Bài thi Tổ hợp: Khó đạt điểm cao
Tại điểm thi THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi cả 3 môn Vật Lý, Hóa Học và Sinh Học năm nay tương đối khó. Các thí sinh thoải mái từ câu 1 đến câu 20. Bắt đầu từ câu 21 trở đi, các thí sinh chọn đáp án nhưng không chắc chắn.
Em Phạm Quý Duy, Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Đề thi cả 3 môn thành phần trong tổ hợp đều tương đối khó. Em học khối A nên làm khá tốt đề thi môn Vật Lý, trả lời chắc chắn khoảng 30/40 câu. Còn với môn Hóa học và Sinh học, em làm không được tốt lắm nhưng cũng trên mức trung bình.
Một số thí sinh khác cho rằng đề thi môn Sinh học dễ nhất trong tổ hợp, còn đề thi môn Vật lý khó, khoảng 40% câu trong đề có tính phân loại rất cao, buộc thí sinh phải học rất chắc mới có thể làm được. Các câu hỏi chủ yếu nằm trong kiến thức lớp 12, một số ít ở lớp 11.
Đánh giá về đề thi môn Vật Lý, thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên dạy môn Vật lý Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, đề thi không có đột biến, bám sát tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 9 câu thuộc chương trình lớp 11, đạt tỷ lệ khoảng 20%. Học sinh đạt điểm 5 - 6 không khó, có tới 12 câu tương đối dễ. Để đạt điểm 7 - 8, học sinh phải có kỹ năng tính toán tốt; nhất là điểm 9 - 10 thì học sinh phải nắm thật chắc kiến thức và kỹ năng tính toán. Trong mã đề 206 xuất hiện nhiều câu yêu cầu học sinh phải nắm vững mô tả các hiện tượng như câu 34, hoặc về dòng điện xoay chiều ở câu 37, dao động cơ ở câu 39…
Đối với môn Sinh học và Hóa học, một số giáo viên thuộc các trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều cho rằng, đề thi hay, độ phân hóa cao, học sinh phải có kỹ năng và kiến thức tổng hợp cả về lý thuyết và thực hành mới làm được trọn vẹn. Tuy nhiên, đề không có tính hàn lâm, đánh đố học sinh. Tỷ lệ kiến thức lớp 11 trong cả hai môn đều đạt khoảng 20%.
Theo dự đoán của các giáo viên, điểm 9 - 10 sẽ rất ít, phổ điểm của hai môn Sinh học và Hóa học dao động từ 5,75 - 6 điểm.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay có 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%). Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
Với bài thi môn tổ hợp, thời gian nghỉ giữa hai phân môn thành phần liên tiếp chỉ 10 phút (năm 2017 thời gian chờ là 20 phút). Năm 2018, thí sinh dự thi THPT quốc gia học chương trình THPT sẽ phải làm 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Học sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên thi bắt buộc 3 bài là Toán, Ngữ văn và một trong hai môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Các bài thi tổ hợp có tổng thời gian 150 phút, mỗi môn thành phần trong bài thi có thời gian là 50 phút.