhưng gần 100% khó khăn thì đúng là “lực bất tòng tâm”, cô hiệu trưởng Đinh Thị Lương cho biết.
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng được học một số môn có minh họa hình ảnh trên màn hình ti vi |
Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, toàn huyện chỉ một vài trường có phòng máy tính. Thầy cô tự sắm máy tính cá nhân để làm việc. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, có 5 điểm trường “cắm” tại các thôn có địa hình xa xôi, hiểm trở nhưng chỉ ở điểm chính là được lắp Internet. Một vài chiếc máy tính hiện đang được Ban Giám hiệu sử dụng là do nhà trường có từ nhiều nguồn trong đó có cả từ thiện và quỹ của trường.
Toàn trường có 99% học sinh là dân tộc Mông, chỉ có 1% là dân tộc Dáy, Tày. 100% học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, không có điều kiên tiếp xúc với công nghệ hay lắp đặt mạng Internet. Nhiều học sinh nhà cách trường gần 20km, do địa hình hiểm trở lại hẻo lánh nên nơi ở điện cũng chưa bao phủ hết.
Cô Trương Thị Lưu, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng cho biết: “Trường tôi không có phòng máy tính, toàn bộ máy tính là của cá nhân thầy cô mua sắm để phục vụ công việc của mình. Vừa qua, nhà trường được tặng một số màn hình ti vi, vài lớp ở điểm trường chính được lắp. Các thầy cô ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn bài giảng và trình chiếu trên màn hình khiến học sinh rất thích thú.”.
Lễ Khai giảng của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng diễn ra trong lớp học |
Điều kiện học sinh: Vấn đề không thể khắc phục
Được biết, tại nhiều trường ở vùng nông thôn, miền núi ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn thì vấn đề khó khắc phục đó là điều kiện của học sinh. Bởi ở đây, ăn còn chưa đủ, đi học thầy cô còn phải vận động thì những sản phẩm công nghệ để phục vụ học tập là điều vô cùng xa xỉ.
Nhiều nơi, gia đình nghèo, không phải ai cũng có điện thoại thông minh, nghỉ dịch, họ không đi làm xa được nên đưa cả nhà lên nương rẫy. Trên rẫy thì không có sóng điện thoại vì thế, duy trì sĩ số lớp, giúp các em không quên bài đã là sự cố gắng của thầy cô.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn là một trong vài trường ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có phòng máy tính |
“Duy trì sĩ số, đến từng nhà học sinh giao bài tập và giảng trực tiếp nếu không hiểu bài… chúng tôi làm được như thế là hết sức rồi. Chúng tôi cũng chỉ cố gắng được đến thế thôi”, cô Đinh Thị Lương, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai nói.
Dù không có điều kiện nhưng học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi lại rất thích các thiết bị công nghệ. Sự háo hức của các em thể hiện qua những tiết thầy cô giảng bài có minh họa trên màn hình tivi ở lớp. Các em háo hức và tập trung hơn, tiếp thu bài tốt hơn.
Qua đây, cô Trương Thị Lưu, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng khẳng định: “Nếu có điều kiện về CNTT, các em sẽ tiếp thu rất nhanh và thích học trực tuyến”.
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc cho biết: "Chuyển đổi số ở huyện Mèo Vạc chưa triển khai gì, kể cả việc dạy học trực tuyến. Lý do bởi các trường chưa có đầy đủ thiết bị công nghệ, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện để mua thiết bị. Với những khó khăn trên, nên những huyện nghèo như Mèo Vạc chỉ dạy học trực tiếp, không thể dạy trực tuyến được". |
(Còn nữa)